Đưa Internet đến trường học: Cần chiến lược lâu dài
Các Website khác - 07/04/2006
Đưa Internet đến trường học: Cần chiến lược lâu dài và bền vững
Thế Hải - Phạm Anh

Học tập qua Internet (E-Learning); tra cứu thông tin, kiến thức; làm quen với công nghệ thông tin... đã thực sự trở thành nhu cầu cấp thiết và cần phải được phổ cập cho học sinh. Cùng với nỗ lực của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hoàn thành 100% số trường trung học phổ thông (THPT) kết nối Internet; Cty thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom) đang hiện thực hoá cam kết: Đưa máy tính, Internet miễn phí đến các trường THPT khó khăn; tiến tới cung cấp việc học tiếng Anh, E-Learning...

Internet - nhu cầu thiết yếu của
giáo dục hiện đại.
Cõng công nghệ đến vùng khó khăn
Có tốc độ phát triển Internet nằm trong tốp đứng đầu thế giới, song trên thực tế học sinh VN - đối tượng quan trọng của giáo dục công nghệ và Internet thì vẫn chưa được hưởng nhiều quyền lợi từ thành quả này.
Hiện tại, đại đa số những trường THPT ở vùng ngoại thành, vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa vẫn còn khá xa lạ với máy tính, Internet. Theo các chuyên gia, đây là một bất cập bởi việc làm quen, tiến tới học tập, tra cứu thông tin phục vụ học tập là điều rất cần thiết đối với học sinh. Đây cũng là quá trình chuẩn bị cho việc nâng cao trình độ ở những bậc học tiếp theo.

Để khắc phục rào cản này, VNPT đã hoàn thành nhiệm vụ 100% các trường THPT kết nối Internet. Tuy nhiên với công nghệ kết nối quay số qua đường thoại (dial-up), việc truy cập Internet vẫn có những rào cản là chậm kết nối, hay nghẽn mạch, rớt mạng... Tất cả những cản trở này đã khiến cho việc truy cập Internet vẫn xa lạ và không mang lại nhiều tiện ích cho học sinh, giáo viên. Đồng thời, đối với những khu vực khó khăn, việc có được máy tính để kết nối Internet vẫn là mơ ước.

Để hiện thực hóa "giấc mơ Internet" cho các trường THPT, thông qua chương trình hợp tác giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo và Tổng Cty Điện lực VN, EVN Telecom đã "cõng công nghệ đến vùng khó khăn". Với hoạt động này, EVN Telecom triển khai tặng 128 trường trong 64 tỉnh, thành máy tính, thiết bị kết nối Internet không dây tốc độ cao sử dụng công nghệ băng rộng (CDMA) cùng 6 tháng miễn phí cước truy cập Internet.

Nhận máy tính và truy cập Internet, ông Phạm Văn Bắc, Hiệu trưởng Trường THPT Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết: Sử dụng Internet, tập thể giáo viên trường hy vọng sẽ tiếp cận với nguồn tri thức phong phú. Đặc biệt là những vấn đề thiết thực như thông tin tuyển sinh, tra cứu điểm, tra cứu tài liệu...

Cần chiến lược lâu dài và bền vững
Tham dự hoạt động trao tặng này, Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá đánh giá cao nỗ lực của EVN Telecom trong việc đưa Internet phục vụ nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh. Còn theo ông Đinh Quang Tri - Phó TĐG EVN thì việc áp dụng thiết bị, công nghệ CDMA đã cho phép tiết kiệm chi phí kéo đường truyền, tránh những khó khăn về địa hình và nhất là tạo điều kiện tiếp cận Internet một cách nhanh chóng, dễ dàng.

Tuy nhiên, con số 128 trường khó khăn có được "giấc mơ Internet" vẫn là quá nhỏ so với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, sau 6 tháng miễn phí cước truy cập, khoản tiền cước Internet hàng tháng dù nhỏ cũng sẽ trở thành gánh nặng đối với các trường vùng khó khăn. Thậm chí, vì gánh nặng này mà rất có thể nhiều trường sẽ phải từ bỏ "giấc mơ Internet".

Trước vấn đề này, ông Tri cho biết: EVN Telecom đã lường trước được những khó khăn trên. Vì thế, để tăng cường tính lâu dài và bền vững, EVN Telelcom đang nỗ lực cùng các đối tác tìm nguồn tiền khoảng 2 triệu USD để duy trì "giấc mơ Internet" cho các trường học. Đặc biệt, để khai thác tối đa tiện ích Internet, EVN Telecom dự kiến phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo để cung cấp các chương trình học tập qua mạng, trong đó trọng tâm là dạy tiếng Anh cùng các kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin... cho giáo viên, học sinh.

Song theo Bộ trưởng Đỗ Trung Tá, một DN hiện không thể đủ sức đáp ứng nhu cầu của số lượng lớn các trường học tại các vùng nông thôn. Trong khi đó, đây lại là nhu cầu thiết yếu. Vì thế, để số đông các trường học, nhất là vùng sâu, vùng xa được tiếp cận Internet thì thực sự cần sức mạnh của xã hội. Cụ thể là cần sự hợp tác, hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân mà đặc biệt là các DN viễn thông và công nghệ thông tin.