Lời tâm sự của một tình nguyện viên GIPA tại Hà Nội
Các Website khác - 22/10/2008
 

Trong tâm trí tôi thì hình ảnh sâu đậm nhất vẫn là những đôi mắt ngân ngấn nước, những đôi môi run run vì xúc động của những người có HIV khi được tôi giúp đỡ. Những ánh mắt và cử chỉ đó khiến tôi vô cùng hạnh phúc và cảm thấy mình sống thật sự có ý nghĩa hơn trong cuộc đời này...

Tôi sinh ra tại một làng quê thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Tuổi thơ tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ cha, ngày ngày cắp sách đến trường và vui đùa cùng với đám bạn bè bên luỹ tre làng thân thương.

Năm 1995 khi 24 tuổi, tôi đi làm ở một xí nghiệp may, thu nhập cũng tương đối ổn định. Thời thanh niên trai trẻ không tránh khỏi những lúc bồng bột, nông nổi, nghe lời rủ rê của bạn bè, tôi đã sử dụng ma tuý cho biết rồi đâm ra nghiện thứ bột trắng nguy hiểm này. Thế rồi xí nghiệp nơi tôi làm việc đã phát hiện tôi sử dụng ma tuý và đã buộc tôi phải nghỉ việc.

Năm 1997, tại địa phương nơi tôi sinh sống có đợt làm xét nghiệm với những người đã từng sử dụng ma tuý và họ đã yêu cầu tôi thử máu. Khi hai người nhân viên y tế đến nhà tôi thông báo kết quả là tôi bị nhiễm HIV thì mọi thứ như sụp đổ xuống dưới chân tôi. Thế là hết và tôi chỉ còn biết nằm ở nhà để chờ chết (khi đó tôi đã làm gì có kiến thức về bệnh tật của mình). Suốt mấy tháng trời tôi không ra khỏi nhà vì tuyệt vọng, vì lo lắng mọi người sẽ xa lánh mình và cứ tính xem mình còn sống được bao nhiêu lâu nữa. Nhưng rồi thời gian cũng xoa dịu đi những nỗi ưu tư, phiền muộn chất chứa trong tôi. Tôi chủ động tìm kiếm những thông tin và kiến thức về HIV qua các tài liệu và các đơn vị y tế. Trong khoảng thời gian này, trung tâm phòng chống HIV/AIDS thành phố Hà Nội đã tạo điều kiện cho tôi có cơ hội được tham gia những khoá tập huấn kiến thức cơ bản về bệnh AIDS, chế độ dinh dưỡng dành cho người có HIV, tuân thủ điều trị ARV v.v.... Từ đó tôi đã dần lấy lại tự tin và niềm hy vọng vào cuộc sống phía trước.

Từ tháng 12 năm 2006, khi bắt đầu tham gia làm tình nguyện viên (TNV) cho dự án: “ Tăng cường sự tham gia của những người sống với HIV/AIDS – GIPA” do Hội LHPN Việt Nam triển khai trên địa bàn Hà Nội, tôi thực sự mới có cơ hội để phát huy những khả năng của mình. Trước đây tôi cũng tham gia một số hoạt động truyền thông nhưng với tư cách là người được mời đến chia sẻ, nhưng đến với GIPA, tôi đã có thể xây dựng những chương trình truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV tại cộng đồng. Trước đây, tôi có tham gia một số lớp tập huấn với tư cách là học viên thì giờ đây tôi có thể tham gia với tư cách là một báo cáo viên, một thuyết trình viên về kiến thức HIV. Trước đây, tôi không hề biết đến máy tính nhưng từ khi đến với GIPA, tôi đã có thể sử dụng được những chương trình tin học văn phòng cơ bản phục vụ cho công việc mình. Tôi còn biết viết những tin, bài nói lên những nỗ lực phấn đấu của người sống với HIV.

Tại địa phương nơi tôi sống, trước đây mọi ngưòi luôn có định kiến với tôi vì tôi đã sử dụng ma tuý. Họ luôn tìm cách tránh mặt và xì xào những điều không hay sau lưng tôi. Có lần khi tôi ngồi uống nước ở nhà một người quen, sau khi tôi về, họ còn vứt chiếc cốc mà tôi vừa uống xuống cống. Nhưng giờ đây, mọi việc đã khác, mọi người xung quanh đã quan tâm chia sẻ, động viên với thái độ rất tôn trọng, cảm thông. Chính quyền sở tại cũng thường xuyên mời tôi tham gia các buổi truyền thông tại địa phương. Tôi đã tự tin hơn khi gặp gỡ lãnh đạo chính quyền và các ban ngành đoàn thể để đề đạt, gửi gắm nguyện vọng của những người sống với HIV.

Trong quá trình hoạt động tại cộng đồng, công việc không phải lúc nào cũng được thuận buồm xuôi gió, có khi cũng bị các nhân viên y tế quở trách, bị các bạn đồng cảnh hiểu lầm cho là mình được lợi ích gì khi giúp đỡ họ, tôi cũng cảm thấy buồn nhưng đó dường như chỉ là cơn gió thoảng qua. Trong tâm trí tôi thì hình ảnh sâu đậm nhất vẫn là những đôi mắt ngân ngấn nước, những đôi môi run run vì xúc động của những người có HIV khi được tôi giúp đỡ. Những ánh mắt và cử chỉ đó khiến tôi vô cùng hạnh phúc và cảm thấy mình sống thật sự có ý nghĩa hơn trong cuộc đời này.

Từ đáy lòng minh, tôi rất cám ơn dự án GIPA vì đã tạo điều kiện cho tôi được tham gia nhiều hơn nữa vào những nỗ lực ứng phó với dịch AIDS của cộng đồng. Tôi thấy những mục tiêu của GIPA rất phù hợp với tôi nói riêng và với xu thế chung của thời đại. Tôi rất mong dự án GIPA tiếp tục được triển khai không những trên địa bàn Hà Nội mà còn nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước để nhiều người có HIV khác được tiếp thêm sức mạnh, vững tin vào cuộc sống./.

Phan Thành Trung (lược ghi) - http://www.hoilhpn.org.vn/