(ANTĐ) -Khi biết mình bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS kết cục bi thảm của sự trượt dài lạc lối trong tuổi thanh niên, Bùi Văn Công (ảnh) đã hối hận với quá khứ của mình. Như để chuộc lại quá khứ lầm lỗi của mình, để quên đi ma túy, Công đã làm một việc tưởng như sức người không thể - nắn dòng đổi hướng chảy hung dữ của con sông Bưởi tránh hậu quả lũ quét cho bà con bờ bên xã Ân Nghĩa.
Kỳ 1: Ước mơ không có thật
Ma túy và hành trình đến AIDS
Như luồng gió đen giữa đại ngàn, ma túy tràn vào xã Liên Vũ miền sơn cước “cướp” đi nhiều trai tráng trong làng vào những năm 1990-1991. Cơn gió độc này khởi nguồn từ những bãi vàng Thung Bu - Lạc Sơn, khi những thanh niên khắp cả nước và Hòa Bình đổ về đây với ước mơ đổi đời. Biết bao người ồ ạt đào đãi vàng, nhưng vàng không có mà mỗi người ra về với căn bệnh của bãi vàng - nghiện ma túy. Bùi Văn Công không nằm ngoài những quy luật của người đã từng đào vàng, tuổi trẻ trai tráng của anh đã lầm lạc vào con đường nghiện hút. Và kết cục, anh Công đã dính căn bệnh thế kỷ - AIDS.
Mường Vôi xã Liên Vũ mà Bùi Văn Công ở hiện nay, những người cùng trang lứa anh đã không còn nhiều bởi cơn lốc vàng và ma túy. Câu chuyện thê thảm lá vàng khóc lá xanh rơi ở Liên Vũ những năm trước dường như là điều bình thường. Người già, phụ nữ phải thay thanh niên trai tráng trong làng khiêng hòm đưa tiễn những cái chết vì AIDS, ma túy. Có những bản tìm thanh niên khỏe mạnh còn khó bởi dưới chân núi kia toàn nấm mồ trẻ và vòng hoa trắng bởi những ước mơ đổi đời không có thật từ bãi vàng.
Là con út trong số 6 anh chị em của một gia đình nghèo miền sơn cước, học hành chỉ gọi là biết mặt chữ, Bùi Văn Công cũng như bao thanh niên trai tráng khác ở Mường Vôi chỉ biết quanh quẩn trong làng với con trâu mảnh ruộng. Cuộc sống thiếu thốn nên ước mơ đổi đời đau đáu trong những người nghèo khó. Cái tin, người này người kia kháo nhau nơi ấy có vàng đã qua tai những trai bản Mường Vôi. Và người người đã theo nhau đi tìm vận may ở miền đất hứa ấy.
Năm 1992, khi bãi vàng Thung Bu bị cơ quan chức năng dẹp bỏ, cũng như hàng trăm, hàng nghìn người khác, những thanh niên ấy lại trở về với xóm Mường Vôi, và câu “Khi đi trai tráng khi về bủng beo” đã rõ trên từng khuôn mặt mới chỉ ngoài 20 tuổi. Như “giác ngộ” được điều phải làm lại cuộc đời cho dù lầm lỗi (trong nhật ký Công đã từng ghi như vậy) Bùi Văn Công xin học nghề sửa chữa máy nông nghiệp 18 tháng tại trường nghề tỉnh và trở về với Mường Vôi lao động, sau 2 năm ở Trung tâm 06 Lạc Sơn.
Nhớ lại quá khứ lỗi lầm của mình, Bùi Văn Công dằn vặt và rùng mình ớn lạnh. “Những lúc ở bãi, tôi và nhiều người không tránh khỏi việc hút chích, bởi nơi đây ranh giới mong manh khó đủ bản lĩnh giữ mình. Trước khi đến bãi vàng, tôi đã nhủ mình và xác định không bao được phép sa ngã vào ma túy, vậy mà không thể…”. Ngồi bần thần như người mất hồn trong giây lát, giọng hối hận muộn màng của người thanh niên 35 tuổi chùng xuống: “Tôi kinh hoàng mỗi khi nghĩ về những chiếc kim tiêm. Những người nghiện như chúng tôi sử dụng chung kim tiêm và dùng lại kim tiêm là điều thường xảy ra bởi miễn là trong đó có ma túy…”.
