Liệu virus SFV 'lành' có trở nên độc như HIV?
Các Website khác - 19/08/2005
SFV thường thấy ở khỉ.

Những ngôi đền khỉ trên hòn đảo du lịch Bali nổi tiếng là điểm thu hút du khách tới chụp ảnh và hiếu kỳ cho khỉ ăn. Mấy ai biết rằng họ có thể bị đe doạ bởi một loại virus có tên là SVF, vốn còn nhiều bí ẩn đối với khoa học.

Virus simian foamy (SVF) bình thường là vô hại, song các nhà khoa học mới đây e ngại về tiềm năng gây bệnh cho người của nó, giống như virus HIV trước đây vốn hiền lành nhưng đã có khả năng vượt rào cản giữa các loài và tấn công con người sau hàng thập kỷ tiến hóa.

Hiện nay, virus SFV cũng đã có dấu hiệu nhảy từ linh trưởng sang người ở châu Á. Trong một nghiên cứu của Đại học Washington (Mỹ) được thực hiện tại ngôi đền khỉ nổi tiếng Sangeh ở Bali, tiến sĩ Lisa Jones-Engel và cộng sự kiểm tra 82 người làm việc ở trong hoặc gần đền và phát hiện ra một nông dân đã nhiễm virus SFV sau khi bị khỉ macaque cào cắn. Đây là ca bệnh đầu tiên ở châu Á.

"Bản thân SFV không gây biến chứng ngay lập tức mà mới chỉ kích thích cơ thể tạo ra môi trường và cơ chế lây nhiễm", Jones-Engel nói. SFV thường được tìm thấy ở động vật linh trưởng. 89,5% số khỉ được kiểm tra tại ngôi đền Sangeh đều nhiễm virus, song chưa có biểu hiện bệnh. Hiện nay còn rất ít nghiên cứu về mức độ lây lan của SFV trong cộng đồng người và tác hại lâu dài của nó. Đã có khoảng 40 người nhiễm SFV, gồm thợ săn ở châu Phi và nhân viên sở thú, phòng thí nghiệm ở Bắc Mỹ.

Tiến sĩ Jones-Engel cho rằng số người nhiễm virus SFV ở châu Á còn cao hơn thế, khi mà ở vùng đất này con người và khỉ gần gũi với nhau hơn. Chỉ riêng ở Bali, trong khoảng 700.000 khách du lịch tới 4 ngôi đền khỉ mỗi năm thì có tới 35.000 người bị khỉ cắn. Hiện có khoảng 45 ngôi đền khỉ rải rác khắp Bali và nhiều điểm thờ Phật và đạo Hindu trở thành "đảo khỉ" ở châu Á.

Tuy nhiên, nhóm tác giả cho rằng những người từng bị khỉ cào hoặc cắn không nên quá lo lắng, nhất là khi chưa có cách nào kiểm tra dễ dàng virus trên người. Các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tìm hiểu phản ứng của SFV khi va chạm với HIV, bệnh lao phổi hoặc những căn bệnh khác.

Cho tới nay, người ta vẫn chưa biết ảnh hưởng của SFV trong cơ thể người. Mặc dù SFV hoàn toàn khác với các chủng virus từ động vật linh trưởng như HIV về mặt di truyền, song không ai dám chắc rằng nó sẽ không thay đổi và trở nên nguy hiểm. Cũng giống như virus HIV vốn có khả năng vượt ranh giới của loài khỉ từ nhiều thập kỷ trước khi nó bắt đầu thực sự trở thành nỗi kinh hoàng của loài người vào những năm 1980.

Trong khi đó, du khách vẫn có thể tới tham quan các đền khỉ song nên tránh tiếp xúc gần và cho khỉ ăn, đặc biệt là không bao giờ đứng giữa khỉ mẹ và khỉ con.

Mỹ Linh (theo CNN)