Người về từ vực thẳm
Các Website khác - 16/11/2004
Anh Phạm Văn Thành
trên đường đi kiếm sống.
Anh trưởng công an phường thừa nhận trường hợp như anh là hiếm có. Chị cảnh sát khu vực bảo con người và hoàn cảnh của anh đều rất đặc biệt. Còn anh thì khẳng định như đinh đóng cột rằng anh là duy nhất trong số 3.000 người nghiện ở Hải Dương còn có thể trở về cuộc sống bình thường sau cả chuỗi ngày lún sâu trong tội lỗi và ma túy.

Hơn sáu giờ đồng hồ trò chuyện, tôi mới biết đầy đủ tên anh: Phạm Văn Thành, 39 tuổi. Hiện anh có một tổ ấm nho nhỏ nằm sâu trong ngõ 22, đường Phạm Hồng Thái, phường Quang Trung, TP Hải Dương.

Thành kể, ngày bé, cha đi bộ đội. Mẹ buôn bán lặt vặt. Nhà không khá giả, nhưng sáng nào mẹ anh cũng cho một đồng rưỡi, ăn sáng hết một đồng, còn năm hào tiêu vặt.

Ở trường, anh học khá nhưng nghịch ngợm. Năm lớp năm, một lần bị cô giáo phạt, anh bỏ học. Mẹ bận buôn bán, thế là từ đó chỉ còn đường phố, nhà ga, bến tàu quản lý anh. Dần dần, Thành ít về nhà. 13 tuổi, trong một lần đi xem hát cùng bạn gái, anh phát hiện ra mình ăn mặc nhọ nhem quá. Nhìn sang chàng công tử con nhà giàu cùng phố, anh mơ tưởng có được bộ quần áo sang trọng đó. Chính cái điều "ao ước" ấy đã dẫn anh đến phi vụ ăn cắp đầu tiên trong cuộc đời.

Sau khi xin tiền mẹ không được, Thành lần ra cửa hàng bách hóa, vào quầy bán diêm. Cái thời bao cấp, mua diêm cũng phải xếp hàng dài dằng dặc. Yên tâm có năm hào lẻ, Thành cũng nhào vào hàng người rồng rắn mà co kéo. Cho đến khi thấy một bà to béo móc ra cả tệp tiền, lấy mấy hào cầm sẵn, còn nhét vào túi cài kim băng cẩn thận. Thế là Thành tìm cách tiếp cận. Anh kể, lần đầu gỡ chiếc kim băng từ túi người khác, tay cứ run bần bật. Nhưng cũng may, trong dòng người lộn xộn, ồn ã không ai phát hiện. Phi vụ đầu trót lọt đếm được cả thảy 90 đồng. Ngay sau đó, mua bộ quần áo diện hết 40 đồng. Số còn lại chiêu đãi bạn bè, quán xá. Chẳng mấy, thói quen tiêu tiền đã trở thành "không có không chịu được". Thời gian này, Thành bắt đầu tập tành hút vài bi thuốc phiện, thấy hay hay, nhưng chưa nghiện.

Phi vụ thứ hai phát sinh khi cô bạn cùng đi bụi cần món tiền về quê thăm bố ốm. Ðã biết phải làm gì, Thành liền kéo thêm người bạn ra ga. Nạn nhân là một thiếu tá quân đội. Trong chiếc va-li "chiến lợi phẩm" đếm được 200 đồng cùng 200 đôi tất. Thấy "trí tuệ" của mình phát huy hiệu quả, Thành ngày càng dấn sâu vào tội lỗi. Tuy nhiên, cũng từ đó, anh chỉ gây án một mình nên suốt thời gian dài hầu như không mấy người biết.

Năm 1979, Thành 14 tuổi. Bố anh từ miền nam ra, bắt đầu áp dụng kỷ luật quân đội để dạy dỗ thằng con "vô tổ chức". Mâu thuẫn giữa hai bố con đến hồi không dàn xếp được. 16 tuổi, Thành làm đơn xin đi bộ đội. Huấn luyện được ba tháng ở Kinh Môn, nhưng tuần nào cũng về nhà một lần. Vì lý do đơn giản: "Phải làm sao có được hai-ba trăm để đãi đằng bè bạn". Thế là về nhà, ra chợ trộm cắp, đi tàu thì móc túi trên tàu. Quen tính, khi xong huấn luyện, về đóng quân ở miền rừng núi Quảng Ninh chỉ được chưa đầy năm đã đào ngũ ba lần. Rồi cơ hội đến, Thành được gọi học lớp sĩ quan cấp tốc 18 tháng. Ra trường đeo lon thiếu úy, chỉ huy cả trung đội xây dựng, ngỡ cuộc đời bước sang trang mới. Nhưng không. Do vẫn giữ cách nghĩ, cách làm tùy tiện, cho lính nghỉ phép xả láng cả tháng trời, cho nên "tử tế" được không lâu đã lại nhận thêm án kỷ luật mới. Ấm ức, Thành khoác ba-lô về nhà, ít ngày sau xin xuất ngũ. Cuộc sống tự do vỉa hè, đường phố lại dang rộng vòng tay chào đón anh. Lần này thì anh trượt dài, mãi không gượng dậy được. Tính ra, đoạn dốc ấy dài ngót 14 năm 6 tháng, trong đó có hai án tù giam, tổng cộng 9 năm 6 tháng, đi khắp các trại: Hoàng Tân, Hoàng Tiến (Chí Linh, Hải Dương), Thanh Lâm (Thanh Hóa), Quyết Tiến (Hà Giang)...

