Hanoinet - Đường Nguyễn Trãi - Hà Đông gần về đêm lạnh ngắt không một bóng người. Dưới những gốc cây xà cừ lúp xúp vài bóng áo trắng, áo đỏ đi đi lại lại.
Ánh điện mờ ảo hắt xuống những gương mặt bợt bạt son phấn. Linh - Tiếp cận viên cộng đồng - Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ Hà Nội (SKPNHN) chỉ cho tôi: “Gái cột đèn đấy chị ạ!” Chưa nói hết câu, cô đã chạy ra giúi vội túi bao cao su (BCS) vào tay một cô gái đang trèo lên xe một vị khách đi “ăn sương” muộn…
Nhật ký tiếp cận
Linh dẫn tôi vào một quán cà phê nằm sâu hút cuối đường Vương Thừa Vũ - Khuất Duy Tiến. Quán nhỏ chơ vơ giữa những dãy nhà lụp xụp mang đúng đặc trưng “café vườn”: vài bộ bàn ghế cáu bẩn, mấy chiếc ô lòe loẹt sờn rách bám đầy bụi, gác xép rộng chưa đầy 20m2 ngăn thành 7-8 ô kê một bàn, hai ghế nhựa vừa đủ “không gian” cho các đôi tình nhân. Sâu trong góc nhỏ cạnh quầy bar chen chúc hơn chục chị em đang say sưa đánh tá lả. Nắng hắt vào khung cửa soi rõ những gương mặt nhàu nhĩ xám ngoét, thâm quầng vì thiếu ngủ.
Vừa dựng xe xuống sân, thái độ Linh liền khác hẳn. Giọng cô sang sảng: “Chào các gà móng đỏ! Dạo này “công ty đóng gạch” vẫn sản xuất tốt chứ?”. Một chị hề hề đáp trả: “Kém lắm! Dạo này công an “sờ gáy” nhiều, phải “tàu lượn” suốt”. Sau màn chào hỏi chát chúa, chúng tôi phải ngồi chờ hai tiếng cho chị em ăn uống, trang điểm mới có thể bắt tay vào việc.
Chiếc bàn to giữa sân giờ lỉnh kỉnh những BCS, mẫu vật, tập ảnh hiện trạng lây nhiễm bệnh qua đường tình dục, tài liệu phòng tránh HIV/AISD. Mở đầu bài giảng, Linh thành thục hướng dẫn chị em cách đeo BCS bằng tay và bằng miệng. Trên tấm bảng fóoc trắng, cô vẽ sơ đồ con đường lây nhiễm các bệnh tình dục và cách phòng tránh: “Các chị hãy tưởng tưởng cơ thể như một công trình xây dựng ngổn ngang gạch ngói. Vius HIV khi tấn công vào cơ thể sẽ như một tên trộm mỗi ngày trèo vào lấy một viên gạch. Gạch bị rút dần, công trình yếu đi và sụp. Cũng như vậy, hồng cầu, bạch cầu mất đi, cơ thể yếu dần, không đủ sức chống đỡ bệnh tật sẽ dẫn đến tử vong”. Mấy chị em lúc trước còn nhao nhao điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nay nghe giải thích, nhìn hình vẽ, thái độ trầm xuống hẳn. Một chị ngoài 30, có vẻ là trưởng nhóm nói đế vào: “Lần sau đi biết đường mà nịnh “chúng” đeo vào nhé, không thì chết cả nút!” Một số chị em khác ríu rít tranh nhau xin BCS và đăng ký buổi sau sẽ xuống trung tâm khám các bệnh phụ khoa để chữa trị. Linh ghé tai tôi nói thầm: “Họ sợ đấy! Và để cho họ sợ mà có cách phòng tránh chính là điều thành công nhất trong những buổi tiếp cận cộng đồng như thế này”.
Phá băng chìm...
Theo kết quả điều tra của chi cục phòng chống tệ nạn xã hội HN năm 2006, có 14,9% trong số 1.280 gái mại dâm ở HN bị nhiễm HIV và một nửa trong số này đang mắc các bệnh lây nhiễm tình dục như lậu, giang mại, sùi cảo. Nhưng gần 1/3 gái mại dâm thỉnh thoảng mới dùng bao cao su, cá biệt có 5,2% cô không xài đến đồ bảo vệ.
Một việc tưởng rất nhỏ như phát BCS miễn phí và tuyên truyền họ sử dụng là rất quan trọng. Nhưng không phải người bình thường nào cũng xâm nhập vào các nhà nghỉ, khách sạn, quán cà phê, karaoke... thuyết phục chủ hàng cho gặp nhân viên để phát bao và dạy cách sử dụng.
Cô Hường- chủ nhiệm TTSKPNHN kể lại : Có lần, giáo dục viên của trung tâm vào nhà nghỉ thuyết phục, chủ hàng cho bảo kê xông ra đánh đuổi vì sợ là nhà báo, công an, chỉ điểm giả danh. Một số điểm nóng như hồ bơi Đ.L, xóm lều T.C, đầu gấu, bảo kê cài cắm khắp nơi. Nếu không phải chỗ thân quen, đừng hòng bén mảng. Tuyên truyền mà không khéo theo tâm lý của chị em sẽ bị coi là lên lớp, dạy đời. Vì thế, cả 9 tiếp cận viên của TT đều có quá khứ là gái mại dâm hoặc dân nghiện ma tuý. Chính họ sẽ là những mũi khoan chắc nhất phá từng mảng băng chìm.
