Đám cưới đầu tiên của người nhiễm HIV ở Điện Biên
Các Website khác - 09/04/2010
 
Nhiều bạn bè, người thân đã đến chia vui cùng cô dâu và chủ rể Hà, Lợi. Ảnh: H.A

ĐBP - Khát khao mái ấm gia đình và hơn cả là sự đồng cảm, sẻ chia, Hà và Lợi đã chính thức về sống chung một nhà bằng một đám cưới được tổ chức đầu tháng 3/2010. Lễ thành hôn của họ không quá ồn ào nhưng cũng tràn ngập niềm vui, hạnh phúc như bất cứ đôi uyên ương nào, mặc dù cả cô dâu và chú rể đều biết rõ mình đang mang căn bệnh thế kỷ...

Tâm sự của cô dâu HIV

Nếu không được giới thiệu trước, tôi không thể nghĩ cô gái khỏe mạnh, tươi cười rạng rỡ trước mặt mình đang mắc căn bệnh thế kỷ. Trong bộ váy cô dâu, Tòng Thị Hà, 27 tuổi, ở bản Pa Pe, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên không giấu được sự hồi hộp trước khi về nhà chồng. Cô chia sẻ, cả đêm trước đã không ngủ được phần vì đám cưới đông vui, phần vì rất hồi hộp nhưng niềm vui có lẽ vẫn là lớn nhất khi mình tìm được sự sẻ chia, đồng cảm.

Kể về những ngày đầu phát hiện mình mắc căn bệnh thế kỷ, Hà bảo không thể nào gượng dậy để sống đến hôm nay nếu không có sự chia sẻ, động viên của người bạn thân và sự quan tâm, chăm sóc của gia đình. Vốn là sinh viên Trường Cao đẳng Y tế tỉnh, Hà phát hiện mình mắc bệnh khi tham gia hiến máu tình nguyện năm 2004. Xác định nguyên nhân lây bệnh, Hà rất thẳng thắn khi thổ lộ mình đã yêu một người nghiện ma túy. Hà bảo, khi đó gia đình đã hết sức ngăn cản cô nhưng có lẽ vì tình yêu nên cô vẫn tiếp tục mối tình và cố gắng giúp người yêu cai nghiện nhưng không thành. Anh ấy cũng đã mất năm 2007 rồi. Người đã mất cũng chẳng nên trách cứ gì nhiều - Hà trầm ngâm khi kể về người yêu cũ và cũng là người đã làm mình mắc bệnh. Khó khăn nhất là lúc phát hiện mình mắc bệnh lại đúng thời điểm sắp tốt nghiệp ra trường, Hà tưởng mình không thể hoàn thành chương trình học được nếu không có sự động viên của một người bạn thân và gia đình. Đã có lúc nghĩ đến chuyện tự tử nhưng rồi sự quan tâm, động viên, chăm sóc của bố mẹ đã khiến Hà nghĩ lại.

Sau khi tốt nghiệp, Hà tình nguyện xin về công tác tại một huyện vùng cao, cách nhà hơn trăm cây số. Nhưng rồi thông tin về cô y tá mắc căn bệnh thế kỷ vẫn lan ra khắp địa phương nơi Hà công tác. “Thời gian đó, cứ mỗi lần ra đường là em lại bị người ta nhìn ngó, cứ như xem mặt kẻ trộm cắp vậy. Tiền lương mới ra trường của em lúc đó hầu như chỉ đủ tiền đi xe về thăm nhà vào cuối tuần, còn lại toàn bộ sinh hoạt phí bố mẹ chu cấp cho em. Không thể chịu đựng được sự kỳ thị của mọi người, em đã cố gắng xin chuyển công tác, tìm một công việc phù hợp với mình”. Và hiện nay, Hà rất vui vẻ và tận tâm với công việc của một tư vấn viên phụ trách hoạt động của các nhóm đồng đẳng ở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS.

