(ANTĐ) - Nhìn vào bản danh sách những người chết vì nhiễm HIV, ông Vì Văn ừa - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cho biết một tin quặn lòng: “Tính đến hiện nay “Cơn bão ết” đã cuốn đi của xã Chiềng Châu hơn 100 người. Hệ lụy kéo theo là hơn 100 gia đình đang phải gồng mình gánh chịu nỗi đau “hậu ết”. Ông ừa ngậm ngùi: “Có tất cả 3 gia đình đã bị “xóa sổ ” hoàn toàn. Không nói thì thôi, nói ra lại buốt lòng lắm”.
Kỳ I: Cạn nước mắt vì AIDS
Chị Hà Thị An với những bó củi kiếm sống qua ngày |
Khi chúng tôi đến nhà chị Hà Thị An ở xóm Chiềng Châu (xã Chiềng Châu) thì trời đã xế chiều. Chị vừa đi rừng lấy củi về. Đặt bó củi nặng trịch xuống sàn, chị bảo: Một bó củi nhỏ như này thế chỉ bán được 2.000-3.000 đồng thôi. Ngày nào đi khỏe mới lấy được vài bó. Mấy năm nay chính quyền cấm khai thác, bây giờ muốn có củi bán lấy tiền đong gạo thì phải đi xa.
Với chị An thì những bó củi đó là nguồn sống của cả nhà. Chồng chị ngày còn sống làm nghề “xe ôm” nhưng cũng chỉ đủ nuôi xe, nuôi thuốc cho anh.
Căn nhà chị nằm cạnh đường trống huơ trống huếch chẳng có gì đáng giá. Đồ vật trong nhà cái gì cũng vá chằng, vá đụp. Vách đất căn nhà lở xuống chị lấy mấy tờ giấy báo che lại cho đỡ mưa gió.
Năm 1991, chị An lập gia đình. Bố mẹ chị cho 2 vợ chồng ra ở riêng. Không có nghề nghiệp ổn định chị nhận 1.000m2 ruộng lúa cấy, anh vay mượn mua được chiếc xe máy ra thị trấn Mai Châu làm nghề “xe ôm”.
Thế rồi những lúc vắng khách hoặc những lúc “trà dư tửu hậu” bạn bè lại rủ anh nếm thử cái vị thơm thơm, ngai ngái của “nàng tiên nâu”. Vài lần thành quen, quen rồi thành nghiện.
Chị khuyên can thế nào anh cũng không bỏ được. Trong một lần bị tai nạn nằm ở bệnh viện các bác sĩ lấy mẫu máu đi xét nghiệm mới biết anh đã bị nhiễm HIV. Quá sốc sau khi biết tin này, anh đâm ra ngơ ngẩn rồi chuyển thành tâm thần lúc nào không biết.
Mọi lo toan về kinh tế đè nặng lên vai, chị An bảo: Ông xã tôi bị tâm thần 4 năm, lại chán đời nên rượu chè suốt ngày. Lúc lên cơn thì đập phá hết mọi thứ đánh cả vợ con. Có đêm đang ngủ ông ấy vùng dậy đập phá làm cả xóm thức giấc.
Không chịu nổi ba mẹ con tôi phải ra bờ suối dựng tạm cái lán để ở. Sau nhiều năm nghiện ngập kinh tế gia đình sa sút, đứa con của chị đang học lớp 7 phải nghỉ học ở nhà giúp mẹ đi lấy củi kiếm sống.
Đang dẫn chúng tôi đi thăm các gia đình khác trong xã, chị Hà Thị Yên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chiềng Châu đột ngột dừng lại trước một căn nhà gỗ bỏ hoang bên cạnh đường.
Chị bảo đây là nhà của gia đình chị Vì Thị Hồng. Nhà chị Hồng cả hai vợ chồng đều nghiện. Năm ngoái chồng chị Hồng chết vì AIDS. Sau vài tháng để tang chồng chị quyết tâm làm đơn đi cai nghiện. Đứa con chị gửi lại cho người bác nuôi.
Căn nhà bỏ hoang của chị Vì Thị Hồng |
Chỉ một lần dại dột
Lần thứ 2 chúng tôi trở lại nhà thì chị Hằng mới đi chợ về. Lúc này trời đã sẩm tối. Trong cái sọt trên chiếc xe đạp đã cũ còn lại mấy mớ rau ế không bán được đã héo.
