BS Cường khám bệnh cho một học viên - Ảnh: Thái Bình |
Phòng khám nửa đêm
20g, bác sĩ (BS) Tấn Cường phóng xe xuống đội 1. Hơn 20 học viên (HV) đang đợi anh với đủ thứ bệnh trên đời. C. than “nhức đầu, chóng mặt, ăn cơm hổng nổi”; P. bảo “sốt cao, đau bụng, tiêu chảy”, P. giơ cái đầu trọc lóc: “Chắc con bị AIDS quá BS ơi!”... Thấy HV T. gầy nhanh quá, BS Cường khuyên “nhớ giữ gìn sức khỏe”. Nữ điều dưỡng Thu Ba cấp thuốc và chỉ dẫn cách uống chu đáo. “Cảm ơn má!”, một số HV lễ phép.
Ở đội 2 cũng hơn 20 bạn HV đang chờ. P. cứ ho khù khụ, làm động tác “hít sâu, thở đều” vài lượt đã than mệt. Còn K. cứ gãi sồn sột khắp người... Vừa thăm khám, BS Cường vừa hỏi thêm đủ thứ chuyện, từ gia cảnh đến học hành, kế hoạch tương lai. Thật là vui khi HV M. ngây ngô đọc “biểu diễn” bảy hằng đẳng thức đáng nhớ trong toán học. “Mai mốt hồi gia ráng bỏ ma túy nghe...”, BS Cường chân thành với một bạn khi chia tay.
22g, các BS rảo vòng quanh khu vực chăm sóc y tế tập trung. Nữ BS Kim Chi cho biết hiện có 120 HV đang nằm điều trị tại đây, trong đó hơn 40 bệnh nhân lao được cách ly, bốn bệnh nhân tâm thần. 2g sáng, BS Chi rảo thêm một vòng nữa. Thấy T. ngồi trên giường bệnh ho thốc, thở dốc, BS Chi ghé lại xem mạch, cặp nhiệt kế, hỏi han. “Từ giờ tới sáng chưa biết còn chuyện gì xảy ra” - BS Chi cho biết.
Stress và niềm vui
Ngoài Trung tâm Nhị Xuân, các TNXP “áo trắng” làm việc tại các cơ sở cai nghiện khác (Lực lượng TNXP TP.HCM hiện có tám cơ sở cai nghiện ở ngoại thành TP.HCM, Bình Dương, Lâm Đồng, Đắc Nông) cũng chịu nhiều thiệt thòi: áp lực công việc nặng nề, thiếu điều kiện phát triển nghề nghiệp chuyên môn, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, thu nhập không bằng ngoài “đời”. Không ít BS trẻ đã đến rồi đi... Ông HOÀNG VĂN THIÊN |
Trung tâm Nhị Xuân có hơn 20 nhân viên y tế để chăm sóc sức khỏe hơn 2.000 HV, CB-CNV và người dân xung quanh, “kiêm” luôn công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Mỗi ca trực của TNXP “áo trắng” kéo dài liên tục 24 giờ với chỉ hai BS và ba điều dưỡng viên.
Cách đây 3-4 năm, khi trung tâm nhận ồ ạt HV vào cai nghiện, họ vừa quay cuồng với công việc cắt cơn giải độc lại vừa phải hỗ trợ tâm lý từng bệnh nhân.
BS Kim Anh, nguyên trưởng phòng y tế trung tâm, nhớ lại: “Công việc khi ấy rất nặng nề, đã vậy một số HV bất hợp tác, không có bệnh lại khai bệnh, có bệnh lại không muốn khai”. Các nhân viên y tế đến giờ còn nhắc mãi chuyện nữ BS Hồng Tuyến bị bệnh nhân gí mũi kéo uy hiếp đòi được trở lại với “đời”.
Hầu hết nhân viên y tế có tuổi đời dưới 35. BS Kim Chi kể những ngày ấy cô luôn có một đồng nghiệp ngồi bên cạnh cho đỡ... sợ. Nỗi sợ không phải mơ hồ, thực tế chỉ riêng năm 2004 đã có tới năm nhân viên phải điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV.
Mỗi ngày với họ là một ngày đối diện với những căng thẳng. BS Cường cho biết: “Có HV buồn chuyện gia đình hay biết nhiễm HIV đã tự hủy hoại thân thể”. Nhưng điều trăn trở nhất là những cuộc chia tay trong nước mắt. BS Chi nhớ mãi lời vĩnh biệt não lòng của một HV: “Chắc con không sống nổi nữa rồi, BS ơi!”.
Ở Trung tâm Nhị Xuân, các HV gọi họ là “ba”, “má” và xưng “con” dù rằng tuổi đời của hai bên gần như bằng nhau. T. bộc bạch: “Tôi bị AIDS, gia đình bỏ rơi, vậy mà má Ba vẫn ân cần rửa vết loét cho tôi”. Hay như nữ hộ lý Thanh Thủy mỗi ngày âm thầm giặt giũ những bộ quần áo, drap trải giường đầy chất dịch của bệnh nhân AIDS… Họ đã từ chối tất cả cơ hội hấp dẫn ngoài “đời” để tiếp tục đồng hành với những số phận trẻ.
“Cực khổ, nguy hiểm đấy nhưng có niềm vui sống trong tình thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau của những đồng đội cùng màu áo TNXP” - người TNXP “áo trắng” Kim Chi tâm sự.
THÁI BÌNH
▪ Người thầy của những phạm nhân AIDS giai đoạn cuối. (24/03/2005)
▪ Ngôi nhà của "ngày mai tươi sáng" (23/03/2005)
▪ Vượt qua nỗi đau, làm lại cuộc đời (20/03/2005)
▪ CON ĐƯỜNG SỐNG CỦA MỘT NGƯỜI BIẾT MÌNH SẼ CHẾT (09/03/2005)
▪ Cùng con vượt qua thác ghềnh (14/02/2005)
▪ Tết của những người làm lại cuộc đời (04/02/2005)
▪ Giải pháp nào căn cơ hơn? (03/02/2005)
▪ Những tâm hồn đang hồi sinh (30/01/2005)
▪ Tìm hạnh phúc trong nỗi tuyệt vọng... (25/01/2005)
▪ Trang trại cai ma túy (11/01/2005)