Có nỗi khổ nào hơn thế!
Các Website khác - 21/05/2008

 

Mẹ Lục chỉ lo sau này không biết có ai chăm sóc người con bị bệnh tâm thần. (Ảnh: V.Dũng)

Phải khó khăn lắm, xe chúng tôi mới ngược nguồn về được nhà mẹ Lục. Đường về thôn 14 (xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) quê mẹ còn nguyên đó dấu tích bị tàn phá bởi hai cơn lũ kinh hoàng diễn ra trong năm 2007. Nhà mẹ nằm trên đồi cao quanh năm chỉ biết đến núi rừng, nương rẫy. Điều kiện tự nhiên khó khăn là thế, mấy chục năm qua như nhiều người dân khác, mấy mẹ con mẹ Lục chỉ biết sống bằng nghề trồng màu.

Gặp mẹ Lục, mấy cán bộ cùng đoàn dưới miền xuôi lên phải thốt lên, có nỗi khổ nào hơn thế! Cuộc đời mẹ quả là hiện thân của nỗi đau và nỗi chịu đựng. Mẹ lập gia đình với một người cùng quê. Cả hai vợ chồng sinh được 4 người con, hai trai, hai gái. Hạnh phúc không thật vẹn toàn với mẹ.

Khi người con trai đầu Nguyễn Tiến Long mới bước vào tuổi thanh xuân, mẹ nhiệt tình ủng hộ anh vào bộ đội vào trận tuyến ác liệt ở Tây Ninh. Năm 1976, nhận được tin con anh dũng hy sinh, mẹ Lục buồn đau như xé ruột. Người con thứ của mẹ bị chứng bệnh tâm thần mỗi ngày thêm nặng. Những khó khăn trong cuộc sống gia đình khiến sức mẹ ngày một héo mòn.
 


Mẹ Lục bên tấm di ảnh của chồng. (Ảnh: V.Dũng)

Cuộc sống chật chội, cùng cực cứ đeo bám gia đình mẹ suốt hàng chục năm trời. Gánh nặng cuộc đời lại đè lên đôi vai đã yếu ớt mẹ khi người chồng ngã bệnh rồi qua đời vào năm 1990. Vắng đi bàn tay của người đàn ông, căn nhà tranh được cấp từ năm 1976 theo thời gian cũng dần xuống cấp. Hôm chúng tôi đến, mẹ Lực mới dùng mấy tấm ri đô vá víu cho đỡ nắng chiếu vào.

“Cái nhà ni vốn là cái kho của hợp tác xã. Khi con trai của mệ hy sinh tại chiến trường Tây Ninh, HTX đã cấp cho gia đình làm nơi trú ngụ. Có cái gian phòng bằng tre nứa mệ vá víu thêm sống lâu ngày rồi trở thành nhà” - mẹ Lục rơm rớm nước mắt kể.

Cảnh tượng trong căn nhà cũ nát ấy khiến những người có mặt càng chạnh lòng hơn. Hai di ảnh của chồng và con mẹ Lục không có nổi một chiếc bàn thờ cho tử tế. Mẹ thắp nén nhang cho chồng, con rồi bảo với mọi người: “Lễ Tết gì mệ cũng có nén nhang. Quan trọng là cái tình, không có bàn thờ chắc bố con ông nhà tôi cũng thấu hiếu cho hoàn cảnh của mẹ con ở lại”. Mẹ nói rồi ôm đứa con bị bệnh tật ngồi một chỗ òa khóc.

Trong câu chuyện buồn, mẹ muốn rót chén nước mời khách nhưng thật tình cờ nước trong ấm lại hết. Mẹ kể, nước sạch với gia đình mẹ rất khó khăn. Để có được ấm nước, mẹ phải cuốc bộ cả trăm mét để xin nhờ hàng xóm. Cũng vì nước mà mẹ Lục đã nhiều lần té ngã, một lần trong số đó đã khiến mẹ bị trật khớp lưng. Kể từ đó, mẹ phải chịu còng mãi.

Cuộc sống mẹ Lục đã trôi về những năm tháng cuối đời. Lẽ thường những năm tháng tuổi già, con cái là chỗ dựa của người mẹ. Thế nhưng, người con trai duy nhất mà mẹ hy vọng được nương nhờ thì hoàn cảnh sống cũng cùng cực chẳng kém người mẹ. Người con trai của mẹ Lục cũng đang phải chạy ăn từng bữa, vay nợ để chữa bệnh cho người vợ ốm yếu triền miên. Sự giúp đỡ của chính quyền, hàng xóm mới chỉ dừng lại ở cái tình, vì thế cuộc sống của người mẹ liệt sỹ hiện rất khó khăn.
 
Để có ít gạo, thêm chút tiền thuốc men cho người con gái bệnh tật, mỗi khi con lên cơn, mẹ Lục phải lê tấm thân già nhặt từng mớ cà chua đem bán. Những ngày mưa gió, hai mẹ con tằn tiện chi tiêu trong số tiền trợ cấp gia đình có công với cách mạng.

Khi chúng tôi chia tay mẹ Lục, mẹ không buồn bởi cuộc đời mẹ đã dành cho đất nước, trọn đời sống đúng với nghĩa tình. Mẹ cũng đã khổ, quen với cảnh khó khăn nên không quản ngại sống những ngày cuối cuộc đời vất vả. Mẹ chỉ ước nguyện có những tấm lòng hảo tâm giúp mẹ chút ít tiền để lo cho đứa con bệnh tật sau này.

Văn Dũng - Diệu Hương