Phụ nữ Ấn Độ trước hiểm họa HIV
Các Website khác - 01/10/2005

Tại ngôi nhà Vasavya Mahila Mandali dành cho những phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương của thành phố Vijayavada tại bang miền nam Andhra Pradesh của Ấn Độ, cô gái Nagmani, năm nay 23 tuổi, ôm chặt đứa con gái năm tuổi trong lòng.

Hai mẹ con không ai cười cả. Các bác sĩ bảo họ đã bị chấn thương.

Tháng Giêng, chồng của Nagmani đã chết vì bệnh AIDS.

"Sau khi chồng tôi chết, bố mẹ chồng quẳng tôi ra khỏi nhà”, cô bảo.

"Ngay cả vợ của đứa em trai tôi cũng không muốn tôi sống trong nhà. Tôi không biết đi đâu về đâu cả, cho nên tôi và con tôi tìm đến đây".

Các kết quả xét nghiệm cho thấy Nagmani cũng bị HIV dương tính, nhưng điều đó quá sức chịu đựng của cô. Cô không chịu thừa nhận rằng mình bị nhiễm vi rút.

Ấn Độ đã có trên năm triệu người bị HIV dương tính.

Sự tiến bộ toàn cầu hướng đến Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của LHQ về việc ngăn chặn và đẩy lùi sự lan truyền đại dịch AIDS đến năm 2015 là ở mức tối thiểu, và Ấn Độ có thể khó thực hiện nổi.

Hiện nay 39% số người bị HIV dương tính ở Ấn Độ là phụ nữ.

Chính quyền ở đây tuyên bố họ đang cố gắng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.

Nhưng các quan chức y tế e ngại rằng trừ phi có một chiến dịch tổng thể chống lại sự thiếu hiểu biết phổ biến về HIV, đặc biệt là trong giới phụ nữ, thì tình hình sẽ ngày càng tệ hại hơn nhiều.

"Không những các phụ nữ thất học mà cả những phụ nữ được xem là có học thức cũng đều không hiểu biết gì về HIV/AIDS.

"Đó là việc đáng tiếc đối với tình hình phụ nữ ở đây”, bác sĩ Deeksha của cơ sở Vasavya Mahila Mandali, nói. Bác sĩ này vừa điều hành ngôi nhà từ thiện dành cho những phụ nữ dễ bị tổn thương vừa làm công việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về HIV và chăm sóc phụ nữ tại bang Andhra Pradesh.

 Điều kiêng kỵ

Tình dục vẫn là một chủ đề kiêng kỵ phổ biến ở Ấn Độ, khiến cho giáo dục càng gặp khó khăn hơn, theo tiến sĩ Anbumani Ramadoss, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ.

"Chúng tôi đang cố gắng cảm hóa các ông chồng trước, khuyên họ nên làm gì và không nên làm gì, cố gắng chung thuỷ với vợ và ráng nhịn bớt.

"Cộng đồng ở đó có mối quan hệ chằng chịt khá chặt chẽ, và để đi vào cộng đồng ấy quả là phải tốn rất nhiều công sức và nghị lực”, ông nói.

Nhưng chính phủ Ấn Độ đã bị các nhà hoạt động phòng chống AIDS chỉ trích mạnh mẽ, họ cáo buộc chính phủ không hành động nhiều nhằm nâng cao nhận thức của người dân hoặc tăng cường các công tác chăm sóc người nhiễm bệnh.

"Theo tôi biết thì tình hình đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát”, bà Anjali Gopalan thuộc tổ chức Naz Foundation nói.

"Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số người phải chung sốn với HIV”, bà nói.

"Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng số lượng trẻ mồ côi, nên tôi nghĩ rằng cơ hội mà chúng ta có trước đây năm năm bây giờ cũng không còn nữa”.

Các nhóm có nguy cơ cao

Các chương trình phòng chống HIV của chính phủ cho đến mãi gần đây đã tập trung hầu hết vào các nhóm có nguy cơ cao như gái mại dâm, các đối tượng đồng tính luyến ái nam và các tài xế xe tải.

Do đó, những người Ấn Độ có hiểu biết về HIV phần lớn đều coi đây là căn bệnh chỉ giới hạn trong những nhóm này.

Không có con số chính xác về tình hình nhận thức về HIV trong dân chúng, nhưng bác sĩ  Deeksha ở cơ sở Vasavya Mahila Mandali ước lượng có ít nhất 70% phụ nữ tại vùng nông thôn nơi bà làm việc chưa từng nghe ai nói gì về con vi rút này.

Lần đầu tiên mà Lakshmi, 33 tuổi, sống trong một khu ổ chuột ngay bên ngoài Vijayavada, biết về HIV là khi chị nhận được kết quả xét nghiệm dương tính.

"Chồng tôi là tài xế xe tải và tôi bị lây HIV từ anh. Trước đó tôi chưa từng nghe nói gì về HIV hay bao cao su và bởi vì tôi không biết chữ nên tôi không thể hiểu các áp phích, biểu ngữ viết gì”.

Đứa con trai 12 tuổi của Lakshmi đã chết vì AIDS cách đây 2 năm, khi đó cả hai vợ chồng chị phát hiện ra rằng họ cũng bị HIV dương tính.

"Tôi rất sợ tình trạng bị nhiễm HIV của mình vì chẳng có ai muốn đụng vào chúng tôi và người ta không cho chúng tôi bước vào nhà họ.

"Thật là quá ô nhục", chị nói. "Là phụ nữ, tôi không muốn bước chân ra khỏi nhà.

"Rồi tôi gặp một bác sĩ không sợ đụng vào người tôi, bảo tôi không phải lo gì cả, sau đó tôi có nghị lực để sống".

Lakshmi đã bắt đầu cuộc chiến của chính mình chống lại sự dốt nát bằng cách giáo dục và tư vấn phụ nữ trong vùng chị sống về HIV.

Nhưng chính nhờ những người như chị và công sức của một nhóm các tổ chức phi chính phủ mà kiến thức về HIV đã được truyền bá rộng rãi trong phụ nữ vùng nông thôn Ấn Độ.

Theo Anjali Gopalan, sự thiếu thốn các dịch vụ và các chương trình nâng cao hiểu biết đang ở mức khủng hoảng trầm trọng.

"Chúng tôi chưa thực sự cải thiện các dịch vụ hiện tại đang ở mức thấp nhất và dường như đang có sự phản kháng mạnh mẽ”, bà nói.

Nếu không có nhiều chương trình nâng cao hiểu biết về HIV hơn nữa - nhất là với đối tượng là phụ nữ - Ấn Độ đang phải đối mặt với một đại dịch có thể cướp đi hàng triệu sinh mạng.