Vì biết quý cuộc sống!
Các Website khác - 05/12/2008
 
Mang trong người virus của căn bệnh thế kỷ, nhưng 3 người phụ nữ bé nhỏ ấy đã không để mình mãi chìm trong thất vọng và nước mắt


Phạm Thị Huệ ở điểm nuôi tu hài

Trong câu chuyện với họ, ai cũng nhắc đến thời gian đầu mới phát hiện bệnh phải sống trong nỗi mặc cảm và sự kỳ thị của cộng đồng. Ai cũng có những lúc tưởng chừng không vượt qua nổi. Mà thái độ kỳ thị ấy, chỉ càng góp phần làm lây lan đại dịch HIV/AIDS. 

Mô hình phát triển kinh tế cho người nhiễm HIV
Năm 2001, khi Huệ đón đứa con đầu lòng chào đời thì phát hiện mình bị lây nhiễm HIV từ chồng. Tai họa khủng khiếp giáng xuống cô gái trẻ mới 21 tuổi, làm cho cô đau đớn tột bậc. Hoang mang, hãi hùng vì chưa hiểu rõ căn bệnh, lại còn phải đau đớn đối mặt với sự xa lánh, ghẻ lạnh từ những người xung quanh. Thế rồi, cô đã gượng dậy, dám công khai tình trạng có HIV của mình, sống tự tin và còn giúp được những người cùng hoàn cảnh. Cô chính là người đã lập ra nhóm Hoa phượng đỏ- nhóm đồng đẳng của những người nhiễm HIV ở Hải Phòng, hiện có 130 thành viên. Năm 2004, Huệ đã được tạp chí Times (Mỹ) bầu chọn danh hiệu “Anh hùng châu Á” vì những nỗ lực tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng.

Những ngày này, gặp lại Huệ, thật mừng thấy cô vẫn khoẻ mạnh và xinh đẹp, thậm chí còn có phần tươi tắn hơn hồi năm 2005 khi cô đến VOVNews giao lưu với độc giả. Huệ khoe, cô vẫn chưa phải dùng thuốc điều trị: “Mọi người cứ hỏi em có bí quyết gì. Thực ra em chẳng có bí quyết gì ghê gớm. Khi mình vượt qua mặc cảm, đầu óc thoải mái, tham gia hoạt động xã hội, đi mọi nơi, gặp mọi người, nhận được sự động viên, đấy là liều thuốc tinh thần quý giá. Em luôn tạo cho cuộc sống thoải mái, không nghĩ đến bệnh tật. Nhiều khi em quên mình là người nhiễm HIV!”.

* Trong cuộc giao lưu trực tuyến tại VOVNews, mọi người đã rất xúc động khi Huệ nói về sự thiệt thòi của những đứa con có cha mẹ nhiễm HIV…

Thực ra mấy năm đầu mọi người vẫn có sự e dè, sợ hãi khi tiếp xúc với con của em. Em rất muốn

 

 

không chỉ với con em, mà với tất cả những đứa trẻ khác đang phải chịu ảnh hưởng của đại dịch thế kỷ này, mong sao cộng đồng hãy hiểu đúng và có thái độ đúng mực. Đứa trẻ không làm gì nên tội.


Luôn với nụ cười lạc quan

Nếu cộng đồng không cảm thông, không gần gũi, không chia sẻ thì những người nhiễm HIV sẽ mặc cảm, không công khai tình trạng nhiễm HIV của mình, chắc chắn cuộc đấu tranh chống HIV sẽ nhiều khó khăn hơn.

Thời gian qua, nhóm em đi tuyên truyền về Luật phòng, chống HIV/AIDS; đặc biệt nói về quyền và trách nhiệm của người nhiễm HIV, trong đó có quyền đi học của các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi HIV.

