Trại phong Sóc Sơn
Các Website khác - 21/10/2008

 

 
Ông Nguyễn Hoàng Doanh

Cách Thủ đô Hà Nội chừng 50km về phía đông bắc, Trại phong Sóc Sơn nằm trên một quả đồi nhỏ của làng Thanh Trí, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội; là nơi điều trị cho các bệnh nhân phong từ các huyện ngoại thành của thành phố và một số tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ… Cuộc sống của bệnh nhân và một số em nhỏ trong trại phong còn rất nhiều khó khăn, cần được sự quan tâm giúp đỡ của mọi người


Tôi theo nhóm Quê Hương Foundation lên trại phong Sóc Sơn trong một chương trình tình nguyện mang tên “Nối liền khoảng cách – Nâng cánh ước mơ”. Hôm ấy là một ngày Chủ nhật, trời nắng nóng. Hành trang mang theo của cả đoàn là một xe chất đầy sách vở, bánh mì và những tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết của gần 40 tình nguyện viên, gồm chủ yếu là sinh viên của các trường ĐH Quốc Gia, ĐH Thăng Long… và một số học sinh của các trường THPT như Hà Nội- Amsterdam, Quang Trung, Việt Đức…
Con đường đất đỏ từ quốc lộ 35A dẫn vào trại khá ngoằn ngoèo với nhiều những đoạn ổ voi ổ gà còn ngập nước sau đợt mưa lớn. Hơn chục em nhỏ trong trại đã đợi sẵn ở cổng ùa ra chào đón, tíu tít gọi tên từng tình nguyện viên trong đoàn. Đây là chuyến tình nguyện thứ tư của nhóm Quê Hương Foundation lên thăm trại, vì thế mà hầu như tất cả các em nhỏ và các bệnh nhân trong trại đều nhớ mặt thuộc tên các thành viên trong nhóm, ân cần vồn vã như những người thân.

Trại phong Sóc Sơn có 31 bệnh nhân. Tất cả mọi chi phí sinh hoạt và điều trị của mỗi bệnh nhân ở đây đều gói gọn trong 200 nghìn đồng mỗi tháng cùng 5 nghìn đồng tiền thuốc theo tiêu chuẩn, ngoài ra không có gì thêm. Những khi ốm đau, cần mua thêm đạm, vitamin B6, B12… hay bất kỳ một loại thuốc nào khác thì các bệnh nhân lại phải

trích từ số tiền 200 nghìn ít ỏi của mình ra để chi trả. Nếu như ốm đau nặng hơn nữa, phải đi viện thì rất khó khăn, vì bảo hiểm y tế cũng chỉ giảm bớt chi phí được một phần. Trường hợp những người có gia đình, con cháu thì gọi điện về, báo họ đến chi trả còn những trường hợp không có gia đình, người thân thì hàng tháng chi tiêu sinh hoạt phải tằn tiện vô cùng. Như lời bệnh nhân Nguyễn Thị Bé (78 tuổi) tâm sự, đáng tiêu 5 phần thì chỉ tiêu 2 phần, sao cho mỗi tháng bớt ra được một, hai chục nghìn từ số tiền trợ cấp 200 nghìn đồng của mình để dự phòng cho những khi ốm đau cần đi viện.
Bữa cơm trưa của bệnh nhân Nguyễn Hoàng Doanh (70 tuổi, quê ở Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội), thật đạm bạc với một bát cơm trắng, bát canh rau tập tàng và mấy miếng thịt mỡ dính chút thịt nạc… “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Với 200 nghìn đồng ít ỏi cho việc mua củi, gạo, thức ăn… trong thời kỳ bão giá như hiện nay, lại phải tằn tiện để bớt ra một vài đồng “dự phòng” khi đi viện thì một bữa cơm như thế này vẫn là tuyệt vời lắm rồi!” – Ông Doanh bộc bạch.
Mỗi bệnh nhân ở đây đều có một phòng riêng. Hàng ngày, họ tự nấu cơm ăn. Với những người còn nguyên vẹn tay, chân thì không sao, nhưng với những người què, cụt thì phải cố gắng nhiều. Rồi khi cần giặt giũ chăn màn lại phải thuê người dân ở ngoài xóm vào làm cho – giống như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Bé thì là cả một sự gắng gượng không hề đơn giản.

