Internet - Nhìn từ những góc khuất
Các Website khác - 19/02/2009
 Internet là thành tựu huy hoàng của thời đại công nghệ, nó mang đến cho cuộc sống nhiều lợi ích nhưng khi nhìn từ những góc khuất, cũng sẽ thấy không ít những điều nguy hiểm mà dễ thấy nhất là game và sex.

Phiêu lưu trong thế giới ảo của game và sex một cách quá đà, nhiều bạn trẻ đã bị cuốn đi, tự biến thành những con nghiện - nghiện game và nghiện sex. Loạt bài dưới đây sẽ phản ánh về sự “đồ sát” âm thầm, lặng lẽ nhưng nguy hiểm của thế giới ảo này…

Một ngày ở “phố game”

Có bước vào thế giới Game Online (trò chơi trực tuyến - tạm dịch), mới thấy được cái ma lực khủng khiếp của nó. Sau một thời gian theo chân Thái GT, một cao thủ trong làng Game Online (GO) Hà Thành phiêu lưu trong thế giới ảo, tôi cũng suýt bị “cuốn theo chiều gió”. Có thể nói, GO đang “đồ sát” giới trẻ một cách âm thầm, lặng lẽ…

“Hà Nội có chừng vài phố game, nổi đình nổi đám nhất là ở ngõ Tự Do (quận Hai Bà Trưng); phố Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân) và phố Dương Quảng Hàm (quận Cầu Giấy). Ngoài ra còn có phố Phào Đài Láng (quận Đống Đa), phố Lê Thanh Nghị (Quận Hai Bà Trưng)… Ở những phố game này, thời gian không được tính là sáng, trưa, chiều, tối mà chỉ có khái niệm, “xõa” hay “chưa xõa” (“xõa” nghĩa là hết mình, quên cả thời gian, không gian) mà thôi - Trước khi lên đường thâm nhập thế giới game Hà Nội, Thái “xóa mù” cho tôi bằng những “thông tin” sơ đẳng như vậy.

7 giờ sáng chúng tôi có mặt tại một quán GO tại ngõ Tự Do. Không hổ danh là “phố game”, trong một con ngõ dài hơn 300m, chỉ rộng 2 m mà tôi đã đếm được hơn 20 cửa hàng GO nằm san sát. Cửa hàng nào cũng trưng băng-rôn đỏ dực mời gọi: GO màn hành LCD siêu phẳng, Ram 1Gb, CPU 2,5 Ghz… (có nghĩa là cấu hình máy mạnh).

Chúng tôi chọn lấy hai máy và bắt đầu ngồi “cày”. Thái hiện có trong tay hai “con” (nhân vật) trong GO Cửu long tranh bá. Một con cấp độ trên 10x (thuộc vào “hàng khủng” trong giang hồ) và một con tầm 6x thì Thái cho tôi “mượn” account (tài khoản) để đăng nhập.

Mặc dù đang trong giờ học, song mấy chục dàn máy tính ở đây đều chật cứng học sinh, sinh viên. Khác với những game “cổ điển”, người chơi GO có thể vừa chiến đấu, vừa trò chuyện, trao đổi các món đồ cho nhau. Bởi vậy, các game thủ vừa chém giết, mua bán, chạy qua chạy lại gào thét huyên náo như một cái chợ.

“Cày” được độ nửa giờ đồng hồ, thì có đến 20 game thủ xông vào quán game chúng tôi đang ngồi. Mấy chục máy (đã được đặt trước) được khởi động. Các game thủ đăng nhập vào trong game rồi bắt đầu tìm nhau “thanh toán”. Những tiếng la hét, gào théo từ những game thủ khi phát hiện ra đối thủ hay khi bị “đồ sát” (giết chết) khiến chúng tôi “ong cả đầu”. Các game thủ say sưa tàn sát nhau đến 10 giờ hôm sau mà cục diện vẫn chưa ngã ngũ. Kẻ bị trọng thương thì về thành dưỡng thương. Người bị “đồ sát” thì tạm thời rút khỏi chiến trường - tới khi phục hồi lại sức mạnh thì ra chơi tiếp.

