Phát triển bền vững công nghiệp phần mềm
Các Website khác - 20/09/2005
Việt Nam hiện có 600 doanh nghiệp phần mềm, thu hút khoảng 15 nghìn kỹ sư và chuyên gia làm việc với giá trị gần 10 nghìn USD/người/năm, tăng trưởng trung bình hằng năm đạt hơn 30%. Tuy nhiên, con số này là thấp so với nhiều nước. Và những chỉ tiêu về giá trị công nghiệp phần mềm của chúng ta vẫn còn xa so với các mục tiêu ban đầu. Các công ty phần mềm lớn đa quốc gia vẫn chưa đầu tư vào Việt Nam.
Ngành công nghiệp phần mềm (CNPM) được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn và rất đề cao tính sáng tạo không ngừng của trí tuệ Việt Nam. Trong năm năm qua, đã có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành để phát triển CNPM: Nghị quyết 07/CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp phần mềm; Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về phát triển CNTT cho CNH, HÐH; Quyết định 331/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT từ năm 2004 đến năm 2010; ngoài ra, còn nhiều chính sách ưu đãi khác. Theo thống kê của HCA, năm 2004, tổng doanh số ngành CNPM dịch vụ của Việt Nam đạt 170 triệu USD (tăng 50% so với năm trước).

Một số khu phần mềm tập trung của Việt Nam (Quang Trung, E-Town-TP Hồ Chí Minh; Softech-Ðà Nẵng...) phát triển với tốc độ cao, thu hút đầu tư của nhiều công ty trong và ngoài nước. Năm 2004, tổng giá trị sản phẩm, dịch vụ của CNPM đạt khoảng 160 triệu USD, trong đó gia công xuất khẩu đạt 40 triệu USD. Số lượng các doanh nghiệp (DN) và lực lượng lao động PM đang gia tăng nhanh chóng.

Bộ Bưu chính - Viễn thông cho biết, mục tiêu của Chiến lược phát triển CNPM đến năm 2010 là: đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 35 - 40%/năm; doanh thu toàn ngành đạt 1 tỷ USD trong đó giá trị xuất khẩu chiếm 60% tổng doanh thu; đào tạo 200 nghìn sinh viên CNTT, trong đó 50% trở thành chuyên gia làm PM chuyên nghiệp; giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền PM xuống còn 70%; phấn đấu đưa CNPM Việt Nam phổ biến trên cộng đồng quốc tế và làm chủ công nghệ sản xuất một số sản phẩm trọng điểm như PM nhúng, sản phẩm nội dung thông tin số... Nhưng, việc đạt được những mục tiêu này còn khiến nhiều người nghi ngờ. Kế hoạch doanh thu 500 triệu USD của năm 2005 đã phá sản, liệu có thể tin vào con số 1 tỷ USD trong năm năm phấn đấu?

Ðối đầu với những khó khăn, thách thức

CNPM không thể phát triển phiến diện, cấp tốc mà cần một chiến lược lâu dài và phù hợp thực tế, tận dụng được thế mạnh của CNPM Việt Nam. Các chuyên gia đã cảnh báo rằng, nếu phát triển CNPM thiên về gia công thì bài học của ngành dệt-may là một nhắc nhở việc quá phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Còn tự ý xây dựng CNPM mà không căn cứ vào thực tế thì sẽ vấp phải khó khăn như ngành Công nghiệp xe hơi.

Do CNPM của nước ta mới phát triển mấy năm gần đây cho nên còn quá thiếu kinh nghiệm và một trong những tồn tại lớn nhất hiện nay của ngành là trình độ nguồn nhân lực. Theo Hội Tin học TP Hồ Chí Minh, nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT rất cao, nhưng hầu hết, sinh viên tốt nghiệp khoa CNTT ở các trường đại học, cao đẳng ra chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động cả về số lượng lẫn chất lượng và còn hạn chế về ngoại ngữ và kỹ năng thực hành.

Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho CNTT nói chung và CNPM nói riêng cần phải có thời gian, vì thế, đây là vấn đề chúng ta cần sớm tháo gỡ. Muốn xuất khẩu sản phẩm và kỹ sư PM ra nước ngoài phải hiểu rõ ngôn ngữ, văn hóa, nhu cầu, thói quen, ứng xử của các quốc gia. Trong khi đó, các DN Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng chuyên gia cao cấp về sản xuất, kinh doanh PM, những nhà quản lý, thiết kế dự án giỏi. Sự thiếu hụt này là một trong những nguyên nhân của tình trạng tranh kéo nguồn lực giữa các công ty PM đang diễn ra. Theo dự tính, với tốc độ tăng trưởng của ngành CNPM như hiện nay, nhân lực chất lượng cao phải tăng khoảng 60% mới tạm giải quyết được vấn đề.

