TP - Tìm đến CLB Khát vọng sống- CLB dành riêng cho những người đồng tính (MSM) Hà Nội, tôi thực sự ngạc nhiên đa số họ còn khá trẻ, nhiều người đang là sinh viên đại học...
![]() |
Một buổi họp của nhóm Khát vọng sống |
Những... góc khuất
Đa số những người đồng tính nam (MSM) sinh hoạt ở CLB còn khá trẻ. Có người đang là sinh viên đại học, công chức, văn nghệ sĩ, đến cả những người kinh doanh, bán hàng, chạy chợ...
Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng họ đều chung nỗi ám ảnh về giới.
H, một MSM ngậm ngùi: “Khi còn là một đứa trẻ: nhảy dây, lò cò là những trò chơi mà tôi thích nhất chứ không phải bóng đá, thể thao. Càng lớn lên tôi càng bộc lộ nữ tính.
Dần dần, tôi cảm giác như mình bắt đầu bị sự đay nghiến của cha mẹ, anh em trong gia đình.
Tình thương gia đình dành cho tôi mờ nhạt dần. Đến trường cũng chẳng tìm được sự thông cảm bạn bè mà toàn phải nghe gọi “thằng pê đê”, tôi sống thu mình lại, lo lắng đủ thứ. Học hành sa sút, tinh thần hoang mang, hoảng loạn...”.
H kể về một MSM khác, là con trai độc nhất trong gia đình giàu có. Song cuối cùng đành bỏ nhà ra đi vì không thể có bạn gái, không thể kết hôn như mong muốn và kỳ vọng của ba mẹ.
Theo bác sỹ Vũ Ngọc Bảo- Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế (FHI), tại VN hiện nay ước tính có khoảng hơn 10 ngàn đàn ông có hành vi tình dục với người cùng giới. FHI gọi nhóm xã hội này bằng cụm từ MSM. Những người MSM được xếp vào nhóm nguy cơ cao lây truyền HIV/AIDS. |
Lịch - chủ nhiệm CLB, hiện là sinh viên đại học Ngoại thương. Trong câu chuyện với tôi, Lịch không giấu những băn khoăn, trăn trở: “Chấp nhận sự thật là điều chẳng hề đơn giản. Chính bản thân tôi, khi biết về giới tính bất thường của mình cũng đã phải trải qua một cú sốc rất lớn”.
Những người MSM hiện nay thuộc ba nhóm chủ yếu: 70% người “bóng kín” (luôn giữ cho mình vẻ bề ngoài hệt như những người đàn ông bình thường), khoảng 10% người “bóng lộ” (công khai với mọi người mình là “con gái”, ăn mặc, trang sức, tác phong như phụ nữ) và khoảng 20% “nửa kín, nửa hở” (giữ vẻ bên ngoài giống như đàn ông nhưng công khai cho mọi người biết việc mình là người đồng tính).
Dù ở nhóm “bóng” nào thì đồng tính nam (MSM) vẫn giống nhau ở hành vi tình dục đồng giới.
Hầu hết các MSM không muốn công khai về mình. Họ luôn phải che giấu, hay cố ngụy tạo vẻ ngoài bình thường... chính sự che giấu ấy đã khiến họ luôn trong tình trạng ức chế. Thêm vào đó là những mặc cảm, tự ti, tự kỳ thị.
Trên thực tế có nhiều người đồng tính “bóng lộ” đã không thể làm được chứng minh nhân dân, không được nhận vào làm tại các cơ quan nhà nước, không biết khám bệnh phụ khoa hay nam khoa, nhiều trường hợp bị gia đình ruồng rẫy, bạn bè xa lánh...
Người đồng tính thực sự chưa tìm được sự cảm thông và chia sẻ từ cộng đồng.
Theo thống kê mới nhất, trong số 10.000 người đồng tính nam ở Hà Nội có 1.000 người nhiễm HIV/AIDS. Đây là con số đáng giật mình. Một điều tra khác cho hay: “Tỷ lệ nhiễm HIV trong MSM vào khoảng 5% ở Hà Nội, 9% ở TP HCM. Khoảng 70% MSM ở TPHCM có quan hệ tình dục với ít nhất hai người trong tháng gần nhất. 1/3 nam đồng tính không sử dụng thường xuyên bao cao su khi quan hệ với bạn tình”.
Gia tăng những người đồng tính là một thực tế. Tuy nhiên, những đối tượng này lại ít được quan tâm trong công cuộc phòng chống HIV, mặc dù họ có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Chính vì vậy, số người MSM mắc căn bệnh thế kỷ đang tăng lên một cách báo động.