Lúc ấy là 11 giờ trưa, trận đấu được tạm hoãn. Một game thủ chạy sang quán bánh mỳ bên cạnh. Lát sau thấy cậu này ôm về một bịch mười mấy chiếc chia cho bạn bè. Các gama thủ vừa nhồm nhoàm gặm bánh, tay vẫn không rời chuột, bàn phím. Ăn xong, các game thủ lại cho người gọi trà đá, kẻ gọi nước ngọt vào giải khát. Chủ quán ngay lập tức mở tủ lạnh đang chất đầy Cocacola, Fanta, Samurai… đem ra phục vụ.

Phải nói rằng trình độ “ngồi thiền” của các game thủ vào loại… thượng thừa. Chúng tôi ngồi từ sáng tới trưa mà cảm thấy lưng đau ê ẩm, mắt nhòe nhoẹt nước. Thế nhưng các game thủ vẫn tỏ ra chưa “mùi mẽ” gì. Tôi vội kéo Thái sang quán phở làm một tô cho đỡ đói. Chúng tôi tạm rời ngõ Tự Do, chạy sang bên phố Lương Thế Vinh để tiếp tục “sự nghiệp làm game thủ”.

Vẫn là cảnh chật chội thường thấy ở các quán game, tôi phải ngồi chờ mất gần 2 giờ đồng hồ mới có game thủ rời bỏ chiến trường. Khác với các quán game bên ngõ Tự Do hầu như 100% là nam thì phía bên này có khá nhiều nữ giới cũng tham gia vào thế giới ảo. Hơn thế, có khá nhiều game thủ còn rất nhỏ tuổi. Tôi để ý thấy những em vẫn mặc quần áo đồng phục Trường tiểu học Đặng Trần Côn cũng ngồi  say sưa… chém giết.

Tôi ngồi được vài giờ thì chán chơi game, liền đeo tai nghe vào bật nhạc để thư giãn. Đột nhiên tôi nghe tiếng gào thét ầm ĩ sau lưng. Vội bỏ tai nghe quay sang, chúng tôi bắt gặp một cảnh tượng đầy… bạo lực. Một người đàn bà đang dang thẳng tay tát vào má một cậu học sinh. Thế rồi bà ta lôi xềnh xệch cậu ta ra phía cửa, vừa đi vừa tru tréo: “Tao đã bảo bao nhiều lần rồi, cứ sểnh ra là lại game với ghiếc, học hành thì đúp lên đúp xuống…”

Quán game xôn xao một lúc rồi đầu lại vào đó, lại bắn giết… trên mạng. Thấy tôi vẫn chưa hết… choáng, Thái quay sang phân trần: “Ở các quán game, đó là chuyện cơm bữa mà. Tháng trước cũng tại đây, một game thủ từng bị chủ quán… giữ làm “con tin” suốt 5 ngày 5 đêm. Cho đến khi gia đình phải đến tận nơi, trả hết gần triệu đồng tiền game, tiền ăn uống… mới được thả cho về”.

21 giờ, các chị, các cô bán rong bánh mỳ, bánh rán, xôi… bắt đầu lượn qua lượn lại các cửa hàng Internet. Các game thủ cũng tạm dừng tay gọi vào mua bán, 23 giờ được coi là “giờ giới nghiêm” đối với các quán game, dịch vụ Internet công cộng, song chỉ thấy lác đác các game thủ rời máy. Nhác thấy bóng lực lượng dân phòng và Công an phường đi tuần, các chủ cửa hàng không ai bảo ai đều kéo sập cửa vào. Thế rồi chiếc rèm cửa được thả xuống. Người ngoài đi qua, chả ai dám bảo trong quán vẫn còn mấy chục game thủ say sưa chinh chiến.

