Trong một bài phát biểu trước giới lãnh đạo ở Thung lũng Silicon, ông Gutierrez cho biết, các nhóm chuyên gia này, được gọi là Các chuyên gia Quyền sở hữu trí tuệ, sẽ hoạt động tại Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và một số quốc gia khác. Họ sẽ theo dõi và giám sát các vụ việc, tiếp xúc hàng ngày với các quan chức tại các quốc gia này.
Sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện là mối lo ngại chính của các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon và các trung tâm công nghệ cao khác trên khắp nước Mỹ.
Ông Robert Holleyman, giám đốc điều hành của Liên minh Phần mềm Kinh doanh (BSA) nói: "Khi nạn sao chép phần mềm trái phép không bị trừng phạt, sự đổi mới sẽ bị trì trệ và nền kinh tế sẽ không có tốc độ tăng trưởng cao như nó đáng có. Thông báo hôm nay sẽ cho phép các hãng phần mềm có được sự hỗ trợ tại chỗ để chống lại nạn sao chép lậu ở những khu vực khó giải quyết".
Một khảo sát gần đây do BSA và hãng nghiên cứu thị trường IDC thực hiện cho thấy khoảng 90% phần mềm được sử dụng tại Trung Quốc là phần mềm lậu. Con số này là 64% ở Brazil, 74% ở Ấn Độ, 87% ở Nga, 70% ở Thái-lan và 58% ở Trung Đông.
Hồi tháng 6 vừa qua, chính quyền Mỹ đã đặt ra một chức vụ mới để phối hợp các nỗ lực của chính phủ trong việc chống lại nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài. Tổng thống Hoa Kỳ George Bush đã cử ông Christian Israel, một quan chức của Bộ Thương mại nắm giữ chức vụ này.
Trong một cuộc phỏng vấn sau bài phát biểu, ông Gutierrez nói: "Đây là những nỗ lực của chúng tôi nhằm bảo đảm chúng tôi đã có sự giám sát đầy đủ, có người theo sát các vụ việc, hỗ trợ các công ty và nói chuyện với các quan chức địa phương".
|