Mười năm về trước, chị Phi đã tan nát cõi lòng khi phát hiện đứa con trai mới 12 tuổi đã vướng vào ma túy! Sau nhiều lần giúp con tự cai nhưng không kết quả, chị cho con đến trung tâm cai nghiện và gần như ngã quỵ khi biết cháu đã bị nhiễm HIV.
Nỗi đau chưa kịp nguôi thì không lâu sau, đứa con gái thứ năm, cũng thú thật với chị: "Con cũng giống như thằng D. rồi má ơi!".
Hóa ra, vì ham muốn hưởng thụ, có nhiều tiền mà nó đã lén mẹ đi bán bia ôm, rồi xài hàng trắng và cũng bị nhiễm HIV.
Chỉ trong vòng mười năm trời, bất hạnh đã liên tiếp giáng xuống người phụ nữ ấy và để lại những hậu quả kinh hoàng: trong số chín người con của chị thì có tới ba đứa con và một đứa cháu nội vướng vào ma túy, nhiễm HIV và ba đứa phải chịu hình án trong trại giam vì những tội khác.
"Có phải vì thiếu hiểu biết mà sanh quá nhiều con, vì quá nghèo khổ nên vợ chồng phải lo bươn chải kiếm sống mà không quan tâm dạy dỗ, bỏ bê con cái?". Nỗi dằn vặt ăn năn đó cứ ám ảnh chị suốt ngày đêm khiến chị tưởng như không thể gượng dậy nổi.
Thế nhưng chị chợt nhận ra quanh mình vẫn có những tấm lòng nhân ái, chia sẻ với gia đình mình nỗi bất hạnh.
Chị kể: "Những lần con tôi được về nhà đều được các nhân viên xã hội tận tình chăm sóc, giúp các cháu hồi phục sức khỏe và sống lạc quan hơn. Rồi được tham dự các buổi sinh hoạt chuyên đề, tiếp xúc với nhiều trường hợp đồng cảnh ngộ, tôi hiểu rằng còn những mảnh đời bất hạnh cần được sẻ chia, nâng đỡ và tôi đã tình nguyện tham gia vào nhóm Giáo dục đồng đẳng của Hội Phụ nữ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Tôi muốn biến nỗi đau riêng thành sức mạnh sưởi ấm những số phận nghiệt ngã!".
Từ đó, hằng đêm với túi tài liệu trên tay và trái tim người mẹ, chị Phi đến từng đường phố về khuya, tiếp cận với các thanh niên trạc tuổi con mình, khuyên nhủ các em biết cách tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân và cả cộng đồng biết vượt qua nghịch cảnh, giới thiệu xét nghiệm miễn phí cho những em có nhiều nguy cơ... Chị còn đến tận nhà chăm sóc cho những người nhiễm HIV đang ở giai đoạn cuối...
Công việc ấy ban đầu còn gây cho chị sự hiểu lầm, dè bỉu của không ít người chung quanh. Chị chỉ khóc thầm và bền bỉ tin rằng rồi có lúc sẽ không còn sự phân biệt kỳ thị đối với người bệnh và cả những ai tự nguyện chăm sóc người bệnh. Nguồn an ủi lớn nhất đối vối chị là: Hội Phụ nữ quận Gò Vấp luôn động viên chị, mỗi lúc chị khó khăn lại giúp chị mượn tiền đóng cho con gái học nghề ở trại cai nghiện, hỗ trợ vốn để chị bán cà phê, mua vật liệu may đồ v.v...
Bên cạnh chị là ông xã - anh Sao Phi Môhamét (gốc Ấn Độ) - rất thương vợ, động viên và hỗ trợ chị hết lòng. Tên của chị là Lê Ngọc Giang, thường gọi là Phi vì theo tên chồng). Ước mơ lớn nhất của chị bây giờ là mình có sức khỏe để "tiếp sức" cho những người cùng cảnh ngộ; mong có nhiều tấm lòng rộng mở đón nhận, giúp các em vướng vào ma túy vơi đi mặc cảm lỗi lầm, trong đó có những đứa con chị đang ở một nơi không xa lắm...
|