Trẻ nhiễm HIV đang sưởi nắng ở Trung tâm Tam Bình
Kể từ những ngày đầu tiếp nhận các bé Hà, Mai, Phương, Lan, Hy Vọng…, đến nay khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương đã điều trị nội trú cho khoảng 100 cháu bị nhiễm HIV/AIDS, khoảng 10 cháu đã bị chết do AIDS. Hiện tại, trung bình một tuần Khoa tiếp nhận từ 1 đến 2 trẻ nhiễm HIV đến khám, điều trị.
Y tá trưởng Nguyễn Thị Nhật dẫn chúng tôi tới căn phòng cuối dãy của khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương. Hình ảnh đập ngay vào mắt chúng tôi đó là một cháu bé nhỏ xíu, chỉ chừng 3 tháng tuổi đang nằm côi cút trong cũi. Bé nằm sấp, miệng mút ngón tay trỏ xinh xinh và ngủ rất say, không hề biết có người đang ngắm nghía, chuyện trò bên tai mình. Còn tôi thì thấy nghẹn đắng ở trong lòng…Giá như lúc này có một cô tiên sà xuống và chìa bầu vú căng tròn sữa để em được thưởng thức nhỉ! Chắc cái miệng chúm chím của em cũng đang tưởng rằng mình được ngậm ti đây. Nhưng sự thật thì… Em được sinh ra tại Viện Nhi và đã bị người mẹ nỡ tâm bỏ rơi tại Khoa Sơ sinh ngay từ lúc lọt lòng. Xét nghiệm trong máu có kháng thể HIV (+) nên Bệnh viện chuyển em về Khoa truyền nhiễm. Sau khi thông báo để tìm người nhà cho em nhưng chẳng có ai tới nhận, Khoa đang làm thủ tục để chuyển bé lên Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV tại Ba Vì, Hà Tây. Bé được các y tá, bác sĩ cho ăn ngày 4-5 bữa, rồi ngủ mà chẳng cần ai ru, cũng chẳng khóc và cũng ít khi được cười… Chỉ khi nào các bác sĩ rảnh rỗi thì bé mới được nằm vào xe đẩy ra hóng khí trời. Lúc đó bé tha hồ mà vùng vẫy tay chân, toe tóet cười với những người nhà đi chăm sóc bệnh nhân ở ngoài hành lang…
Bên cạnh giường bé còn có hai bà cháu đang nằm ngủ. Trong cái không gian chiều giữa hè nắng oi nồng, chiếc quạt máy đang thổi vù vù nhưng người bà nằm trên giường, tay vẫn phe phẩy quạt cho cháu. Thỉnh thoảng thằng bé lại mấp mé môi làm nũng, bà lại nựng cháu bằng việc gãi cái lưng đang bị ngứa, xoa cái tráng đỏ rộp vì rôm và thì thầm: Ngủ đi con, bà yêu…! Thấy người lạ tới, thằng bé khóc và ôm chặt lấy bà. “Cháu nó sợ tiêm lắm”. Người bà vừa dỗ dành, quạt mát cho cháu, vừa nói chuyện với chúng tôi: “Cháu đã nằm viện được gần một tháng rồi. Cháu bị sốt kéo dài, các bác sĩ cho tiêm thuốc kháng sinh 10 ngày liên tục, nghỉ vài hôm lại tiêm tiếp. Thuốc đắt lắm, những 89.000 nghìn đồng một lọ cơ đấy. Ăn uống cũng không tốn kém lắm, chỉ tội tiền thuốc, nhưng có bệnh thì phải chấp nhận thôi. Cháu thường đòi ăn hoa quả, chứ cơm chỉ một vài thìa là chán rồi”. Khi hỏi bố mẹ cháu đâu thì bà chỉ ngập ngừng là đi làm ăn xa, không về được…
Cũng vào thời điểm chúng tôi tới thăm trẻ nhiễm HIV tại Khoa Truyền nhiễm, bác sĩ Phạm Thị Sửu, Trưởng khoa đang chạy đôn chạy đáo để làm thủ tục tiếp nhận một cháu bé bị nhiễm HIV từ bệnh viện Xanhpôn chuyển sang. Cháu bé này đã nằm điều trị ở Viện Xanhpôn cả tháng trời do viêm phổi và sốt kéo dài nhưng không khỏi. Vậy là hiện tại Khoa đang có 4 cháu nhiễm HIV, trong đó có một trường hợp nghi nhiễm.
