"Đôi tay tôi gầy, không ôm nổi trái tim người tôi yêu. Đôi tay tôi gầy, nâng phím đàn hát cho người yêu nhau...". Tôi rất xúc động khi nhìn Hà Chương ôm ghita, hát say sưa giai điệu đó.
Nhạc sĩ trẻ Hà Chương Ảnh: Phạm Huệ |
Chàng thanh niên gầy gò trước mắt tôi đã phải sống trong bóng tối suốt 25 năm... Nhưng cũng ngần ấy thời gian, trái tim anh ngân lên những nốt nhạc của niềm tin, của tình yêu và hy vọng!
“Cháy” hết cho đam mê
Hà Chương sinh năm 1982 trong gia đình nông dân nghèo ở Bình Sơn, Quảng Ngãi. Từ khi mới lọt lòng mẹ, Chương đã không nhìn thấy gì.
Thứ nối kết anh với cuộc sống, mang đến cho anh những “hình dung giản dị” về cuộc sống là âm nhạc. Chương kể: “Thủa nhỏ, mẹ hay hát ru mình những làn điệu ngọt ngào của dân ca khu V, những câu hò khoan da diết của người xứ Quảng. Mình nghe và nhớ lắm, chỉ qua một hai lần là thuộc ngay”.
Lên bảy tuổi, chị gái dạy Chương chơi ghi ta. Tình yêu âm nhạc trong anh cứ thế được nhen nhóm và lớn dần. Song khi ấy, ở Quảng Ngãi chưa có lớp học riêng dành cho người khuyết tật.
Suốt 6 năm ròng, Hà Chương không được đến trường. Niềm khát khao tới lớp luôn cháy trong anh. Mãi đến năm 12 tuổi, Chương vào học tại trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Đà Nẵng, được theo học âm nhạc.
Năng khiếu trời cho cộng với những nỗ lực vượt bậc, năm 2004, Hà Chương thi đỗ thủ khoa vào hệ trung cấp Nhạc viên quốc gia Hà Nội (nay là Học viện âm nhạc Việt Nam). Năm 2006, anh lại tiếp tục thi vượt rào thành công lên hệ đại học của trường.
Hà Chương tâm sự: “Âm nhạc với Chương không chỉ là đam mê mà là duyên nghiệp. Âm nhạc giúp Chương tìm lại được chính mình trong những cơn bão dông của cuộc đời”.
15 tuổi, anh sáng tác ca khúc đầu tay: Ánh sáng đời em. Đó là tiếng lòng, lời trái tim của cậu bé khiếm thị: Em không thấy trời xanh, em không thấy biển xanh, mà chỉ nghe lời ru buồn của bà...à ơi, à ơi...
Chương thường viết về tình yêu, tình đời, về những số phận không may. Âm nhạc của anh giản dị, gần gũi, ca từ trong sáng và khá sâu sắc. Giọng hát Hà Chương không đặc biệt, nhưng nghe anh trình bày những ca khúc của mình, người ta có cảm giác như anh đang trải lòng theo câu hát.
Bìa hai Anbum “Món quà của sóng” và “Khúc hát hai mươi” của Hà Chương |
Năm 2005, album đầu tay Món quà của sóng của Hà Chương ra đời như lời tri ân với cuộc đời. Mười hai nhạc phẩm, mười hai cung bậc yêu thương của nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương được công chúng đón nhận.
Anh cũng chính là ca sĩ, nhạc sĩ khiếm thị đầu tiên ở Việt Nam phát hành album riêng.
Điều đó càng thôi thúc Chương không ngừng nỗ lực, sáng tạo.
Những giải thưởng âm nhạc của Hà Chương - Huy chương vàng độc tấu đàn bầu cuộc thi Tiếng hát hoa phượng đỏ Quảng Nam - Đà Nẵng 1995 - 2 Huy chương vàng toàn quốc về hát đơn ca và độc tấu đàn bầu cuộc thi Văn nghệ thể thao dành cho người khuyết tật - Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt - 6 Huy chương vàng trong các cuộc thi Tài năng trẻ thành phố Đà Nẵng, cuộc thi Biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp khu vực phía Nam. |
Hai năm sau, album thứ hai Khúc hát hai mươi ra mắt với sự tham gia của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, ca sĩ Tùng Dương, rocker Xuân Đề cùng nhiều giọng hát khác.
