Lỗi lầm đâu tại các em!
Các Website khác - 05/12/2008

Có thể các em còn quá nhỏ để hiểu về phận đời nghiệt ngã của mình, nhưng dù thế nào chúng vẫn là những đứa trẻ vô tội cần được cả xã hội dang rộng vòng tay, mở rộng tấm lòng chia sẻ.

Những gương mặt hồn nhiên, xinh xắn và thật đáng yêu như bao đứa trẻ bình thường khác. Vậy mà các em lại là nạn nhân của căn bệnh thế kỷ.  
Ngôi nhà chung
Vào đó, người ta thấy được sự yên lành và ấm áp của tình người bao la- đó là Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Tam Bình thuộc quận Thủ Đức, TP.HCM. Tại cơ sở I, gần 200 đứa trẻ đang vui chơi nô đùa với nhau. Chúng được những bàn tay yêu thương của các cô bảo mẫu tắm giặt, may đồ và bón cho ăn như những người mẹ ruột.
Trong dãy nhà dành cho trẻ em khuyết tật, hơn chục người mẹ ấy liên tay thay tã lót, lau chùi, tra thuốc từng vết thương cho các cháu. Các cô không có thời gian nghỉ trưa, vì công việc hết sức thầm lặng và vất vả. Tuy vậy chẳng ai kêu ca lấy một lời. Đa số những đứa trẻ khuyết tật bị bệnh não úng thủy nên đầu các em cứ lớn dần lên, mắt trương ra, chân tay teo tóp, không cử động được. Tất cả mọi khâu từ ăn uống tới vệ sinh cá nhân đều nhờ vào những bàn tay nhân ái của các mẹ, các chị.

Cơ sở II là nơi đang nuôi dưỡng gần 100 em nhỏ từ sơ sinh tới 12 tuổi. Tại đây không có trẻ tàn tật nhưng các em đều nhiễm HIV từ khi mới lọt lòng. Trẻ em là thế, gương mặt nào cũng hồn nhiên xinh xắn dễ thương đến lạ kỳ. Nhìn các em mà thấy lòng trùng xuống, trách sao phận đời lại cay nghiệt với các em đến vậy.
Gần 100 em nhỏ là chừng ấy thân phận khác nhau. Các em bị bỏ rơi trong bệnh viện, hay ngoài đường phố, hoặc khi bố mẹ chúng không còn khả năng nuôi dưỡng vì họ cũng bị căn bệnh HIV/AIDS hành hạ giai đoạn cuối… Dù xuất phát từ đâu, nhưng vào ngôi nhà chung, chúng thành anh em trong nhà.  
Xin đừng bỏ rơi các em
Cô giáo Phạm Thị Quang nhà ở Bình Dương nói: “Hồi trước, tôi là giáo viên ở trường tiểu học Xuân Hiệp. Khi tới thăm các cháu, tôi thấy thương các cháu quá, vậy là tôi làm đơn xin trường cho chuyển về đây, mong sao dành hết những gì còn lại của cuộc đời chia sẻ cùng các cháu. Không có tiền của để cho các cháu, chỉ có cái tâm, có tấm lòng để phần nào an ủi những phận đời bé nhỏ mong manh này”.
Những năm trước, cô giáo Quang đảm nhiệm 4 lớp từ mầm non cho đến lớp 3. Ngày ngày, cô âm thầm chỉ bảo dỗ dành cho các bé không khóc nhè, cầm tay các bé tập viết những nét chữ đầu tiên, đọc những âm tiếng Việt đầu tiên… Cô tâm sự: “Đến với các cháu, tôi chỉ có một điều duy nhất đó là yêu thương chia sẻ. Mong cho các cháu luôn thật khoẻ mạnh, mong cho khoa học sớm tìm ra những phương pháp chữa trị hiệu quả giúp các được như những người bình thường. Mong sao xã hội đừng ruồng rẫy bỏ rơi các em, vì chúng đâu có tội tình gì!”.
Giờ đây, tuổi đã cao sức đã yếu, vậy nhưng ngày ngày cô giáo Quang vẫn cầm tay từng em một, tập viết cho các cháu mà không ngại ngần đắn đo. “Nhìn chúng, đứa nào cũng ngoan, tôi lại rơi nước mắt vì cứ lo một ngày nào đó, mình lại phải mất đi một đứa. Đứng trên bục giảng, tôi vẫn nhớ hình ảnh của các em đã ra đi vì căn bệnh quái ác. Chúng ngồi ở chỗ đó, gương mặt, ánh mắt, cái miệng chúng vẫn cười chúm chím, vậy mà giờ chỗ đó đã trống đi rồi. Nhiều hôm nhìn qua góc đó, tôi lại khóc và nhớ chúng vô cùng. Hình ảnh chúng cứ mãi trong tôi, nên giờ đây tôi phải cất đi những chiếc ghế ấy”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga năm nay 57 tuổi đang chủ nhiệm lớp 2 và 3, kể về những phận đời của từng em một: “Đứa nào cũng gọi tôi bằng mẹ, chúng quây quần quấn quýt lấy nhau, đứa lớn bày cho đứa nhỏ từng việc, hơn cả anh em trong nhà. Có em tuy phải uống thuốc ARV mỗi ngày 2 lần đều đặn vào 7h sáng và 7h tối, bị bệnh tật hành hạ, nhưng vẫn chăm ngoan học giỏi. Trong năm học vừa qua tỷ lệ học sinh khá giỏi chiếm hơn 40%. Đó là một kỳ tích của những mảnh đời heo hắt...”