Theo kinh nghiệm của bác sĩ Phạm Thị Sửu, những trường hợp viêm phổi, sốt, tiêu chảy, nấm miệng kéo dài, tái đi tái lại mà điều trị không hiệu quả thì nên cho làm xét nghiệm HIV. Vì đa số những trẻ mắc bệnh như vậy, xét nghiệm kháng thể sẽ có HIV (+). Với những trường hợp trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi, Khoa chăm sóc và điều trị bệnh ổn định, sau đó làm các thủ tục thông báo để tìm người nhà. Nếu không ai nhận thì sẽ chuyển cháu lên Trung tâm chăm sóc, nuôi dường trẻ nhiễm HIV ở Ba Vì, Hà Tây. Hiện tại, Khoa đang xây dựng đề án đặt mua thuốc hoặc si rô điều trị cho trẻ nhiễm HIV/AIDS. Những bệnh nhân ở xa sẽ được hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại. Đó cũng là một tin vui, nguồn động viên cho trẻ nhiễm HIV và cho cả gia đình bệnh nhân.
Y tá trưởng Nguyễn Thị Nhật cho biết: “Khoa truyền nhiễm chăm sóc trẻ bị bỏ rơi quanh năm. Những trường hợp bị bỏ rơi, mắc viêm phổi, tiêu chảy, nấm miệng, sốt kéo dài thì chúng tôi cho làm xét nghiệm HIV. Ngoài việc điều trị cho các cháu nhiễm HIV, chúng tôi còn cắt cử y tá, hộ lý chăm sóc như một người mẹ: Cho ăn, uống, tắm, giặt, ru ngủ, chuyện trò… Tuy vậy, Khoa thường xuyên có khoảng 100 bệnh nhân nên việc chăm sóc các cháu rất vất vả. Mà hiện tại, chế độ đãi ngộ rất ít ỏi, 5.000 đồng/1 ngày chăm sóc một bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.
Ngoài những vất vả thường trực như vậy, nguy cơ phơi nhiễm HIV cho các bác sĩ, y tá ở đây cũng rất lớn. Bởi vậy, Khoa đã có những hướng dẫn dự phòng để cán bộ tự bảo vệ mình. Khi làm các thủ thuật: Xét nghiệm máu, dịch, đặt khí quản, tắm rủa cho các cháu nhiễm HIV, họ phải đeo khẩu trang, kính, găng tay, tránh bị trầy xướt da, đặc biệt là không tiếp xúc trực tiếp với dịch, máu…
Khi viết bài báo này, tôi rất mong muốn câu nói của Bác sĩ Phạm Thị Sửu được chuyển tải tới mọi người, nhất là đối với phụ nữ: “Phải khẳng định ngay rằng HIV là phòng tránh được. Người phụ nữ trước hết phải tự biết bảo vệ mình bằng việc có kiến thức phòng tránh các đường lây của HIV và không nên bỏ rơi sinh linh bé bỏng mà mình đã rứt ruột đẻ ra. Tội nghiệp cho các cháu lắm lắm!”
Ngọc Mai - AIDS và cộng đồng
▪ Campuchia: Nhà sư và việc hỗ trợ những người sống chung với HIV/AIDS (26/07/2004)
▪ Anh và tôi (04/06/2004)
▪ Câu chuyện của một ông bố 19 tuổi (03/06/2004)
▪ Bạn tôi mới ra đi vì AIDS (03/06/2004)
▪ Câu chuyện của một người đồng tính đã lấy vợ (03/06/2004)
▪ Những thầy thuốc ở Hải Dương (18/09/2004)
▪ Sau cơn mưa (18/09/2004)
▪ TIẾNG NÓI NGƯỜI TRONG CUỘC: "Gia đình đã giúp em vượt lên bệnh tật" (18/09/2004)
▪ Tiếng nói người trong cuộc: Sám hối ! (14/09/2004)
▪ Không còn thời gian (13/09/2004)