Đi qua chuỗi ngày buồn
Những lỗi lầm anh ghi vào nhật ký để sửa mình khi đọc nó trong quãng đời còn lại |
“Khi ngờ ngợ biết mình bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, tôi thấy cuộc đời coi như đã chấm hết. Có nhiều lúc tôi chỉ muốn đập phá. Để quên, tôi tìm đến rượu để say, tìm đến ma túy để không muốn nhớ mình đang còn tồn tại. Nhưng, không thể, bố mẹ sinh thành nuôi dưỡng, tôi không thể làm cho họ đau thêm một lần đau nữa. Tóc bố tôi bạc, da mẹ tôi nhăn nheo… vì tôi, tại tôi... Tôi cần phải sống, cần phải quên đi quá khứ lầm lỗi...”. “Nhờ được vào Trung tâm 06 Lạc Sơn mà tôi đã đoạn tuyệt được ma túy. Tôi sẽ phải làm lại cuộc đời cho dù thời gian ngắn ngủi”. Đó là những dòng nhật ký anh ghi lại sau những dằn vặt bệnh tật, ma túy.
Quá khứ buồn và sự trượt ngã đã làm cho Bùi Văn Công thấy cần phải sống có ích cho bà con, xã hội. Để đoạn tuyệt hẳn với ma túy, nỗi ám ảnh về căn bệnh chết người HIV/AIDS Bùi Văn Công đã lao vào lao động như một con thiêu thân, làm bất cứ việc gì miễn sao có ích cho xã hội. Sự động viên của gia đình, họ hàng, làng xóm, đặc biệt là sự hỗ trợ của các anh, chị góp vốn mua máy tuốt lúa đã tạo công ăn việc làm cho Bùi Văn Công trong những ngày mùa.
Hết mùa, Công mang cuốc xẻng ra sông Bưởi đào bới, phá đá đắp bờ chuyển dòng chảy. Cuối năm 2004, bước qua những mặc cảm về quá khứ lầm lỗi Công đã tìm thấy được cho mình một tình yêu đích thực với một tấm lòng bao dung của cô thôn nữ hiền thục Bùi Thị L người ở xã Vũ Lâm, Lạc Sơn. Hạnh phúc của đôi trẻ cũng là niềm vui của gia đình hai bên. Một đám cưới tưng bừng được diễn ra hạnh phúc không hề có hố ngăn ranh giới giữa người bệnh AIDS và người bình thường. Và việc nắn dòng Bưởi của người đàn ông AIDS đã như huyền tích có thực ở Mường Vôi - xã Liên Vũ.
Nguyễn Đức Tuấn
Kỳ 2: Nắn thẳng sông... bằng tay
▪ Người mẹ già lượm ve chai nuôi đứa con tàn tật (26/05/2008)
▪ Vì ngày mai tươi sáng cho người khuyết tật (23/05/2008)
▪ Những nạn nhân nhí của tục “cướp vợ” (23/05/2008)
▪ Bé gái 10 năm chống chọi với bệnh tim (22/05/2008)
▪ Hà Nội: Đốt nến cầu nguyện cho người nhiễm HIV (21/05/2008)
▪ Cảnh cơ hàn của gia đình có 4 người mù (21/05/2008)
▪ Có nỗi khổ nào hơn thế! (21/05/2008)
▪ Đi xe ôm nuôi vợ và ba con bệnh tật (20/05/2008)
▪ 22 tuổi - 22 lần hiến máu nhân đạo (20/05/2008)
▪ Bao giờ đủ máu cứu người? (19/05/2008)