Thời gian trước, các cháu con của người nhiễm HIV đến trường, một số nhà trường đề nghị phải xét nghiệm cho các cháu, một số trường cho rằng các phụ huynh khác sẽ sợ khi thấy con họ học cùng với con của chúng em. Nhưng rồi nhờ các hoạt động truyền thông, ở Hải Phòng luôn có cán bộ Hội Phụ nữ theo sát, đi cùng nhóm đến các trường học, giải thích, tuyên truyền, và sự kỳ thị đã giảm đi rõ rệt. Hiện nhóm có 3 cháu bị nhiễm HIV mà vẫn đi học bình thường.

* Mới chỉ có 3 cháu được đi học cùng trẻ em bình thường, con số ấy nhỏ quá…

Vâng, đó là con số quá khiêm tốn so với số lượng nhiễm HIV hiện nay. Tuy nhiên đó cũng là điều đáng mừng, khi trong các trường học người ta  biết rõ các cháu nhiễm HIV nhưng các cháu vẫn học hành và chơi đùa với các cháu khác. Đây là những câu chuyện thực tế để có thể nhân rộng hơn nữa ở các địa bàn, các trường học khác.

* Được biết, gần đây, nhóm còn có những dự án làm kinh tế?

Mô hình phát triển kinh tế cho người nhiễm HIV của nhóm mới được xây dựng năm 2007 và triển khai vào năm 2008.

Xưởng may làm việc từ tháng 7/2007 đến nay, giúp 10 phụ nữ  nhiễm HIV có việc làm ổn định, có thu nhập từ 1 triệu-1,5 triệu đồng/tháng. Vừa qua nhóm xin mở rộng xưởng may, nhà xưởng đã xây xong, có thể tiếp nhận 20-30 người nhiễm HIV nữa vào làm việc. Mối hàng cũng đã có.

Dự án nuôi tu hài ở Cát Bà hiện đang có 6 nhân công phục vụ, thu nhập 1,5 triệu đồng/người. Chính dự án nuôi tu hài còn  cung cấp cho Hoa phượng đỏ nguồn kinh phí để hỗ trợ cho 200 trẻ bị ảnh hưởng bởi đại dịch HIV/AIDS: trợ cấp gạo ăn hàng tháng và quần áo, sách vở, tiền cho các cháu vào đầu năm học. 

Đã có lúc khổ sở vì “tự kỳ thị chính mình”
Bác sĩ Bùi Thị Kim Cúc sinh năm 1973, hiện là trạm trưởng trạm y tế thị trấn Cái Rồng, Quảng Ninh.


Suốt 5 năm trời, chị giấu kín mọi chuyện và sống trong dằn vặt...

 

Khi người chồng chị mất vì bệnh AIDS, người xung quanh đều nghi Cúc cũng đã bị nhiễm. Sợ bị mất việc, sợ mọi người xa lánh, Cúc giấu kín tình trạng nhiễm HIV của mình, nhưng trong lòng luôn dằn vặt, đau khổ- điều mà chị gọi là “tự kỳ thị chính mình”. Chị đã sống 5 năm trời như vậy. Nghĩ lại giai đoạn đó, Cúc tâm sự: “Bây giờ nhớ lại, cứ tự hỏi sao mình không công khai sớm hơn để có thể sống thoải mái như bây giờ?”.

Ngoài công việc ở cơ quan, ngoài giờ chị còn mở một phòng tập thể dục thẩm mỹ để chị em xung quanh đến tập và bản thân mình rèn luyện giữ sức khoẻ.

* Cuộc sống hiện tại của chị ra sao?

Thì cũng bình thường. Tuy rằng không còn chồng nhưng còn con. Hai mẹ con tôi sống với ông bà ngoại của cháu.

* Là bác sĩ, chị làm gì để giúp những người nhiễm HIV?

Mình đem kiến thức mình có để tư vấn cho mọi người, rồi chăm sóc người có H, người bị ảnh hưởng bởi H. Thực tế, nhiều người có H vẫn nhiều năm không phải dùng thuốc. Họ nên sống cuộc sống tinh thần thoải mái, sinh hoạt lành mạnh, ăn uống điều độ.