Ở Khúc hát hai mươi, ta bắt gặp một Hà Chương đa diện hơn: mềm mại trữ tình cùng Pop Ballad, sôi nổi với Hiphop và mãnh liệt đến tột đỉnh cùng Rock!
Suốt những tháng năm đeo đuổi âm nhạc, Hà Chương đã có nhiều giải thưởng lớn. Chương nhớ nhất lần được NSND Tường Vi đưa đến thăm nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hát cho Đại tướng nghe.
Giọng ca của cậu bé mù giàu nghị lực làm cho vị tướng rơi lệ. Điều đó đã khiến Chương vô cùng xúc động, tự nhủ với lòng mình sẽ cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa...
Nhọc nhằn “nuôi” ước mơ!
Để được như hôm nay, Hà Chương đã trải qua những cuộc khổ luyện. Anh kể, ngày đầu mới học đàn, thầy phải cầm tay chỉ từng nốt trên khuông. Mình tự cảm nhận, ghi nhớ trong đầu, khi ôn luyện thì cố huy động mọi giác quan để hình dung lại.
Chương cũng không thể vừa đọc bản nhạc vừa chơi đàn như các bạn, anh nhờ bạn đọc những bản nhạc lên thành tiếng rồi chép lại bằng ký hiệu nổi Braille, sau đó mới dùng tay lần từng nốt nhạc. Bởi thế, thời gian học của Chương bao giờ cũng nhiều gấp ba, bốn lần so với các bạn bình thường khác.
Nhà nghèo, Chương tự lăn lộn kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Ban ngày đi học, buổi tối, Chương đi hát ở các phòng trà. Số tiền kiếm được, Chương dành trang trải học phí và...làm Album. Cứ thế, âm thầm, cần mẫn...hai Album nhạc của Hà Chương đã ra đời trong sự cảm phục của mọi người.
Gửi hương cho gió
Tôi có người bạn yêu hoa đồng nội, nhưng chỉ biết hoa qua mùi hương bay.Tôi có người bạn đi bằng hai tay, ước mơ đến trường để vẽ mây bay. Tôi có người côi cút lạc loài, chỉ biết mẹ cha qua dòng kí ức... Hà Chương đã viết những dòng này như khúc ru buồn về những số phận kém may mắn.
Anh không giấu niềm tự hào khi nhắc đến các bạn đồng cảnh ngộ. Một Thế Vinh vĩnh viễn mất cánh tay bên phải, nhưng có thể hòa tấu ghita và Aacmonica điêu luyện.
Một Thủy Tiên mắc khuyết tật ở miệng nhưng vẫn hát nhạc Trịnh Công Sơn. Họ - ba cảnh đời, ba khát vọng đã gặp nhau, lập nên nhóm Món quà của sóng, chuyên biểu diễn cho người nghèo, người khuyết tật, học sinh, sinh viên. Trong mấy năm qua, nhóm bạn trẻ đã tổ chức thành công hai Liveshow miễn phí tại TPHCM và Đà Nẵng.
Chia tay Hà Chương, tôi cứ ám ảnh mãi nụ cười ấm và lời ca anh hát say mê: “Dù ngày dài hay đêm tối, dù đường ghập ghềnh xa muôn lối, dù gió xuôi hay bão ngược, ta vẫn ung dung đón mặt trời lên...”.
Phạm Huệ
▪ Những đứa trẻ trở về bơ vơ vì mất cha mẹ (14/05/2008)
▪ Cổ tích "Phùng Thiện Nhân" (13/05/2008)
▪ Trao quà cho bà cụ 30 năm nương nhờ hàng xóm (12/05/2008)
▪ Người mẹ ấp ôm những đứa trẻ khuyết tật (09/05/2008)
▪ "Đến Với Nhau" vì cộng đồng (09/05/2008)
▪ Những núm ruột bất hạnh (09/05/2008)
▪ Chuyện tình HIV (08/05/2008)
▪ Chuyện đời cô gái bị nhiễm HIV: "Tôi ơi đừng tuyệt vọng"... (07/05/2008)
▪ Một người làm nhiều việc thiện (06/05/2008)
▪ Người phụ nữ có HIV và ngôi nhà xây 8 năm vẫn dang dở (05/05/2008)