Trái tim nhân hậu thắp sáng mảnh đời tăm tối
Các Website khác - 21/10/2008

 

 
Hoàng Oanh và em Hiếu.

Từ hồi học cấp 3, Hoàng Oanh xin dạy học tại Trung tâm chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Yên Bái. Lũ trẻ gọi cô là mẹ. Cô ước mơ có nhiều tiền để xây dựng trung tâm giúp người khuyết tật.

 

“Hành trình xanh” là chương trình tình nguyện do Hoàng Oanh và bạn bè tổ chức vào tháng 7/2008 cho 155 SV của 36 trường ĐH ở Hà Nội đạp xe xuyên suốt 20 tỉnh, hướng dẫn mọi người bảo vệ môi trường, viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm, tặng quà các trung tâm bảo trợ người khuyết tật, giao lưu văn nghệ với thanh niên địa phương. Sau “Hành trình xanh”, Oanh cùng SV các trường ĐH quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt.“Nếu giúp được mọi người, em sẵn sàng làm hết sức. Em chưa bao giờ hối hận về việc mình làm.” Đây là điều mà Nguyễn Hoàng Oanh, cô gái 23 tuổi, luôn tâm niệm khi tham gia công tác từ thiện, đặc biệt là khi gắn cuộc đời với 3 em nhỏ mù bẩm sinh.

Phạm Thị Thường (sinh năm 1988), Phạm Văn Thắng (1993), Phạm Thị Hiếu (1996) sinh ra trong gia đình thuộc diện nghèo nhất xóm Bắc, thôn La Hà, xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sau 7 lần sinh nở, vợ chồng chị Mai Thị Trường ngậm đắng nuốt cay nhìn 4 đứa con chào đời đã mù lòa. Đang tuổi học, tuổi lớn, mấy đứa chỉ quẩn quanh bên bố mẹ, con trâu và 5 sào ruộng. 20 tuổi, Thường chưa biết một chữ, chưa có một chiếc áo ấm, một người bạn thân. 12 tuổi, Hiếu chỉ lần mò tồn tại giữa bóng đen trên chiếc giường ọp ẹp mà lúc nào em cũng òa khóc vì sợ chuột cắn. Cuộc sống không ánh sáng, không hi vọng khiến lũ trẻ trầm lặng, tự ti. Chúng giấu đi nét hồn nhiên, khát khao có bữa ăn đủ thịt, rau và cả ước mơ được đi học…

Cuộc đời các em sẽ mãi tăm tối nếu không gặp Oanh và hội sự nghiệp từ thiện Minh Đức về tỉnh khám bệnh, phát thuốc cho bà con nghèo. Chiều thứ bảy, ngày 14/02, Oanh trực tại phòng khám. Nhìn ra sân, cô thấy một người mẹ dắt tay 3 em nhỏ khiếm thị, áo quần mỏng manh trong cái rét dư âm của ngày đông sang ngày xuân. “Trông tụi nhỏ buồn thiu. Thương quá!” Oanh chạy lại trò chuyện, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, ước mơ của các em…”Em không hiểu nổi một gia đình với nghề nông làm sao nuôi được 7 người con mà có tới 4 con khiếm thị bẩm sinh? Gia đình bình thường có hai con, chỉ một con đau ốm đã vất vả lắm rồi… Mình phải giúp họ”, Oanh nhớ lại.

Thắng kể: “Chị Oanh là người đầu tiên hỏi chúng em có ước mơ gì? Chúng em chỉ muốn được đi học. Ở quê cũng có Hội người mù, có Trường Quảng Xuân dành cho người khuyết tật, nhưng những nơi đó đều xa nhà, ba mẹ bận lo cơm ăn hàng ngày, không có điều kiện, thời gian và phương tiện để đưa các con đi học”. Nhìn các em, Oanh nghĩ, chuyện tới trường là điều đương nhiên của trẻ, nhưng với những em nhỏ nơi đây, đó lại là mong ước xa vời. Cô đắn đo với nhắc nhở của bố: “Con không thể đón các em lên vài tháng rồi lại cho về quê. Đưa lũ trẻ ra đây, con phải nghĩ kĩ, kể cả thủ tục pháp lý. Em lớn nhất 20 tuổi, em bé nhất mới 12 tuổi đều không biết chữ. Các em quen ở vùng thưa thớt người, ít xe cộ. Nếu nhỡ, ốm đau, tai nạn… Làm sao để ba em hòa nhập xã hội.”

