Một người đã 11 năm sống chung với HIV/AIDS, một người đang ở giai đoạn cuối vì bị lây nhiễm từ chính người chồng của mình mà không biết. Họ đã hoà nhập với cộng đồng, trở thành những đồng đẳng viên tích cực, giúp cộng đồng phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS bằng chính những trải nghiệm của bản thân.
Anh Nguyễn Hữu Việt đang trò chuyện với tác giả.
Người thứ nhất: Đã từng tìm đến cái chết
Người phụ nữ chúng tôi gặp có vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt sắc sảo. Có lẽ, chính những đau đớn mà chị trải qua đã khiến cho nghị lực sống của chị mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Là thành viên tích cực của Câu lạc bộ nghệ thuật Niềm tin - Câu lạc bộ hoạt động, tuyên truyền về HIV/AIDS bằng hình thức nghệ thuật, nhân viên tư vấn của Bệnh viện Nhi Trung ương, dù căn bệnh đang ở giai đoạn cuối nhưng chị Thanh Thuỷ trở thành biểu tượng đẹp cho khát vọng sống, hòa nhập cộng đồng của những người có HIV.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, học hết cấp 3, chị Nguyễn Thanh Thủy (thị trấn Đông Anh, Hà Nội) làm công nhân Xí nghiệp Giày da. Cuộc đời chị sẽ chẳng có gì thay đổi nếu chị không gặp và yêu anh.
Biết anh nghiện ma túy, gia đình chị kịch liệt phản đối nhưng chị luôn hy vọng tình yêu mà chị dành cho anh sẽ giúp anh vượt qua sự cám dỗ của ma túy. Đám cưới năm 2000 là kết quả của mối tình đẹp giữa anh và chị.
Năm 2002, đứa con trai kháu khỉnh ra đời trong niềm vui và hạnh phúc của cả hai gia đình. Thế nhưng, tai họa bắt đầu đổ xuống tổ ấm nhỏ bé của chị Thủy.
Chị nhớ lại: Đầu năm 2003, anh bắt đầu ốm liên tục, sức khỏe của anh yếu dần, cơ thể lở loét. Lúc này, chị mới biết anh đã bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối… Khi anh mất, hàng xóm, bạn bè và đồng nghiệp đều xa lánh chị. Không ai chơi với mình, không ai dám ăn cơm chung, chị sống dật dờ như cái bóng.
Anh ra đi được 6 tháng, chị mang đứa con trai đi xét nghiệm, mong một điều kỳ diệu sẽ xảy ra nhưng rồi mọi cánh cửa của cuộc sống như đóng sập lại với người phụ nữ nhỏ bé ấy. Chị đã từng bế con lên tầng hai định tự tử nhưng khi nhìn đứa con nhỏ khóc, chị ân hận nghĩ rằng mình không có quyền tước đoạt quyền sống của nó.
Chị ứa nước mắt khi tâm sự với chúng tôi: "Có một lần cháu chơi ngoài vỉa hè, vấp ngã. Mọi người đi qua, vây quanh cháu nhưng không ai dang tay ra nâng cháu dậy...".
Đứa con - mầm sống nhỏ bé ấy thôi thúc trong chị nghị lực vùng lên sống mạnh mẽ. Năm 2006, khi Dự án tuyển người cho sân khấu dành cho những người có HIV/AIDS do Câu lạc bộ nghệ thuật Niềm tin tổ chức, chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia thi tuyển và trở thành thành viên của câu lạc bộ.
Bằng những buổi giao lưu, biểu diễn văn nghệ tại các trường đại học, các tỉnh thành trên cả nước, chị Thủy đã tâm sự, mang chính những trải nghiệm của mình kể các bạn trẻ. Ngoài ra, chị còn tư vấn, giúp đỡ các bà mẹ, trẻ em có HIV/AIDS - những người phụ nữ, em nhỏ đang phải chịu hoàn cảnh như chị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Người thứ hai: Làm lại cuộc đời vì con
Đó là tâm sự chân thành của anh Nguyễn Hữu Việt (phường Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng) - một đồng đẳng viên tiêu biểu tại Diễn đàn Giáo dục viên và đồng đẳng viên do Cục Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam - Bộ Y tế tổ chức ngày 28/11.