Gần 1 giờ sáng, trong một quán game ở Khương Trung (quận Thanh Xuân), đột nhiên đèn đóm tắt phụt, tiếng bà chủ quán thì thào: “Tắt hết màn hình, vặn loa nhỏ lại, tạm nghỉ 15 phút giùm u nhé”. Có vẻ các tay chơi đã quá quen với cảnh này, im lặng và làm theo một cách rất tự giác. Chỉ 15 phút sau mọi chuyện lại đâu vào đấy. “Phù… đi rồi anh em ạ!”. “Công an! Đêm nào chả lượn qua vài vòng”, một tay chơi nói.

Chỉ riêng trên một đoạn phố ở Khương Trung, đã thấy có hơn chục quán GO và PlayStation II. Đã nửa đêm mà quán nào cũng có vài chục khách ngồi say sưa. Một chủ cửa hàng có khoảng 30 máy cho biết: “Một tháng nhà cô hết 6 triệu tiền điện. Có những hôm khách chơi liên tục, máy không được nghỉ phút nào”. Tuy nhiên, nơi đây chỉ là “muỗi” so với khu Bách Khoa – Lê Thanh Nghị. Đó mới thực sự là “vùng đất thánh” của điện tử vi tính: những cửa hàng san sát với hàng trăm máy nối mạng suốt ngày đêm.

Từ khi phong trào GO rộ lên, quán game mọc như nấm sau mưa. Một số game thủ từ ghiền game trở thành “chuyên nghiệp”, kiếm sống bằng đánh game cá độ ăn tiền. Một quán game máy tính nằm gần KTX Mễ Trì (trường đại học Quốc Gia Hà Nội) có một đội 4 người gần như sống luôn tại đây. “Chúng nó chơi mấy trăm ngàn đồng một trận Đế chế chỉ trong nửa tiếng đồng hồ. Đánh suốt ngày đêm, sáng ra cũng chả thèm về. Đang gục đầu trên bàn phím ngủ gặp khách tới rủ rê là lại dậy đánh tiếp”, Nam - chủ quán cho biết.

Cao thủ ở đâu cũng có và thường mỗi khu vực đều có những đội chơi rất giỏi chuyện dẫn quân đi đánh ăn tiền, tận trong từng ngõ ngách nhỏ. Theo chân một người từng nhận “Đế chế là tình yêu lớn của cuộc đời”, chúng tôi bước vào một quán game trên đường Ngọc Khánh. “A! Lệnh Hồ đại hiệp, đội của ông đâu? Đế chế “thóc” nhé?. Thế là chỉ sau 30 phút với vài cuộc nhắn tin tập hợp đôi, tại đây đã diễn ra một trận thư hùng mà bên thua phải trả 200 nghìn cho mỗi trận.

“Nát” đời vì GO…

Cùng với sự mọc lên như nấm sau mưa của những quán GO, những dịch vụ Internet công cộng (mà thực chất chủ yếu để phục vụ game thủ) thì những hệ luỵ đi kèm của nó hẳn đã không ít lần được các phương tiện thông tin đại chúng đề cập. Tuy nhiên, hàng loạt những vụ giết người, cướp của, cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội trong khoảng 1 -2 năm trở lại đây có liên quan đến GO đang thực sự khiến nhiều người phải rầu lòng.

Có thể kể ra đây những vụ như một game thủ dùng dao chém bạn tại quán Full Game Online (phố Khương Trung); hay như hai học sinh THPT Trần Đình Cử và Nguyễn Văn Trọng bắt cóc rồi giết chết em họ để tống tiền chú dì để lấy tiền chơi GO; một học sinh lớp 8 dùng dao, rìu chém người hàng xóm để lấy mấy cái nồi bán đi lấy tiền chơi game…

GO đã khiến cho nhiều học sinh, sinh viên phải sa vào vòng lao lý. Nhưng chưa hết, cũng chỉ vì “mê game, nghiền nét” mà cô gái NTV (14 tuổi, nhà ở phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã trở thành “món đồ” cho bọn người xấu lợi dụng thân xác để kiếm tiền.

