Làng Napasha kêu cứu
Các Website khác - 20/10/2005

Chúng bị bỏ mặc trên những cánh đồng khô hạn mặc cho cái nắng khắc nghiệt chói chang trên đầu, chẳng ai quan tâm tới chúng!

Thảm cảnh đó không ở đâu xa lạ mà chính là hiện thực đang diễn ra hàng ngày ở Napasha, một làng ở miền nam Malawi (châu Phi).

Toby Solomon, đại diện chính quyền địa phương nói: "Đồng ruộng trong làng đành bỏ hoang hoá vì chẳng còn ai có thể làm việc được nữa".

Cho tới nay, nghề nông vẫn là kế sinh nhai chủ yếu của nền kinh tế Malawi. Tuy nhiên hiện tại đã có khoảng 900,000 trong tổng số 12 triệu người nhiễm virus HIV tương đương với tỉ lệ lây nhiễm cả nước trên 14%. Ở tình miền nam Nsanje (nơi có làng Napasha nói trên), theo ông Solomon, tỉ lệ lây nhiễm còn cao hơn nữa, 35%.

Solomon nói: "Chúng tôi không có máy móc nông nghiệp, tất cả công việc đều phải dựa vào sức người cả. Do vậy khi có người ốm hoặc phải chăm sóc người thân bị ốm, chúng tôi chẳng còn thời gian đâu nữa mà đồng với áng".

Ở Napasha  hầu hết các ngôi nhà đều quá đơn giản, không điện nước, không công trình phụ và chỉ độc một vòi nước chung dùng cho cả làng. Có tới hơn 400 hộ gia đình ở đây có trẻ em mất bố, mẹ hoặc cả bố lẫn mẹ do đại dịch AIDS.

Đại dịch thế kỷ "góp" thêm một nhân tố nữa làm trầm trọng tình trạng đói nghèo ở đất nước châu Phi này. Vừa qua, tổng thống Malawi, ông Bingu wa Mutharika, đã phải công khai báo cáo tình trạng khó khăn nói trên và chính thức ra lời kêu gọi cứu trợ quốc tế để giải quyết tình trạng. Theo lời tổng thống, khoảng 5 triệu người, tức là gần nửa số dân nước này đang bị nạn đói đe doạ.

Monica Kasitomu, một bà lão chừng 70 tuổi đang phải lo cơm áo cho ba đứa cháu vì bố mẹ chúng đã mất cả vì nhiễm AIDS. Bà cho biết, hiện nay bà chỉ còn biết trông chờ vào những bữa ăn được tài trợ bởi nguồn quỹ của LHQ. "Tôi đã quá già rồi và đã sắp không thể chăm lo cho chúng được nữa. Khi tôi chết, không biết rồi chúng sẽ ra sao nữa", bà nói mà nước mắt vòng quanh nghẹn ngào.

Cạnh lề đường, lối vào Napasha nổi bật một khẩu hiệu nhắc nhở mọi người ý thức sử dụng bao cao su với nội dung: "AIDS là có thật, nó không phải là ma thuật phù thuỷ".

Không phải ngẫu nhiên lại có khẩu hiệu này ở Napasha. Có một thực tiễn là cho tới nay, rất nhiều người dân ở Napasha cũng như ở Malawi cho rằng, có một yêu thuật nào đấy đã gây ra AIDS và coi bao cao su như một điều cấm kỵ.

Trước thực tế này, chính phủ và các tổ chức nhân đạo nước ngoài đã triển khai khá nhiều chiến dịch nhằm giáo dục cho người dân kiến thức về căn bệnh song chưa thu được nhiều kết quả cho lắm.

Mỗi năm AIDS cướp đi chừng 90.000 sinh mạng người dân Malawi và chiếm một nửa số giường bệnh trong các bệnh viện quốc gia là những bệnh nhân gặp phải các biến chứng có liên quan tới AIDS. Làng Napasha ở quá xa các trạm y tế, chăm sóc sức khoẻ nhưng lại có ít nhất là tám hộ gia đình có người nhiễm AIDS đang trong giai đoạn chờ chết.

Một trong những người đó là cô Melania Nakhove. Mặc dù khá cao và duyên dáng nhưng cô Melania trông vẫn già hơn so với cái tuổi 50 của mình. Năm 2002 chồng cô mất vì bệnh AIDS, chỉ ngay sau đó cô cũng biết mình đã nhiễm phải virus gây bệnh này.

Trước đây cô cũng đã từng có công việc ổn định, song thời gian sau do ốm đau quá buộc phải nghỉ làm. Căn nhà của cô cũng như của bao người dân khác trong làng, nó trống hoác và èo uột. Khẩu phần ăn hàng tháng của cô nằm lăn lóc trên sàn phòng khách, tài sản trong nhà chẳng có gì ngoài một tờ lịch năm 2002 và một tờ áp phích tuyên truyền về AIDS.

Nhưng cô Melania vẫn cho rằng mình may mắn khi được nhận cả thức ăn và thuốc kháng virus theo chương trình hỗ trợ của chính phủ gây quỹ từ nguồn quyên góp từ thiện ngoài nước.

Chính phủ Malawi hy vọng tới cuối năm nay sẽ điều trị được khoảng 80,000 người nữa, song tất nhiên, mục tiêu này đạt được đến đâu còn nhờ vào nguồn quỹ nước ngoài.

Tại trung tâm dinh dưỡng Saint Montfort ở thị trấn phía nam Nchal, y tá Getrude Mkwapu cho biết, có tới một nửa số trẻ phải điều trị trong các phòng nuôi dưỡng đặc biệt là trẻ nhiễm HIV. Đa số chúng đều bị suy dinh dưỡng nặng và cần được điều trị ngay.

James, 14 tháng tuổi là một trong những em như thế. Cậu bé chỉ còn da bọc xương cứ ngằn ngặt khóc trong khi bà ngoại Weza Jugen của em đang cố dỗ dành cháu từng thìa sữa. Cháu khóc và bà cũng khóc.

Bà Weza than thở: "Tôi không biết mình có thể làm gì nữa. Tất cả những gì tôi làm được chỉ là giúp nó uống sữa và ăn cháo mà thôi".

Mẹ của bé James vừa mất tháng trước, em chỉ là 1 trong số 700,000 trường hợp trẻ mồ côi ở Malawi.

Ông Solomon chua chát nói: "Đại dịch đã khiến người dân ở đây mất hết hy vọng. Họ không còn trông mong sự sống nữa. Tất cả đều đã hết".

Dương Kim Thoa theo http://news.yahoo.com