Bao giờ đủ máu cứu người?
Các Website khác - 19/05/2008

Sau ngày toàn dân hiến máu nhân đạo 7-4-2008, phong trào hiến máu ngày càng được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ. Đây là chương trình do Hội Thanh niên tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo thành phố Hà Nội và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức...

Tuy nhiên hiện nay hiến máu vẫn còn ở mức độ “tình nguyện”, mang tính phong trào và lực lượng tham gia không đồng đều.

Phong trào thiếu tính bền vững

Năm nay, chiến dịch truyền thông hiến máu nhân đạo mang thông điệp trọng tâm là: “Máu an toàn - không tách rời trách nhiệm của nhà quản lý”; mục tiêu thu được 550 nghìn đơn vị máu với tỷ lệ thu gom từ người hiến máu đạt hơn 70%.

Tham gia hoạt động hiến máu đến nay, lực lượng chủ đạo vẫn là học sinh, sinh viên, các lực lượng khác còn tham gia rất ít. Theo số liệu thống kê của Khoa Thu gom máu của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thì có trên 70% đối tượng hiến máu là học sinh, sinh viên.

Sau khi thanh lọc, còn khoảng 60% số lượng máu thu gom là dùng được. Theo báo cáo hoạt động Đoàn của trường Đại học Bách khoa, đến nay đã có 500 sinh viên tham gia và thu được 449 đơn vị máu.

Sinh viên, thanh niên tình nguyện hiến máu nhân đạo

Để tuyên truyền và vận động lực lượng học sinh, sinh viên không đơn giản. Chị Kim Hoa - Văn phòng Đoàn trường Đại học Bách khoa: “Phát động hiến máu nhân đạo là rất khó khăn. Phải đến trực tiếp gặp gỡ sinh viên, treo băng rôn, phát thanh trong ký túc xá trong khoảng nửa tháng.

"Các cán bộ làm công tác tuyên truyền hiến máu nhân đạo phải được tập huấn, sau đó kết hợp với Chi hội 15-10 là một chi hội trực thuộc Viện Huyết học Trung ương. Điều quan trọng là họ có thể truyền đạt được cho mọi người biết rằng: Hiến máu sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe người cho máu”.

Th.s Ngô Mạnh Quân - Phó trưởng Khoa Vận động hiến máu tình nguyện - Viện Huyết học Trung ương, người trực tiếp vận động hiến máu (hơn 20 lần hiến máu):

Mùa hè - mùa thiếu máu

Lực lượng nòng cốt hiến máu chủ yếu là sinh viên, học sinh. Thế nên từ tháng 5 đến tháng 9 được xem là mùa thiếu máu, do sinh viên nghỉ ôn thi, nghỉ hè, cán bộ đi nghỉ mát, công tác… Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phong trào hiến máu ở các ban ngành, các công ty, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế và khó khăn như: do lãnh đạo, điều kiện làm việc... không thu hút được lực lượng hiến máu.

Để khắc phục tình trạng này Viện Huyết học và truyền máu đã có một số biện pháp như: hưởng ứng ngày 14-6 (ngày thế giới tôn vinh người hiến máu), kêu gọi những người trước đây đã hiến máu nay hiến máu nhắc lại, vận động khối doanh nghiệp, khối quân đội (lực lượng cố định), triển khai phong trào về các địa phương…   

Thực tế, sau hơn 10 năm tổ chức và thực hiện chương trình, đến nay việc hiến máu vẫn còn ở mức độ “tình nguyện”, mang tính phong trào và chưa thực sự bền vững.

Điều tra trên nhiều học sinh, sinh viên cho thấy: Có thời gian rảnh rỗi thì họ mới cho máu. Vào những thời gian như nghỉ hè, sinh viên về quê hết hay đợt thi cử bận rộn thì những điểm hiến máu thường rất ít người.

Thêm nữa, trong tầng lớp thanh niên nói chung, học sinh, sinh viên là đối tượng có sức khỏe thấp nhất, nguyên nhân có thể do họ hoặc là học xa nhà, hoặc là gia đình khó khăn, hoặc là phải sử dụng quá nhiều thời gian cho học tập...

Nếu để họ đứng ra gánh vác trọng trách này thì rất thiếu công bằng. Bạn Nguyễn Châu Tài - sinh viên trường đại học Bách khoa, người đã từng hai lần hiến máu tâm sự: “Em rất ít tham gia các buổi sinh hoạt về hiến máu nhân đạo, đi hiến máu nhân đạo chủ yếu theo phong trào phát động của trường và noi gương các bạn khác.

"Thật ra, khi đi hiến máu, tâm lý em cũng rất lo sợ, không biết hiến máu có an toàn, tình trạng sức khỏe có đáp ứng được hay không? Gia đình em cũng không ủng hộ việc em đi hiến máu”.

Không thể thay đổi trong thời gian ngắn

Theo Thạc sĩ Trần Ngọc Quế - Trưởng Khoa Thu gom máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (người đã 28 lần hiến máu), khi vận động hiến máu nhân đạo, đầu tiên phải hướng tới các trường học. Học sinh, sinh viên thường sống trong tập thể, tập thể dễ tác động đến họ.

Sinh viên là lực lượng nắm bắt và thực hiện cuộc vận động nhanh hơn. Ngoài ra, lực lượng học sinh, sinh viên là lực lượng vừa hiến máu vừa có thể tuyên truyền. Và tương lai họ là cán bộ, các nhà quản lý, lúc đó họ sẽ ảnh hưởng rộng rãi đến nhiều người dân.

Tuy nhiên, học sinh, sinh viên là lực lượng chủ đạo nhưng không bền vững, không thể chỉ trông chờ vào họ được. Về phía lực lượng cán bộ, ông Quế nói: “Lực lượng cán bộ tham gia ít chủ yếu là do các cấp lãnh đạo. Các nhà quản lý không quan tâm thì nhân viên cũng thờ ơ.

Họ cần phải nhận thức rằng, hiến máu nhân đạo không chỉ ở mức độ tình nguyện, cần xác định đó là trách nhiệm và nghĩa vụ không phải đối với một người mà là trách nhiệm đối với cả cộng đồng, khi đó cộng đồng mới có trách nhiệm đối với mình”.

Ông Quế cho biết: “Để lực lượng cán bộ tham gia nhiều hơn đầu tiên phải thay đổi suy nghĩ và nhận thức của cấp lãnh đạo, ví dụ như thầy hiệu trưởng của một trường đứng ra vận động thì tất nhiên tất cả sinh viên sẽ hưởng ứng.

"Thứ hai là cần phải tôn vinh, tức là phải làm cho người cho máu cảm thấy tự hào, khi đó họ mới thấy hiến máu là việc làm có ý nghĩa. Nếu một người được nhận bằng khen, quà tặng để treo hoặc đặt một chỗ trang trọng thì họ sẽ có động lực để cống hiến nhiệt tình”.

Ông Quế tâm sự: “Có nhiều đợt, chúng tôi đặt địa điểm hiến máu tại khu công nghiệp, lực lượng tham gia rất ít. Để thay đổi nếp nghĩ đã tồn tại lâu trong đại bộ phận nhân dân không phải là điều đơn giản và có thể đạt được trong ngày một ngày hai”.

Quốc Bảo - Thu Hiền