Ngày 4- 8- 2008, Công an phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) tiếp nhận đơn trình báo của gia đình em V về việc con gái họ mất tích 5 ngày; và trong thời gian đó, em bị bọn xấu ép đi bán dâm tại một số nhà nghỉ ở đường Giải Phóng. Lực lượng công an đã lập tức cử cán bộ đi xác minh. Sự việc sau đó được làm rõ. Học hết lớp 6, V nghỉ học vì không theo kịp các bạn cùng trang lứa. Thời gian rảnh rỗi, V thường vào một quán Internet ở phố Bạch Mai để “chát chit” và chơi GO. Qua kênh liên lạc của “thế giới ảo” này, V quen 2 cô gái trẻ tên là Phương và Quỳnh Anh.

Cả 3 tự kết nghĩa chị em, V ít tuổi nhất nhận là em út. Chiều này 29-7-2008, khi đang ở hàng “nét”, V nhận được liên lạc của Phương. Khác với những lần trò chuyện khác, Phương chủ động rủ V đi uống nước. Đến đón V tại quán “nét”, ngoài Phương còn có một thanh niên lạ mặt. 3 người lên xe, rồi cũng đến một quán cà phê ở quận Hai Bà Trưng. Tại đây, Quỳnh Anh đã có mặt từ trước cùng một cô gái khác tên là Quỳnh “chíp”

Từ quán cà phê, Phương và Quỳnh Anh khống chế V lên xe máy, đi về một nhà trọ tồi tàn ở phường Tương Mai. Đây là ngôi nhà mà Phương và Quỳnh Anh ở “ké” của một đối tượng xã hội. Để V ở lại nhà trọ, Quỳnh Anh quay ra quán “nét” ở ngõ chùa Hưng Ký, lên mạng tìm khách mua “hàng” 13 tuổi, xinh xắn, giá 500.000đồng/lượt, tiền phòng khách bao”. Ngay trong tối 29 - 7, thông tin “tiếp thị” về V của Quỳnh Anh đã có khách “nét” tiếp cận. Từ nhà trọ, V bị Quỳnh Anh chở đến nhà nghỉ ở phường Giáp Bát để bán dâm.

Cô gái 14 tuổi sau khi bị đưa ở quán “nét” về nhà trọ gần như đã không làm chủ được bản thân mình vì quá sợ hãi. Liên tục, Phương và Quỳnh Anh thay nhau đe dọa không cho V được về nhà nếu không nghe lời chúng. Những ngày sau, cô được đưa đến một phòng trọ và bị các “má mì” thay phiên nhau canh phòng. Sau vụ môi giới thành công đó, để có tiền tiêu xài, hai “má mì” trẻ tuổi tiếp tục lên mạng buông những lời mời hấp dẫn: “Gái trẻ, giá rẻ… 500.000đồng/lượt”. Khi khách cắn câu, họ lại điều V đến các điểm hẹn.

Ngay sau khi có đơn trình báo của gia đình nạn nhân, Công an quận Hai Bà Trưng đã khởi tố, bắt Đỗ Mai Phương và Trần Quỳnh Anh về hành vi môi giới mại dâm. Theo lời khai của các đối tượng liên quan, chỉ trong 5 ngày đã có hàng chục khách tìm đến đường dây môi giới này. Những lần khách đăng ký đông, không chỉ V, Quỳnh Anh mà ngay cả “má mì” Phương cũng sẵn sàng phục vụ. V kể, trong 5 lần bị ép bán dâm, có 2 lần em bị khách “chê” vì nhỏ tuổi. “Những ngày đó em muốn quay về nhà nhưng không tìm được cách thoát. May có anh ấy, nếu không chưa biết cuộc sống em ra sao”, cô bé kể về vị khách đã báo tin cho gia đình, đưa cô ra khỏi ổ mại dâm.

Có lẽ bạn đọc đang tự hỏi, vì sao GO lại có ma lực ghê gớm đến vậy. Sau một thời gian tìm hiểu, chúng tôi đã có thể hiểu được phần nào...

Theo Phununet