* Chị có thấy sự kỳ thị của cộng đồng đối với người nhiễm HIV thay đổi nhiều không?

Nơi tôi sống, sự kỳ thị đã giảm nhiều, ví như trước đây 10 phần thì nay chỉ còn 1... Ví dụ như trước đây những người xung quanh không dám uống nước với mình, không ngồi chung một ghế, nay thì họ không e ngại nữa. 

Chị Cúc tại phòng tập (ảnh: Phạm Hoài Nam)


Hạnh phúc lại mỉm cười
Đỗ Thị Thùy Mỵ sinh năm 1979, ở huyện Châu Phú, An Giang.

Chồng Mỵ mất cách đây 6 năm vì bệnh AIDS. Mỵ cùng từng kề cận cái chết do nhiễm lao rất nặng. Nhưng rồi do được điều trị thuốc ARV, cô đã hồi phục. Hàng ngày, Mỵ bán hàng bún một buổi, một buổi đạp xe đi tuyên truyền, thăm hỏi người nhiễm HIV.


Sáng bán bún...

 

Mỵ kể: “Hồi mới biết em bị nhiễm HIV, hàng xóm họ sợ. Bán cục nước đá không được, bán đường bột ngọt không ai mua, bán bún càng chẳng ai dám ăn. Một hôm, có cháu bé trong xóm lại mua nước đá, bà ngoại nó la: “Sao mày qua đó mày mua, bịnh SIDA đó, mày về mày uống nó lây cho mày!”. Em buồn quá. Không bán hàng nữa mà vô đồng trồng bí đỏ. Mùa nước, em sống với ba em ở trỏng. Ba thấy cuộc sống của con gái buồn quá, ba thương mà an ủi: “Kệ, việc tới đâu hay tới đó, miệng đời mà con!”.

Lúc đó, có bác sĩ Hạnh- trạm trưởng y tế xã tới, nói em đừng có buồn, tương lai mình còn dài... Em nghe ra, phấn đấu lên. Em mang ơn bác sĩ Hạnh nhiều lắm!”.

Khi Mỵ đi tuyên truyền, chăm sóc người có HIV tại nhà, thì người ta đến tìm cô nhiều. Người đời vẫn tiếp tục đàm tiếu. Mỵ kể: “Có một ông nói: “Mày đi tới đâu, người ta bịnh tới đó”! Em ôn tồn nói lại: “Không phải, con đi để tuyên truyền chứ không phải con đi tới đâu người nhiễm tới đó”. Sau  một thời gian thì phát hiện cháu ông ta bị nhiễm, ổng ra nói em đi kiếm thuốc. Em phải giải thích: “Con chỉ tư vấn, chỉ dẫn chứ con không phải bác sĩ, không có thuốc”. Rồi em tư vấn cho họ những điều cần thiết”.

Chiều đi truyên truyền phòng chống HIV


Dần dà, thái độ của mọi người cũng thay đổi. Họ đã hiểu HIV không lây qua đường ăn uống hay tiếp xúc thông thường. Hiện nay, quán bún của Mỵ rất đắt hàng vì cô bán rẻ, lại trò chuyện xởi lởi.

* Bán đắt hàng vậy, có định bán cả ngày để tăng thu nhập không Mỵ?

Không, em chỉ làm nửa buổi, nửa buổi còn bận đi làm công tác xã hội. Em thấy công việc đó là cần thiết, giúp những người nhiễm HIV còn đang mặc cảm, khuyên người ta không nên kỳ thị,  bởi không phải ai nhiễm HIV cũng là do chơi bời xấu xa...

* Cuộc sống của Mỵ giờ sao rồi?

Giờ em vui vì em có bạn mới, một người cùng cảnh ngộ, sinh hoạt cùng nhóm đồng đẳng, đã uống thuốc ARV được 2 năm...

Ngọc Diệp (thực hiện)
                                                                                                                                                         Theo Khát vọng sống