Hầu như tất cả các bệnh nhân ở trại phong Sóc Sơn đều có một tâm lý chung là không muốn làm phiền người thân, dù cho luôn khao khát được ở gần con cháu. “Cách đây lâu lắm rồi, trong một lần về quê dự đám cưới của đứa cháu, tôi đã gọi cả họ hàng con cháu lại và bảo do tôi không may mắn bị mắc căn bệnh này nên cả gia

đình họ hàng cứ coi tôi như đã chết. Biết làm sao, mình mắc bệnh thì phải chịu chứ thực sự là nhiều lúc thấy chạnh lòng, nhớ con cháu, quê hương bản quán vô cùng, nước mắt cứ chực chảy ra mà không chảy được, vì đã khô cạn cả rồi!” – Bệnh nhân Phùng Thị Liệu (88 tuổi) nghẹn ngào. Rồi cụ cầm một khung ảnh nhỏ đặt ở đầu giường lên, hồ hởi chỉ cho tôi từng người trong gia đình ở Vĩnh Phúc.
Có lẽ chính vì hiểu được những tâm sự đó của các bệnh nhân mà Quê Hương Foundation đã coi trại phong Sóc Sơn là một trong những địa điểm hoạt động thường xuyên của nhóm. Các thanh niên tình nguyện lên đây, giúp đỡ người bệnh bằng những hành động cụ thể, thiết thực như: dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh chân tay, trò chuyện tâm sự với các cụ già…

“Chính những việc làm - dù nhỏ bé như thế của các tình nguyện viên lại làm cho các cụ cảm nhận được sự quan tâm của xã hội, tạo thêm niềm tin cho các cụ tiếp tục lạc quan sống để vượt qua bệnh tật và nỗi mặc cảm” – như lời chị Nguyễn Thi Mai (36 tuổi, hộ lý duy nhất, đã gắn bó 16 năm với trại phong Sóc Sơn) tâm sự.

Bên cạnh 31 bệnh nhân, trại phong Sóc Sơn còn có gần chục em nhỏ là con cháu của các bệnh nhân trong trại. Tất cả các em ở đây đều được đến trường, song lại phải chịu rất nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Trông nước da đen nhẻm, dáng điệu gày gò nhưng khuôn mặt lộ rõ một vẻ thông minh lanh lợi của Nguyễn Văn Đông – cháu nội của hai bệnh nhân cao tuổi trong trại, không ai nghĩ em lại là học sinh lớp 8. Đông tâm sự: “Em ở với ông bà từ nhỏ, bố mẹ em là ai, bỏ đi đâu, em không được biết và ông bà cũng không cho biết. Năm nay em sẽ lên lớp 9 của trường THCS Minh Phú. Em rất muốn được học giỏi, lên cấp 3, lấy được bằng tốt nghiệp để ra ngoài đi làm, nhưng do không có ai kèm học nên chỉ đạt học sinh trung bình”. Giọng Đông buồn buồn. Có lẽ chính vì vậy mà trong phần giao lưu văn nghệ, trao tặng tủ sách “Hiếu học” và học bổng khích lệ cho các em ở trại phong Sóc Sơn của đoàn tình nguyện, Đông đã nói lên ước mơ của mình: “Ước mong duy nhất của em là có được người bảo ban học hành. Giá như các anh chị trong nhóm tình nguyện Quê Hương ở lại đây mãi thì hạnh phúc biết bao, dù em biết đó là điều không thể.…”.

Chia trại phong Sóc Sơn, nhưng những tâm sự về hoàn cảnh và cuộc sống của các bệnh nhân, những khát vọng về học tập của các em nhỏ cứ ám ảnh mãi trong lòng tôi cùng các bạn tình nguyện viên đồng hành… Hy vọng sẽ có nhiều đoàn tình nguyện đến với trại phong Sóc Sơn như Quê Hương Foundation, để không chỉ “rút ngắn” mà còn xóa hẳn đi “khoảng cách” đối với các bệnh nhân nơi đây, giúp họ khắc phục được những thiếu thốn và khó khăn trong cuộc sống, đồng thời đưa ước mơ của các em nhỏ trong trại ngày càng đến gần hơn nữa với hiện thực.


Địa chỉ của họ: Trại phong Sóc Sơn, làng Thanh Trí, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. ĐT 04-213 6554.

TNVN