Đám cưới đầu tiên của người nhiễm HIV ở Điện Biên

Đưa cho tôi xem tập ảnh cưới, Hà khoe: Chú rể - anh Lương Đình Lợi ở phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) - rất kiên trì theo đuổi và quyết tâm nên đã dần dần thuyết phục được Hà đi đến hôn nhân. Hà bảo: “Sau khi xác định lập trường, không nghĩ đến chuyện tự tử nữa nhưng em chỉ muốn mình sống để đền đáp công ơn cha mẹ đã sinh thành và nuôi dạy mình mấy chục năm trời, chứ chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện kết hôn”.

Sau khi chuyển công tác về Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, một phần là tìm được công việc phù hợp phần vì nhận được sự chia sẻ, cảm thông của mọi người nên Hà gần như “lột xác”. Cô hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, tư vấn, phát thuốc cho những người cùng cảnh ngộ; năng động trong các phong trào đoàn thể của cơ quan. Và cũng từ đây, khi sang lấy thuốc ARV (thuốc điều trị làm chậm sự phát triển của virus HIV) anh Lợi đã quen Hà. Nhiều lần anh Lợi cố ý ngồi lại tán chuyện với Hà rồi ngỏ lời nhưng Hà đều từ chối, vì nghĩ rằng cả hai người đều không nên đến với nhau. Nhưng rồi sự chân thành và quyết tâm của anh Lợi đã làm Hà xiêu lòng. Đám cưới của hai người được tổ chức với sự chúc mừng, chia vui của gia đình hai bên, đồng nghiệp, người thân và cả các bạn đang sinh hoạt trong các câu lạc bộ đồng đẳng. Chứng kiến cô dâu, chú rể trao nhẫn cưới cho nhau, nhiều bạn cùng cảnh ngộ vừa chia vui vừa tỏ rõ sự ngưỡng mộ, thèm thuồng khi bạn mình tìm được người bạn tri kỷ cùng chia sẻ buồn vui.

Động lực lớn nhất để đi tới hôn nhân của Hà và Lợi có lẽ là khát vọng được đồng cảm, sẻ chia và một mái ấm gia đình. Đây cũng là đám cưới công khai đầu tiên của hai người nhiễm HIV ở Điện Biên. Ngoài việc mong nhận được sự chia sẻ, cảm thông và không kỳ thị đối với người nhiễm HIV, Hà còn rất khát khao được làm mẹ. Vẫn biết chuyện có con đối với hai người cùng nhiễm HIV là rất khó khăn nếu không có sự can thiệp của các kỹ thuật y tế hiện đại với chi phí tốn kém; nhưng Hà vẫn hy vọng việc tuân thủ phác đồ điều trị, uống thuốc nghiêm ngặt và sự hỗ trợ của Dự án Phòng chống lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con, sẽ giúp cô đạt được mong muốn.

Dự tính sau lễ cưới, hai vợ chồng sẽ cùng chăm lo ổn định kinh tế gia đình, động viên, chăm sóc nhau. Với kiến thức trong nghề y, Hà sẽ là người chăm sóc tốt nhất cho anh Lợi. Để ổn định cuộc sống gia đình, Hà vẫn tiếp tục công việc của mình ở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS còn anh Lợi có tấm bằng nghề cơ khí, hai vợ chồng dự định mở xưởng cơ khí nhỏ để anh Lợi quản lý.

Lời kết

Tâm lý kỳ thị, xa lánh người nhiễm HIV hiện vẫn còn rất phổ biến trong xã hội. Điều đó làm cho những người mắc căn bệnh này càng khó hòa nhập cộng đồng, đôi khi dồn họ tới tâm lý tiêu cực, bất cần...Đám cưới của Tòng Thị Hà và Lương Đình Lợi - hai người bệnh HIV nương tựa vào nhau, bao bọc cho nhau; cũng là lý do để chúng ta nghĩ lại, thay đổi cách nhìn nhận, cư xử với người nhiễm HIV...

Hà Anh