Phát triển kinh tế là liệu pháp chống HIV/AIDS hợp lý nhất ở châu Phi
Các Website khác - 19/08/2005

James Glassman, nghiên cứu sinh đang làm việc tại Viện nghiên cứu kinh doanh Mỹ (American Enterprise Institute) trong một bài viết đăng trên tờ Manchester Union Leader đã khẳng định: Phát triển kinh tế là câu trả lời tối ưu nhất cho bài toán HIV/AIDS ở châu Phi trong điều kiện đại lục này thiếu thốn trầm trọng các cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống và điều trị căn bệnh thế kỷ.

Theo Glassman, việc kiến tạo nên cơ sở vật chất cũng như cải thiện tình hình kinh tế sẽ "ngốn" của châu Phi mất vài thập kỷ, chính vì thế, châu Phi đang rất cần những nguồn lực trợ giúp khẩn cấp nhằm tuyên chiến với căn bệnh cũng như sửa chữa những thiếu sót, sai lầm. Tuy nhiên, chính những người thích làm rùm beng mọi sự, những tên kẻ cắp và những nhà không tưởng đã đang phá hỏng nỗ lực toàn diện nhằm chặn đứng đại dịch và cuộc chiến đánh lui nghèo đói.

Để dẫn chứng cho điều này, Glassman đưa ra ví dụ về chính tuyên bố của quỹ Clinton vừa qua.Theo lời tuyên bố đó thì tổ chức này cho biết, họ sẽ thoả thuận cùng các hãng dược phẩm nhằm tiến tới việc hạ giá thành thuốc điều trị AIDS tại châu Phi. Nhưng theo Glassman, hứa hẹn này chỉ là một "trò lừa đảo thô thiển" bởi lẽ những đề xuất từ phía quỹ Clinton bao gồm những điều kiện cứng nhắc không được công bố sẽ không bao giờ được phía bên kia chấp nhận cả.

Glassman còn bổ sung thêm một ví dụ nữa, đó là việc Tổ chức y tế thế giới khuyến khích sử dụng thuốc kháng virus sản xuất trong nước bất chấp thực tế những loại thuốc này không đắt hơn những loại thuốc có bản quyền và tiềm ẩn nguy cơ kháng thuốc cao. Thêm nữa, việc Brazil tuyên bố ngừng cấp giấy phép đăng ký kinh doanh với một số loại thuốc kháng virus đã làm chùn bước không ít hãng dược phẩm trong công cuộc sản xuất và tiếp cận thị trường thuốc điều trị HIV/AIDS.

Trong bài viết của mình, Glassman cho rằng: "Bi kịch với đại dịch AIDS ở châu Phi chính là ở chỗ, ngay trong điều kiện nghèo nàn, khó khăn, đại dịch vẫn có thể được kiểm soát bằng niềm tin, sự liêm chính và hợp lý trong nghiên cứu khoa học cũng như các sáng kiến về kinh tế". Ông kết luận: "Với cách làm việc hỗn độn của Clinton, WHO, Brazil và Châu Phi, tôi không mong sẽ sớm có giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này".

Thuỳ Dương theo http://www.medicalnewstoday.com