Bằng mọi cách luồn lách, kể cả thời gian đang thi hành án, Thành vẫn có thể kiếm tiền. Dạo được đi khai thác rừng ở Chí Linh, lợi dụng cơ chế quản lý "cho phép lạc rừng 24 giờ", lúc thì bán trộm gỗ, lúc lấy trộm cưa, lúc vòng sang Mai Sơn (Hà Bắc) đập trộm va-li của các hộ làm lâm trường, thậm chí ghé hẳn vào chợ, vào ga móc túi... Cho đến khi dừng chân ở Cổng Trời (Hà Giang), lần đầu tiên mới biết thế nào là làm ra của cải một cách lương thiện. Anh được giao phụ trách một đội sản xuất nông nghiệp gồm 67 tù nhân và trở thành "đầu gấu của các loại đầu gấu liên tỉnh". Khi trại giao chỉ tiêu 7 tấn lúa/1,5 ha, anh thực hiện được 9 tấn. Sau giao 14 tấn, anh nộp 17 tấn. Trước lúc rời trại, anh còn tự trồng 7 nghìn gốc sắn tặng lại anh em. Cũng chính trong quãng thời gian này, chứng kiến những cuộc thăm viếng có chồng có vợ, có cha có con khiến anh rưng rưng nước mắt. Anh ao ước có một mái ấm gia đình.

Tiếc rằng cái mái ấm mà anh tạo dựng khi ra tù đã nhanh chóng vỡ đổ. Buồn chán, anh lao vào ma túy, không còn kiêng dè nữa. Nào thuốc phiện, đô-na-găng, hê-rô-in... Mới đầu trộm cắp lấy tiền mua thuốc. Sau chuyển qua bán lẻ cho những con nghiện khác để có tiền tiêm chích lu bù. Nhưng đến khi nằm trên đống tiền nhìn lại, gia đình đã tan nát cả: mẹ phải vào tù, hai em trai đều nghiện nặng. Còn anh, nếu mãi là thằng nghiện thì không thể có vợ, không thể có con và mãi mãi không thể có một gia đình đầm ấm được. Anh quyết định tự cai nghiện, và bỏ luôn cái nghề bán ma túy một vốn mười lời, mà bạc nhân, bạc nghĩa ấy.

Song số phận chưa cho Thành quay đầu trở lại. Tháng 9-1996, thêm một lần anh vào tù với tội danh trộm cắp tài sản công dân. Tòa xử bốn năm tù giam. Có lẽ đây là những ngày tù êm ả nhất trong đoạn đời tội lỗi của mình. Anh bình tâm nhìn lại quá khứ, toan tính tương lai. Dứt khoát phải lấy vợ, sinh con, phải sống bằng được cuộc sống của một người bình thường trong xã hội. Cho dù nghèo, dù khó cũng phải ngẩng cao đầu mà sống. Rồi anh cũng gặp được một nửa cuộc đời mình. Anh bảo chỉ vài lần gặp gỡ, anh đã biết chị sẽ là vợ anh.

Yêu nhau được nửa năm, anh chị làm đám cưới. Kể từ đó, cuộc sống của Thành thay đổi hẳn. Anh được phường phố, các ban, ngành, đoàn thể, bà con chung quanh quan tâm, động viên, an ủi, được quỹ xóa đói giảm nghèo cho vay một triệu đồng mua xích-lô để kiếm sống. Ngoài thời gian dầm dãi ngoài đường, Thành đã có một quầng sáng nho nhỏ để hướng về. Nó đánh thức trong anh niềm khao khát được lo toan, gánh vác. Nó rực rỡ trong anh cái hy vọng ở tương lai rằng con anh nhất định sẽ không giẫm lại những vết chân tê tái của cha nó. Con anh rồi sẽ học hành tử tế, sẽ được sống, được phấn đấu, cầu tiến bộ, trưởng thành như bao người bình thường, điều mà anh vật vã mới đạt được.

Giờ đây, sự hướng thiện của Thành đã thêm phần ý nghĩa hơn. Anh không chỉ hòa nhập với cộng đồng mà còn tham gia giúp những người lầm lỡ khác trong việc tái hòa nhập. Thuận lợi hơn khi tháng 10-2003, anh được cấp ủy, chính quyền phường Quang Trung giới thiệu trở thành một nhân viên tiếp cận cộng đồng theo dự án của Trung tâm y tế dự phòng HIV/AIDS. Tại đây, suốt thời gian qua, anh đã trực tiếp gặp gỡ 120 đối tượng nghiện ma túy, giảng giải cho họ những biện pháp phòng ngừa HIV/AIDS, khuyên họ đi xét nghiệm và tham gia vào những chương trình dự phòng, chương trình tái hòa nhập cộng đồng. Ðến nay, 80 người trong số họ đã thực hiện tốt các biện pháp do anh hướng dẫn. Niềm vui có việc làm, thêm nguồn thu nhập (khoảng 750 nghìn đồng/tháng), được cống hiến vì mọi người, ngày càng khiến anh sống tốt hơn. Sự chuyển biến trông thấy được, đó là anh đã tự biết bằng lòng với những gì mình có, với cuộc sống mà anh cho là hạnh phúc.

Lúc chia tay, nhìn vào mắt anh, tôi hỏi:

- Thế anh còn mong ước gì nữa không?

Anh đáp lại, cũng bằng cái nhìn rất thẳng:

- Cố được đến đâu, tôi sẽ làm đến đấy. Nói thế nào, tôi sẽ thực hiện đúng như vậy. Còn bảo mong muốn hơn thế nữa, thì... Thôi, hẹn anh lần sau nhé.

Ghi chép của ÐẠI HOÀNG