Mới 31 tuổi, thế nhưng anh Việt đã có 11 năm sống chung với HIV/AIDS. Câu chuyện về con đường lầm lỗi dẫn đến bị nhiễm HIV/AIDS của anh Việt có lẽ không phải là câu chuyện hi hữu, nhưng cách mà anh sống chung với căn bệnh nan y này khiến mọi người không khỏi nể phục.
Là con út 8 anh chị em trong một gia đình bố mẹ đều làm công việc buôn bán tại Hải Phòng, kinh tế gia đình khá dư giả nên Việt đã nhanh chóng bị lũ bạn xấu lôi kéo vào con đường hút chích khi mới 19-20 tuổi.
Trong một lần đi tham gia xuất khẩu lao động nước ngoài, anh mới biết mình đã bị nhiễm căn bệnh quái ác. Thật may mắn là vợ và con anh đều âm tính với HIV. Thương người vợ trẻ và con gái, anh đã tự nguyện làm đơn ly dị, sống một mình.
"Tôi đã từng 5 lần tự tử nhưng không thành bởi lúc đó biết mình có HIV cũng như là cái chết cận kề…". Nhưng rồi, sự động viên, giúp đỡ của gia đình, đặc biệt là cô con gái nhỏ đã giúp anh Việt dần lấy lại lòng tin vào cuộc sống.
Nhưng phải đến lần thứ hai, năm 2004, anh mới cai nghiện thành công. Trở về với cộng đồng, anh Việt đã tham gia tập huấn các kiến thức liên quan đến HIV/AIDS và trở thành nhân viên tiếp cận cộng đồng của Dự án phòng chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới tài trợ hai năm tại Hải Phòng.
Công việc của anh Việt là phát bơm kim tiêm sạch, thu bơm kim tiêm bẩn, phát bao cao su, tờ rơi truyền thông cho những người sử dụng ma túy, gái mại dâm, những người có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao trên địa bàn TP Hải Phòng, khuyên họ tự giác đến các trung tâm xét nghiệm HIV/AIDS.
Nhiều người ban đầu tỏ ý nghi ngờ về việc các anh làm, không chịu hợp tác, nhưng rồi, bằng chính những trải nghiệm của bản thân, hiểu được tâm lý của những người nghiện, anh Việt đã thuyết phục và giúp đỡ họ.
Kết quả, mỗi ngày, anh Việt tiếp cận từ 16-18 khách hàng, số bơm kim tiêm sạch được phát ra là 60-80 chiếc. Ngoài ra, Nguyễn Hữu Việt còn là một thành viên tích cực của câu lạc bộ chăm sóc hỗ trợ người sau cai của TP Hải Phòng
Lời kết
Không đầu hàng số phận, những đồng đẳng viên phòng chống HIV/AIDS như anh Nguyễn Hữu Việt, chị Nguyễn Thanh Thủy đã vượt qua nỗi đau của chính bản mình, giúp đỡ những người đã từng dính vào vòng xoáy của ma túy, bị lây nhiễm HIV/AIDS làm lại cuộc đời. Trong họ luôn có một niềm tin vững chắc: Cuộc sống không bao giờ có ngõ cụt
Theo Gipa
▪ Hoa Hải Đường – Chung lòng vì tương lai (26/11/2008)
▪ Lỗi lầm đâu tại các em! (05/12/2008)
▪ Vì biết quý cuộc sống! (05/12/2008)
▪ Đào tạo người có HIV thành điều dưỡng viên (04/12/2008)
▪ Người cán bộ trại giam tận tâm (04/12/2008)
▪ Nhà sư tư vấn AIDS (02/12/2008)
▪ Hơn 3 tỷ đồng ủng hộ người nhiễm HIV/AIDS (02/12/2008)
▪ Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12:Khát vọng sống của nữ bác sĩ có HIV (01/12/2008)
▪ Nghị lực của người đàn bà góa 21 tuổi (28/11/2008)
▪ Kỳ thị - nỗi đau vô hình của người nhiễm HIV (28/11/2008)