Chị Hằng, tiếp cận viên quận Đống Đa giải thích thêm cho tôi : Thế giới đó có những luật lệ riêng mà chỉ những người như bọn chị mới hiểu. Ví dụ : không được đến tiếp cận vào ngày rằm, mùng một, sáng sớm hay lúc họ đang chơi bài. Tuyên truyền phải sử dụng tiếng lóng và những ví dụ đơn giản để họ dễ hiểu. Phải luôn niềm nở, kiên nhẫn, nhẹ nhàng thậm chí phải “nịnh” dù các cô có nổi khùng hay thể hiện thái độ phá đám bất cần. Tại những điểm nóng tập trung nhiều “gái cột đèn” như đường Lĩnh Nam- Giải Phóng, cuối đường Lương Thế Vinh- Mễ Trì rình rập rất nhiều nguy cơ.
Đường vào quanh co, chằng chịt ngõ hẻm lại tăm tối, ít người qua lại. Mỗi lần vào khu vực này, chị Thảo phải rủ thêm vài giáo dục viên đi cùng mà vẫn chưa hết sợ. Nghiện hút, ma cô lảng vảng đầy các ngõ tối rình mò cơ hội trấn lột, cướp của. Đáng nhớ nhất là những lần gặp “bão quét” của công an. Chị em đang phát BCS cho mấy gái cột đèn bỗng thấy cánh xe ôm rú ga hàng loạt (tín hiệu báo công an xuất hiện). Các nàng vứt vội bao nhảy vọt lên xe khách hoặc chạy nấp trong các ngõ. Chị Thảo nhớ lại: “Lúc đó, không hiểu ai xui khiến, chị cũng quăng túi chạy biến vào một ngõ. Rõ ràng mình đã có thẻ tiếp cận viên, giấy chứng nhận của TT, vậy mà vẫn sợ hãi đến vậy. Chị buông một câu chua chát: “Chắc bản năng “làm điếm” vẫn còn rơi rớt”.
Mong cho những yên bình…
Cô Hường- Chủ nhiệm TTSKPNHN ngậm ngùi giở cho tôi đọc một tin nhắn lưu trong điện thoại: “Cô đã thương yêu, đùm bọc con như mẹ ruột. Con sẽ cố gắng có nghị lực làm lại cuộc đời. Nhưng hiện tại con yếu quá, chẳng biết sống sót được bao lâu…”. Chủ nhân tin nhắn từng là tiếp cận viên năng nổ, giỏi giang nhất TT nhưng đã nghỉ làm vì virus HIV bắt đầu tàn phá cơ thể. Người đàn bà tên Mai- một loài hoa tinh khiết, trong sáng mà số kiếp lại trầm luân gắn hai chữ bạc mệnh. Chồng nghiện hút rồi chết vì sốc thuốc, gia đình ghẻ lạnh, nợ nần chồng chất…khiến chị uất chí lao vào ma tuý và mắc HIV lúc nào không hay. Trở về cộng đồng sau hai năm cải tạo, chị may mắn được nhận vào trunng tâm làm tiếp cận viên cộng đồng với tiền lương 700.000 nghìn/ tháng. Chẳng nhiều nhặn so với thu nhập hai ngày “làm gái” nhưng chị thanh thản vì đó là những đồng tiền sạch.
9 tiếp cận viên ở TT hầu hết đều gắn một số mệnh như vậy: chồng nghiện hút, bất mãn cùng lao vào hút sách rồi ra đứng đường kiếm tiền qua cơn nghiện. 3 trong số 9 chị em này đã nhiễm HIV. Những nỗi bất hạnh dường như kéo họ lại gần nhau hơn. Chị Hà- giáo dục viên TT tâm sự: Chị em yêu thương nhau lắm. Người này ốm, người kia góp tiền lại mua thuốc thang, thực phẩm, chăm sóc, đùm bọc nhau như người thân ruột thịt trong nhà. Cô Hường tiết lộ: “Sắp tới, Hội Phụ nữ TP sẽ hỗ trợ một số vốn cho các chị em làm ăn nếu họ thật sự có nguyện vọng và ý thức thay đổi. Như Linh đang ấp ủ ước mơ làm hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung, chị Mai thích nghề lái xe tắc xi, chị Hằng có nguyện vọng mở lại cửa hàng cắt tóc, gội đầu…”
Đã nửa đêm. Tôi và Linh chia tay nhau sau một ngày rã rời vì đi bộ tiếp cận. Dưới chân cột điện nơi Linh rẽ vào xóm trọ, vẫn còn hai cô gái ăn sương đứng mỏi mệt. Radio nhà ai vọng lên da diết trong đêm sâu thẳm: "Ru em giấc mộng lành/ Xin những yên bình/ Cho loài chim nhỏ/ Cao vút trời thênh thang...”. Mong sao, hai cô gái kia cũng có một đêm bình yên như vậy…
Theo Vietimes
▪ Nước mắt Chiềng Châu - Kỳ I: Cạn nước mắt vì AIDS (04/06/2008)
▪ Nước mắt Chiềng Châu - Bài 2: Bao giờ hết “bão ết” (04/06/2008)
▪ Trẻ nhiễm HIV/AIDS được cấp thẻ bảo hiểm y tế (04/06/2008)
▪ Ngày của em đâu rồi! (02/06/2008)
▪ Xa lắm, Tết thiếu nhi! (31/05/2008)
▪ Chương trình "Sáng mãi niềm tin" cùng với trẻ nhiễm HIV (31/05/2008)
▪ Nơi “con ếch” từng ngày tàn phá (30/05/2008)
▪ 450 phần quà tặng bệnh nhi ung thư (30/05/2008)
▪ Nỗi niềm bệnh nhân AIDS (28/05/2008)
▪ Chuyện người đàn ông... AIDS (26/05/2008)