Thống kê của Công ty dữ liệu quốc tế (IDG) cho thấy, trong năm 2004, tình trạng vi phạm bản quyền trên thế giới đã làm thiệt hại khoảng 28,794 tỷ USD, trong đó, đứng đầu là khu vực Tây Âu với 9,6 tỷ USD, tiếp theo là châu Á - Thái Bình Dương 7,553 tỷ USD, Mỹ, Canada (7,232 tỷ USD), Ðông Âu (2,111 tỷ USD)... Việt Nam, theo đánh giá của IDG, là một trong những nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao. Mặc dù, số thiệt hại tính thành tiền do vi phạm bản quyền PM gây ra không phải là lớn do số người sử dụng máy tính ở Việt Nam còn thấp, song với tốc độ phát triển của ngành CNTT, dự báo sẽ vào khoảng 35%-40% trong những năm tới con số này sẽ không còn là nhỏ.

Thực trạng này cho thấy, nếu Việt Nam không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền, ngành CNPM Việt Nam sẽ khó có thể thu hút được các nhà đầu tư. Việc vi phạm bản quyền tràn lan còn làm hại môi trường kinh doanh bởi khi đó, các nhà khoa học, các DN sẽ không muốn nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm mới hoặc đầu tư vào các sản phẩm mới mà hậu quả là hiện nay ở Việt Nam rất ít sản phẩm PM đóng gói chất lượng cao.

Cần những giải pháp đồng bộ

Bộ Bưu chính - Viễn thông đã đề ra ba giải pháp cơ bản là: Ðẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực làm PM; tăng cường hoạt động gia công PM cho nước ngoài và đẩy mạnh hoạt động trong nước của CNPM. Ðể CNPM thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực, mở rộng thị trường trong nước, đẩy mạnh phát triển gia công xuất khẩu phần mềm, còn phải giảm đáng kể các chi phí về hạ tầng viễn thông, hoàn thiện môi trường pháp lý. Tập trung phát triển nguồn nhân lực cho CNTT giai đoạn 2006 - 2010, Chính phủ đã phê duyệt chương trình đào tạo chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên phần mềm. Tuy đã có hệ thống đào tạo chính quy của Nhà nước, Bộ Bưu chính-Viễn thông và Hiệp hội các DN phần mềm mong muốn Chính phủ sớm có chính sách linh hoạt, kịp thời trong đào tạo chuyên gia CNTT. Ðể giải quyết bài toán khó về nguồn nhân lực, phải xã hội hóa công tác đào tạo.

5 năm nữa CNTT của TP Hồ Chí Minh sẽ cất cánh

Lao động ngành công nghệ thông tin (CNTT) của TP Hồ Chí Minh hiện nay có khoảng 10 nghìn người, nhưng đã đóng góp khoảng 1,5% GDP của toàn thành phố và bằng tổng GDP của cả ngành nông nghiệp. Năm 2001, còn chưa có các DN lớn, hiện nay, các DN lớn đã có khá nhiều và bắt đầu đầu tư cho sản xuất công nghiệp phần cứng và phần mềm. Theo dự đoán châu Á sẽ trở thành một trong những trung tâm phát triển CNTT lớn với tốc độ nhanh của thế giới, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ nỗ lực trong hội nhập, cố gắng phấn đấu để năm năm nữa thu hút 30 nghìn lao động với đóng góp 6%-7% tổng GDP. Thành phố đang làm đề án lập Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn để phát triển các ngành: cơ khí, điện tử, tin học và phần mềm, người máy. Giai đoạn 2001 có thể coi là thời gian khởi động để giai đoạn năm năm tiếp theo, CNTT-TT thành phố sẽ cất cánh.

GS, TS NGUYỄN THIỆN NHÂN
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh

Khẩn trương xây dựng luật CNTT

Luật CNTT được xây dựng theo quan điểm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về ứng dụng và phát triển CNTT; thống nhất, đồng bộ với hệ thống luật hiện hành; phù hợp luật pháp quốc tế và các hiệp định giữa Việt Nam với các quốc gia về CNTT; phù hợp thực tiễn ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam. Bốn nguyên tắc được đưa ra trong quá trình xây dựng, soạn thảo Luật là: xây dựng dưới hình thức luật chung có tính pháp lý và nguyên tắc cao; các vấn đề cụ thể, chưa rõ hoặc còn đang biến động sẽ được điều chỉnh bởi các Nghị định hướng dẫn luật; những vấn đề được điều chỉnh bởi luật khác đề nghị Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung; phạm vi điều chỉnh không chồng chéo với Luật Giao dịch điện tử.

MAI LIÊM TRỰC
(Bộ Bưu chính - Viễn thông)

TRẦN KIM