Hành trình gian nan
Tháng 3/2007, CLB Khát vọng sống chính thức thành lập, ban đầu chỉ 5 thành viên. Khác với một số CLB có sự hỗ trợ của các dự án hay tổ chức phi chính phủ, Khát vọng sống hoàn toàn ra đời do các thành viên tự tập hợp nhằm liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống, đặc biệt là tuyên truyền phòng chống HIV, AIDS.
Anh Nguyễn Sơn Minh, đồng chủ nhiệm MSM miền Bắc, khẳng định: “Mục đích thành lập câu lạc bộ là để giúp những người MSM được giao lưu, gặp gỡ, tạo cho họ cơ hội tự khẳng định mình, tự tin sống và cống hiến”.
Ngày đầu mới thành lập, việc duy trì hoạt động của CLB vô cùng khó khăn. Lịch - chủ nhiệm CLB nhớ lại: “Phần lớn người MSM đều mặc cảm về bản thân, sống khép kín. Do đó, rất khó khăn để thuyết phục họ tham gia sinh hoạt trong CLB. Các thành viên phải kiên trì tới các điểm nóng, tiếp cận và làm công tác tuyên truyền, vận động tư tưởng một cách khéo léo”.
“Lúc chúng tôi xuất hiện, họ rất dè dặt. Nhưng chính vì đồng cảnh ngộ và vì chúng tôi hướng họ đến những điều có lợi, thiết thân cho họ, nhất là giới thiệu những điểm tham vấn cộng đồng, xét nghiệm máu... nên dần dần được chấp nhận như anh chị em trong nhà!” - một tuyên truyền viên và là một “bóng lộ” bày tỏ.
Đến nay, CLB có 12 thành viên chính thức, chưa kể các MSM thường xuyên tham gia sinh hoạt.
Ngoài những buổi tiếp cận thực tế và nói chuyện chuyên đề, tham vấn sức khỏe, các thành viên CLB còn tham gia biểu diễn thời trang, sân khấu, tổ chức các cuộc thi “hái hoa dân chủ”, thi hát karaoke... lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, phát bao cao su miễn phí cho bạn đồng đẳng.
Mỗi thành viên chịu trách nhiệm xâm nhập các điểm nóng, nơi người MSM thường xuyên lui tới như vườn hoa, công viên, khu lân cận các trường đại học, tìm cách gặp gỡ, làm quen và chia sẻ với họ những kiến thức về an toàn tình dục.
Không ít người phải bắt đầu hành trình tiếp cận của mình từ nửa đêm cho tới tận 4 -5 giờ sáng. “Tuy vất vả thật nhưng làm được việc có ích cho các bạn nên bọn mình rất sẵn lòng” – K(sinh viên đại học Sư phạm) thành viên CLB vui vẻ nói.
Ngay sau khi ra đời, Khát vọng sống đã được các MSM xem là ngôi nhà thứ hai của mình. Đến đây, họ không phải che giấu hay mặc cảm, họ được sống là chính mình với đầy đủ những cung bậc tình cảm, suy nghĩ, chia sẻ cùng nhau những chuyện “không biết hỏi ai”.
Cần lắm những sẻ chia
Trao đổi với chúng tôi, Nhà giáo ưu tú - BS Phạm Văn Khoát, khẳng định: “Đồng tính không phải là bệnh mà là nhu cầu tình dục tự nhiên của con người. Tuy nhiên trong xã hội vẫn tồn tại cái nhìn lệch lạc, định kiến về họ”. Hiện, ông đang là giám đốc dự án Pact - Vicomc, trực tiếp hỗ trợ CLB Khát vọng sống trong sinh hoạt, tuyên truyền phòng chống HIV – AIDS.
Bác sĩ Khoát nhấn mạnh thêm: “Đi sâu vào cuộc sống tinh thần của người đồng tính, mới thấy xúc động trước những khát vọng, những mơ ước đôi khi thật bình dị nhỏ nhoi. Xã hội mình cần lắm những trái tim chia sẻ”.
Tính đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 3 CLB của người MSM.
Phạm Huệ
▪ Những người trẻ khuyết tật vượt lên số phận (23/04/2008)
▪ Bệnh viện Nhân Ái : Nơi không có người xuất viện (21/04/2008)
▪ Tiếng nhạc yêu đời của chàng trai mù (19/04/2008)
▪ Nhân ngày Bảo vệ và chăm sóc người khuyết tật Việt Nam 18/4: Người Khuyết tật và những khoảnh khắc.. (19/04/2008)
▪ xin đừng từ chối.. (17/04/2008)
▪ Những nỗi đau “vô thừa nhận (16/04/2008)
▪ Nơi bình yên cho những phận đời đen bạc (10/04/2008)
▪ Vượt lên nỗi đau, sống có ích (02/04/2008)
▪ Có một nhóm như Hoa Sữa… (27/03/2008)
▪ "Từ mẫu" của bệnh nhân AIDS (21/03/2008)