Bé Trâm Anh đang học lớp 2 nói về ước mơ của mình: “Con thích làm ca sĩ nhất. Con ước chi mình được như ca sĩ Mỹ Tâm. Con ưa hát bài Hè về vui sao”. Nói đoạn em đứng lên cất giọng hát thật hồn nhiên, em như mơ ước được bay cao bay xa. Nghe em hát mà ai cũng rơm rớm nước mắt. Bé hát xong các bạn tán thưởng bằng một tràng vỗ tay dài.
Còn bé trai Minh Khánh học lớp 3 nhanh nhảu: “Con thích làm bác sĩ nhất, vì bác sĩ chữa bệnh được cho nhiều người”. Mỗi đứa có một ước mơ như bao đứa trẻ khác. Có đứa thì trả lời thật tội nghiệp: “Con thích cưỡi trâu nhất”. Em này ở vùng nông thôn, bị bố mẹ nó bỏ rơi trong Bệnh viện Nhi khi nó đã 4 tuổi.
Hiện nay có nhiều em đã lớn: 10, 12 tuổi. Nhìn những gương mặt đang tuổi lớn, đứa nào cũng trắng trẻo, xinh tươi, mà những thầy cô nơi đây “vừa mừng lại vừa tủi vì giờ chúng còn giai đoạn phát triển thì thế, nhưng sợ một ngày nào đó chúng lại bỏ thầy cô ra đi thì chẳng khác nào như một khúc ruột bị cắt lìa. Bao nhiêu chuyện vui buồn, tâm tình. Ngày ngày ánh mắt chúng, nụ cười, dáng đi và cả sự nũng nịu đáng yêu của chúng, làm sao ai có thể quên được”- chị Lê Thị Kim Tiên- Phó Giám đốc Trung tâm trầm giọng.
Chị tâm sự: “Tất cả ở đây đều như cha mẹ con cái anh em trong một nhà. Bọn trẻ ngoan và hiền lắm. Tôi chỉ mong sao chúng được mãi sống khoẻ mạnh, được học hành và hưởng những quyền như bao đứa bình thường khác. Xin mọi người hãy đừng phân biệt đối xử với các em như hiện nay. Các em đâu có lỗi làm gì. Chúng cần được hoà nhập để bớt đi những mặc cảm của mình”.
Thời gian gần đây người ta xôn xao về việc những đứa trẻ nhiễm HIV được đi học chung với trẻ bình thường khác. Chính nhiều vị phụ huynh trẻ bình thường đã phản đối kịch liệt, vì sợ nguy cơ lây nhiễm. Bà Tiên nói: “Họ lo cũng đúng, nhưng đâu đến nỗi thế. Các em rất ngoan, hiền và được Trung tâm chỉ bảo những phương pháp để phòng tránh lây nhiễm cho người khác rất kỹ lưỡng. Chúng tôi vẫn tiếp xúc với các em thường xuyên, bồng bế, chơi đùa với các em. Sinh viên, học sinh các trường, các đoàn quốc tế...  họ vẫn tới thăm các em, sinh hoạt chung, ăn, ngủ bên chúng cũng có sao đâu?. Mong sao mọi người hãy cùng chia sẻ để các em được hưởng những gì còn lại của cuộc đời ngắn ngủi”./.
Ngọc Lan
                                                                                                                               Theo Khát vọng sống