Trọn đời vì sức khỏe cộng đồng
Các Website khác - 19/05/2008

Tháng 4 vừa qua, thêm lần nữa, một nhà khoa học Việt Nam lại được vinh danh trong danh sách “Nhân vật của năm trong lĩnh vực Y tế và Chăm sóc sức khỏe” do Viện tiểu sử quốc tế Hoa Kỳ (ABI) bình chọn, đồng thời được đề cử vào danh sách “Những trí tuệ lớn của thế kỷ 21” vì những cống hiến khoa học xuất sắc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong nước và quốc tế.

Đó chính là bác sỹ Đỗ Gia Cảnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện là Phó Tổng Thư ký Hội Y tế Dự phòng Việt Nam, ủy viên Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y học, Bộ Y tế, Hội viên Liên đoàn Y tế  cộng đồng Hoa Kỳ, Hội viên thường trực Liên đoàn Y tế Cộng đồng Thế giới.

Chúng tôi gặp ông trong một buổi chiều đầu tháng 5 khi ông đang bề bộn công việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Mái đầu đã điểm bạc, bước đi thong thả, ông có vẻ khá bình thản khi nhắc đến giải thưởng này: “Khi nhận được thư, tôi  hơi ngỡ ngàng. Ba ngày đầu tôi kiểm chứng thông tin từ mọi nguồn và biết rằng đó là tin chính xác từ một viện nghiên cứu tiểu sử hàng đầu thế giới. Lúc đó tôi mới thấy vui. Đây là giải thưởng vinh danh, ghi nhận những công trình khoa học của tôi. Đó cũng là sự thừa nhận của thế giới về sự phát triển của nền khoa học cũng như hệ thống Y tế cộng đồng ở Việt Nam, là sự khẳng định uy tín của cộng đồng khoa học nước nhà, giúp chúng tôi tăng cường khả năng hợp tác với quốc tế trong những công trình nghiên cứu sau này.

Bác sỹ Đỗ Gia Cảnh và bà Barbara Hatcher, Tổng Thư ký Liên đoàn Y tế cộng đồng thế giới

Sinh trưởng và lớn lên trong một gia đình gia giáo tại phố Thuốc Bắc, lúc nào cũng nghi ngút mùi thuốc, những xe kéo chở đầy thuốc và bệnh nhân nghèo lam lũ đứng xếp hàng trước cửa nhà thầy lang Vòng, thầy lang Ngộ, thầy Bảo Hòa, thầy Hạnh Thiên, thầy Lam Kiều… từ nhỏ đã gây một ấn tượng đặc biệt đối với cậu bé Gia Cảnh. Lớn lên, như một lẽ tất yếu, gia đình hướng cho cậu thi vào trường Y. Năm 1971, Gia Cảnh trở thành sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Y Hà Nội. Ngay từ lúc này, chàng sinh viên y khoa đã có niềm say mê vô tận với những môn khoa học, những bài giảng về sinh hóa, sinh lý.

Đến năm thứ 4 phân khoa, khi được hỏi muốn vào khoa nào, cậu chỉ biết trả lời rằng: Em muốn vào chuyên ngành nào có liên quan nhiều đến nghiên cứu. Từ đó, cậu được phân vào khoa Vệ sinh dịch tễ. Cũng chính trong năm học thứ 4 này, theo cha anh, Gia Cảnh xếp bút nghiên vào tiền tuyến. Tiểu đội lính của anh đều là sinh viên trường Y với công việc chuyển thuốc ra mặt trận và phục vụ cấp cứu hồi sức thương binh.

Đất nước giải phóng, năm 1978, chàng sinh viên y khoa tốt nghiệp, đầu quân về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Sau một năm, cậu đã trở thành Trưởng đoàn chống dịch tả tại Nghệ An. “Đến bây giờ, những ký ức về hình ảnh người nằm la liệt trong các trạm xá, vôi bột phủ trắng xóa đầu làng cuối xã, những đội thanh niên khẩn trương phun thuốc khử trùng, tẩy uế, từng đoàn người xếp hàng chen chúc nhau tiêm chủng vaccine tả trên bãi cát biển miền Trung mờ mịt bụi... vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Có thể nói, cũng giống như anh chị em tại Viện Vệ sinh dịch tễ này, cuộc đời tôi đã quá nhiều lần gắn bó với những hình ảnh đó. Cứ ở đâu có dịch là chúng tôi lên đường”.

Gần 30 năm miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, ông đã tham gia nhiều công trình nghiên cứu vaccine tại Việt Nam như “Liều hiệu quả để miễn dịch của vaccine “Vi” cộng hợp  phòng bệnh thương hàn ở trẻ em”; “Thử nghiệm thực địa vaccine tả uống”, “Hiệu quả lâu dài của vaccine tả uống toàn tế bào...”. Đã có hàng chục công trình nghiên cứu của ông được xuất bản trong nước; 32 công trình khoa học đăng tải trên các tạp chí nổi tiếng thế giới và ứng dụng vào thực tế.

Bên cạnh đó, ông cũng cùng các đồng nghiệp đã hợp tác với Viện sức khỏe Hoa Kỳ (NIH), Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), Viện Nghiên cứu vaccine quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức thành công nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng như: Phòng chống tiêu chảy, nghiên cứu và thực nghiệm vaccine mới, đưa vaccine đến với trẻ em, học sinh, nhân dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa... nhằm giảm nhanh tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy và bệnh dịch.

Ông còn là một trong những người tham gia tích cực vào tổ chức quốc tế về “Thực hành nghiên cứu tốt lâm sàng” - nguyên tắc quan trọng trong nghiên cứu, đánh giá, lưu hành chất lượng thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế ở Việt Nam. Gần đây (tháng 3-2008) ông lại là một trong những người khởi xướng hợp tác trong nghiên cứu đánh giá lưu hành vaccine và sinh phẩm Việt Nam...

Trò chuyện với Bác sỹ Đỗ Gia Cảnh, thật khó để tìm hiểu những thông tin về con người ông. Ngược lại ông luôn thủ thỉ: “Tớ cũng chỉ là một người bình thường như bao người khác thôi, có một công việc để làm và một niềm say mê với nó, chẳng tham vọng gì vì tôi là một phật tử mà. Giải thưởng là tự nhiên nó tìm đến và mình đương nhiên cũng có phần tự hào. Tuy nhiên đó không phải là tất cả. Dịch bệnh vẫn xuất hiện và diễn biến không lường. Phía trước mình và các cán bộ làm y tế còn rất nhiều việc phải làm và còn gian khó lắm. Cái lớn hơn giải thưởng kia chính là sức khỏe người dân và làm sao để dịch bệnh được đẩy lùi trong thời gian sớm nhất”.              

Khánh Hòa