Cứu tinh của người nghiện
Các Website khác - 28/03/2005
Các học viên cai nghiện ma túy tại Trường 5 chế biến hạt điều

"Nếu không vào đây, chắc chắn tụi tôi không còn mấy người được sống đến ngày hôm nay…" - đó là tâm sự của H.M.K, cũng là ý nghĩ của phần lớn học viên đang cai nghiện ma túy tại các cơ sở thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TP Hồ Chí Minh.


Tuy đã có một thời gian dài trượt trong vũng lầy ma túy nhưng phần lớn học viên của Trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 5 đều hồng hào khỏe mạnh. Tận mắt chứng kiến bữa ăn của học viên, chúng tôi càng cảm nhận được tình cảm mà những cán bộ, đội viên TNXP dành cho các học viên. Theo quy định, tiền ăn của mỗi học viên chỉ có 5.000 đồng/ngày, tức mỗi bữa ăn chỉ vỏn vẹn 1.500 đồng bao gồm cả tiền chất đốt. Thế nhưng trên mỗi bàn ăn dành cho 6 học viên là một thau cơm trắng, một thau canh bầu và một tô thức ăn mặn gồm thịt heo và tàu hũ kho chung. Ông Huỳnh An Trung, Giám đốc trường cho biết: "Tiền ăn được nhà trường bù từ trại heo hơn 300 con, từ 1,2 ha mặt nước nuôi cá và 6 ha trồng rau xanh, các sản phẩm đưa vào bếp ăn thấp hơn giá thị trường hơn 20% nên mới được như thế...". Trầm ngâm hồi lâu, ông Trung tâm sự: "Nhà trường sẽ nỗ lực tối đa để cải thiện bữa ăn cho học viên, nhưng về lâu về dài chúng tôi sẽ khó kham nổi. Thành phố cần có chủ trương đầu tư vốn nhiều hơn để chúng tôi tổ chức cho học viên lao động, sản xuất...".

Y sĩ Điểu N Tôi chăm sóc sức khỏe cho học viên

Đợi học viên ăn xong bữa cơm chiều, chúng tôi đến trò chuyện với một nhóm đang ngồi uống trà nói cười vui vẻ. Học viên N.M.H, sinh năm 1966, nhà ở phường 1, quận Phú Nhuận không ngần ngại kể cho chúng tôi nghe chuyện riêng của mình. Vốn là một thợ hồ có tay nghề cao nên anh không bao giờ thất nghiệp. Cần cù, tích cóp, mỗi tháng H. cũng mang về cho vợ con gần 2 triệu đồng. Tai họa xảy đến trong một lần ngồi uống cà phê với bạn bè, H. được rủ hít heroin. 3 ngày đầu, H. cảm thấy hưng phấn nhưng chỉ khoảng 1 tuần sau, anh bắt đầu cảm thấy yếu sức và lệ thuộc hoàn toàn vào ma túy. Từ đó, mỗi tháng anh không còn mang tiền về lo cho vợ con, làm được bao nhiêu, anh dùng để mua thuốc. Không còn tiền, H. về nhà mang ti vi đi bán thì bị vợ phát hiện. Sau gần 2 năm khuyên răn, động viên để mong chồng đoạn tuyệt với ma túy không được, vợ H. đã đưa con về quê ở Đồng Tháp. Từ đó, H. lang thang, vật vờ cho đến một hôm bị công an tập trung đưa đi cai nghiện. Sau hơn 2 năm ở trường, H. đã hồng hào khỏe mạnh trở lại. Tay nghề nên hiện nay H. được giao làm tổ trưởng tổ xây dựng của học viên. H. báo cho chúng tôi tin vui là anh được nhà trường thưởng phép về Sài Gòn trong dịp tết vừa qua, vợ anh đã hứa sẽ trở về đoàn tụ nếu H. thực sự trở thành người tốt.

Để giành lại những thanh niên tràn đầy sức khỏe, yêu đời từ những con nghiện, các cán bộ, đội viên TNXP đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi và công sức, thậm chí có nhiều đội viên TNXP hằng ngày phải tiếp xúc với nhiều học viên mang trong mình nhiều loại bệnh truyền nhiễm, trong đó có cả virus HIV. Y sĩ Điểu N Tôi, dân tộc Mơ Nông là một người như thế. Điểu N Tôi nguyên là chiến sĩ quân y Đồn biên phòng 767, năm 1999 do hoàn cảnh gia đình khó khăn anh xin ra quân, sau đó xin vào công tác ở Trường 5, hiện phụ trách mảng phòng chống lao cho học viên. Anh cho biết, lúc đầu tiếp xúc với các học viên nhiễm HIV, anh và gia đình rất lo. Nhưng rồi trước sự vật vã đau đớn của bệnh nhân lúc lên cơn, N Tôi lại lao vào công việc. Anh nói: "Nhìn các học viên xanh xao, suy sụp trước sự tàn phá khốc liệt của ma túy, tôi rất đau lòng. Cứu được ai dù có khó khăn nguy hiểm đến đâu chúng tôi cũng sẵn lòng chấp nhận...".

Ghi chép của Tấn Tú