Hai đứa trẻ thấy mẹ về mừng ra mặt. Ôm hai đứa con gái ngoan ngoãn vào lòng chị không giấu nổi nỗi xót xa. Hai năm qua, một mình chị phải chống chọi với căn bệnh HIV, rồi lại gồng mình lên để lo cái ăn cho gia đình.
Chị Hằng kể: Cách đây mười năm, chị là cô sơn nữ đẹp nhất nhì xóm. Anh Hà Công Hùng ở xóm Chiềng Châu (xã Chiềng Châu) - chồng chị vốn hiền lành.
Thời gian đầu mới lấy nhau vợ chồng chị nhận đất ruộng cấy lúa, làm nông nghiệp. Nhờ đức tính chịu khó, tiết kiệm anh chị làm được căn nhà ngay trên đất của bố mẹ để lại, tuy cuộc sống vất vả nhưng rất hạnh phúc.
Được một thời gian anh theo bạn bè đi làm phụ hồ xây dựng. Những tưởng công việc đó sẽ có thêm thu nhập về giúp gia đình, nào ngờ chỉ một lần vui bạn, vui bè anh tò mò thử chích ma túy xem cảm giác như thế nào.
Không ngờ cuộc vui đầu tiên đó cũng là cuộc vui cuối cùng, ma túy đã đưa cả anh và gia đình xuống vực thẳm. Sau nhiều ngày ốm không rõ nguyên nhân anh đi viện và xét nghiệm máu mới biết mình bị nhiễm AIDS.
Lúc này ân hận thì đã muộn, chẳng mấy chốc anh đổ bệnh rồi mất. Chồng mất chưa lâu, thấy trong mình mệt mỏi chị Hằng thử khám. Đọc kết quả xét nghiệm mà rụng rời: Mẫu máu của chị cho kết quả dương tính với HIV.
Cầm tờ giấy xét nghiệm trong tay, tôi đứng không vững - vừa ôm đứa con gái vào lòng chị Hằng nói - các bác sĩ bảo, tôi lây HIV từ chồng, bây giờ còn làm được gì lo cho các con là tôi làm. Chỉ tiếc một điều chưa biết mình lo cho chúng được bao nhiêu ngày nữa.
Nhà chị Hằng ngoài 2 đứa con nhỏ còn bố mẹ chồng già. Cái ăn của cả nhà trông cả vào chị. Một ngày chạy chợ cũng chỉ được ngót chục nghìn đồng.
Chị kể, nhiều lúc lũ trẻ ngây thơ hỏi mẹ: Bố đi đâu mà lâu về thế? Mỗi lần như vậy chị lại nghĩ đến cảnh tới đây mình cũng “ra đi”, hai đứa con thơ sẽ không còn nơi nương tựa mà như đứt từng khúc ruột.
Nghi con có thể nhiễm HIV, cách đây vài tháng chị Hằng đã đưa cháu lớn đi xét nghiệm. ơn trời, thật may nó không bị sao, còn đứa em thì phải đợi vài tháng nữa.
Bây giờ cứ nghĩ đến lúc đứng đợi lấy kết quả xét nghiệm cho con, chị Hằng lại run bắn cả người. Chị than thở: Tuy tiền xét nghiệm không phải trả nhưng để đưa cháu đi xuống thành phố Hòa Bình thì kể cả tiền xe đi, xe về cũng mất hơn 100.000 đồng. Khoản tiền đó chị vẫn chưa biết trông vào đâu.
(Còn tiếp)
Hoàng Sơn
Kỳ sau: Bao giờ hết “bão ết”
▪ Sự hồi sinh của những cô gái “điếm”… (04/06/2008)
▪ Nước mắt Chiềng Châu - Bài 2: Bao giờ hết “bão ết” (04/06/2008)
▪ Trẻ nhiễm HIV/AIDS được cấp thẻ bảo hiểm y tế (04/06/2008)
▪ Ngày của em đâu rồi! (02/06/2008)
▪ Xa lắm, Tết thiếu nhi! (31/05/2008)
▪ Chương trình "Sáng mãi niềm tin" cùng với trẻ nhiễm HIV (31/05/2008)
▪ Nơi “con ếch” từng ngày tàn phá (30/05/2008)
▪ 450 phần quà tặng bệnh nhi ung thư (30/05/2008)
▪ Nỗi niềm bệnh nhân AIDS (28/05/2008)
▪ Chuyện người đàn ông... AIDS (26/05/2008)