Dấu hiệu đầu tiên, có thể đánh dấu bằng sự cam kết làm ăn lâu dài tại Việt Nam của nhiều hãng viễn thông nước ngoài, như Alcatel, một tập đoàn cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu của Pháp, với việc thành lập chi nhánh tại Việt Nam, hay Ericsson, một trong những đối tác chiến lược của ngành viễn thông Việt Nam, và cả SK Telecom.
Các đối tác này đều thống nhất cho rằng, Việt Nam là thị trường viễn thông đầy tiềm năng, nhờ dân số đông và mức tăng trưởng GDP cao và ổn định. Ngoài ra, một điều chắc chắn, sự gia tăng cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông di động trong năm nay cũng sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư trong kinh doanh viễn thông tại Việt Nam.
Năm nay, thị trường di động vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh, với sự cạnh tranh gay gắt của các nhà khai thác mới, trong đó, sức ép mạnh nhất từ phía Viettel và sắp tới là Hanoi Telecom (mạng 092 dự kiến ra mắt trong quý II năm 2006) và EVN Telecom (mạng 096 vừa ra mắt đầu năm 2006).
Với việc ra mắt hai mạng di động mới, dự kiến, số thuê bao di động mới trong năm nay sẽ đạt 6 triệu, thay vì 4 triệu trong năm ngoái. Điều này sẽ khiến "miếng bánh" của thị trường viễn thông bị chia sẻ, thị phần của các doanh nghiệp ít nhiều bị thay đổi, chứ không còn ở mức Vinaphone 40,59%; Mobifone 33,77%, Viettel 20,52% và S- Fone 5,13% như hồi cuối năm ngoái.
Về Internet, hiện Việt Nam có hơn 10 triệu người sử dụng Internet, chiếm 12% dân số, do vậy thị trường này vẫn được đánh giá có tiềm năng phát triển rất lớn. Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ Internet đều đang cố gắng đưa ra chiến lược riêng nhằm thu hút khách hàng, mở rộng thị phần.
Để thị trường viễn thông phát triển mạnh, một yếu tố quan trọng là môi trường pháp lý và các chế tài đối với cạnh tranh doanh nghiệp. Theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, Việt Nam đã có bước tiến dài trong việc cải tổ lại khung pháp lý cho ngành viễn thông. Bộ Bưu chính - Viễn thông đã có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển một môi trường có tính mở và cạnh tranh hơn cho các dịch vụ viễn thông, được thể hiện qua việc xây dựng những chính sách và quy định tiến bộ, đã được Chính phủ thông qua trong mấy năm gần đây, như Chiến lược phát triển ngành bưu chính - viễn thông tới năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Pháp lệnh về bưu chính - viễn thông... Đặc biệt, bản Quy hoạch phát triển viễn thông và Internet đến năm 2010 vừa được Chính phủ phê duyệt đầu năm nay cho thấy sự quan tâm đầu tư của Nhà nước đối với ngành kinh tế mũi nhọn này.
Những động thái này cho thấy những dấu hiệu tốt lành đang đến với thị trường viễn thông cũng như môi trường kinh doanh viễn thông Việt Nam. Thị trường viễn thông Việt Nam không những sẽ sôi động hơn, mà còn minh bạch và cạnh tranh lành mạnh hơn trong năm nay và trong tương lai.
|