Cuối cùng, Oanh quyết định: “Giúp người thì phải giúp đến cùng. Làm từ thiện phải tâm huyết. Các em là ruột thịt của mình. Mình phải giúp các em đi học, có việc làm, vững vàng hoà nhập cộng đồng, tự tin xây dựng hạnh phúc. Mình làm được, nhất định sẽ làm được.” Vậy là, Oanh tới các trường học, trung tâm để xin cho các em được đi học sau khi lên Hà Nội.

Đưa ba đứa về Hà Nội, ngoài việc học tiếp văn bằng hai tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Oanh gác lại đam mê kinh doanh, dạy các em tắm giặt, bước đi, tránh đồ trong nhà, lo chỗ học ở Trung tâm phục hồi chức năng người khiếm thị Trung Kính, học tin tại trường Estih (Trường trung học bán công kĩ thuật tin học Hà Nội), trường Nguyễn Đình Chiểu. Mọi người hỏi, làm sao Oanh nuôi báo cô ba đứa trẻ khi đời sống ở Hà Nội ngày càng đắt đỏ? Sự thật, trước đó Oanh đã tích lũy một số vốn nhờ làm thêm ở cửa hàng kinh doanh sắt thép; mở cửa hàng bán rượu vang, nước khoáng; công ty liên doanh với Hàn quốc; công ty du lịch. Đặc biệt, bố mẹ Oanh hậu thuẫn rất nhiều.

Sau các hoạt động tình nguyện xã hội, Oanh cần mẫn hướng các em tìm công việc yêu thích. Không phụ chị, Thường, Thắng, Hiếu đều chăm ngoan, thông minh, học tốt. Ở với chị Oanh, ba đứa trẻ tươi vui, mạnh dạn hơn. Thường mơ làm cô giáo dạy chữ nổi. Thắng muốn làm kĩ sư tin học. Hiếu mong thành ca sĩ. Các em nhớ mãi sinh nhật đầu tiên có bánh kem, hoa hồng, bạn bè và được tham dự lễ khai giảng ở Hà Nội. “Không ngờ, đời em lại được đi học”, Thắng tâm sự.

Tụi nhỏ bám Oanh như chim non cần sự chở che và hơi ấm của mẹ. “Cho em ở nhà khác, em không đi đâu. Em ở với chị Oanh thôi”, Hiếu rụt rè nép vào lòng Oanh. Còn cô gái sinh năm 1985 lại nghĩ “Mình có “duyên nợ” với trẻ khuyết tật. Chăm sóc các em, Oanh thấy tâm hồn thanh thản, vui vẻ, hay gặp may. Bây giờ, hạnh phúc của cô giản dị hơn. Đó có thể là chuyện Hiếu hát tặng chị bài hát mới, được cô giáo khen, Thắng biết thêm vài từ tiếng Anh, Thường khoe bông hoa điểm 10, ba đứa được đi lễ chùa...

 

Chia tay các em cũng là lúc cây hoa sữa đầu ngõ 433 Kim Ngưu tỏa hương vào tổ ấm vỏn vẹn 16m2. Bất chợt, chúng tôi nghĩ đến niềm vui của Oanh: “Một hôm, Hiếu giúi vào tay chị 50,000 đồng và nói đây là tiền học bổng. Cả lớp có mỗi mình em được. Cô giáo bảo đưa chị Oanh để chị mua rau, thức ăn.”

 

Giang Chi