Tốt nghiệp mỹ thuật, vẽ tranh bằng vi tính. Lại đi học ngành y rồi mở phòng mạch. Đang ăn nên làm ra bỗng nghỉ ngang đến sống chung với người nhiễm HIV để chăm sóc. Sáng tác nhạc. Chơi đàn khá. Có nhiều truyện đăng báo, in sách. Bỏ tiền túi cấp học bổng cho sinh viên, học sinh... Đó là chân dung của một người bại liệt từ nhỏ: Tuấn xe lăn
Tuấn không tiêu tiền nhưng rất cần tiền. Ngày bố mẹ anh tạm chia gia tài, Tuấn xin không nhận phần mình nhưng lại ra điều kiện: bất cứ khi nào anh cần, bố mẹ và anh chị cũng phải sẵn lòng giúp anh. Rồi Tuấn thoáng buồn khi nhắc đến quỹ học bổng của mình: “Mấy năm nay tôi vẫn dành tiền để trao học bổng vượt khó cho sáu em sinh viên, học sinh (trong đó có em không hề bị tật). Nay đã cạn vốn rồi, xin tiền nhà hoặc vận động bạn bè cũng được nhưng sợ phiền...”.
Mới đây, trong chuyến ra Hà Nội, Tuấn gặp một thanh niên đứng nặn tò he trước đền Ngọc Sơn. Xúc động trước chàng thanh niên nói năng hiểu biết mà vẫn giữ nghề truyền thống trước thời buổi này, anh viết truyện ngắn “Lão tò he” rồi gửi dự thi. “Giải thưởng đến 30 triệu đồng. Biết là khó nhưng... biết đâu...”.
Khi Tuấn khước từ tất cả để lăn xe đến ở cùng các em nhiễm HIV/AIDS trong Nhà Hy vọng (thuộc chương trình Thảo Đàn, một tổ chức thiện nguyện) ở Bình Hưng Hòa, Bình Tân, TP.HCM, gia đình và bạn bè anh “sốc” thật sự. Nhiều người nể phục nhưng cũng có người ái ngại. Còn Tuấn cứ bình thaín viết truyện, sáng tác nhạc và dạy tất tần tật những gì mình biết cho các em. Thời khóa biểu quay vòng, khép kín và dính chặt Tuấn như sự dính chặt của chiếc xe lăn vào đời anh ngay khi còn tấm bé.
Chập chững trên... xe lăn
Nhà Tuấn ở phường Tân Biên, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Gia đình khá giả, những tưởng đời Tuấn sẽ lớn lên trong ấm êm, hạnh phúc. Nghiệt ngã thay, năm hai tuổi Tuấn bị bại liệt, chân tay teo dần. Đứa trẻ tập đi chưa vững, đôi mắt tròn xoe đã phải sớm ngồi trên xe lăn ngác ngơ trước cách di chuyển khác thường của mình. Nhìn lũ bạn tung tăng đá cầu, bắn bi, không ít lần Tuấn ấm ức khóc. Bố mẹ và anh chị Tuấn càng thêm đứt ruột. Rồi năm rồi tháng cũng qua, lấy được bằng Tú tài, Tuấn thi đậu vào khoa sơn dầu trường Cao đẳng Mỹ thuật TP.HCM.
Ra trường, anh mở một xưởng tranh nho nhỏ ở Biên Hòa. Tranh anh vẽ, người mua cũng nhiều. Nhưng “nghệ thuật khắc nghiệt ở chỗ người nghệ sĩ luôn thấy bất lực trước nó” - Tuấn tâm sự. Những bức tranh nhuốm màu ảm đạm đã không thể kéo Tuấn thoát khỏi cái tâm trạng u uất như cuộc sống hiện tại của anh.
Lương y mát tay
Một lần, khi nhận vẽ chân dung cho cha của một lương y, anh bỗng nảy sinh ý định theo nghề, vì “Nghệ thuật nâng đỡ tâm hồn nhưng chữa bệnh cứu người xem ra thiết thực hơn nhiều”. Gác cọ, Tuấn lăn xe theo vị lương y. Ông thầy thương đứa học trò tật nguyền, nhân ái và giàu nghị lực, dốc lòng dốc sức truyền nghề. Tuấn học rất nhanh. Xong, anh mở phòng khám, bắt mạch, kê toa, châm cứu... “Nhưng tôi không bán thuốc, tiền công cũng chỉ nhận tượng trưng. Đa số người bệnh là dân nghèo, mà nghề này là nghề làm phước”. Vậy mà phòng mạch Tuấn lúc nào khách cũng nườm nượp. Một số anh chị trong Hội Y học dân tộc Đồng Nai thấy Tuấn có duyên với nghề khuyên anh nên học thêm y sĩ.
Học xong, kết hợp Đông-Tây y, phòng mạch Tuấn càng đông gấp bội. Bố mẹ, anh chị Tuấn khấp khởi mừng. Năm anh em ở nước ngoài, bốn người trong nước đều có công ty riêng, không ai muốn em mình vất vả. Nhưng Tuấn muốn tự đứng trên đôi chân của mình - dù tật nguyền - chứ nhất định không dựa dẫm. “Kỷ niệm khó quên nhất trong nghề là tôi đã cứu sống một cô bé bị một bệnh viện ở thành phố “chê”, bảo về nhà ăn uống chờ ngày... thanh thản. Chắc cũng do phước chủ may thầy thôi!” - Tuấn kể. Từ phương thuốc “gia truyền” của thầy, kết hợp châm cứu hàng ngày, dần dần cô bé phục hồi và khỏe hẳn.
Chủ nhiệm …Vòng tay
thân thương†
Vậy mà đùng một cái, Tuấn đóng cửa phòng mạch. Người thân và bạn bè anh chưng hửng. “Nuông chiều quá nên quá quắt đến thế là cùng” - bố Tuấn mắng. “Tôi nói với bố mẹ tôi rằng cứu người là tốt nhưng giúp một người lầm lỡ trở thành người đàng hoàng, sống có ích thì đáng quý hơn nhiều”. Tuấn chuyển sang làm công tác xã hội!
“Ban đầu tôi tập hợp mấy em học sinh cấp 2, cấp 3 lại thành một nhóm, gọi là nhóm “Vòng tay thân thương”. Rồi tổ chức cho các em sinh hoạt văn nghệ, học đàn và phụ đạo văn hóa luôn. Em nào học giỏi, hạnh kiểm tốt, tôi tặng quà. Em nào học hành lơ mơ, bị nhóm phê bình trong ngày “bình đức” sẽ bị chế tài không cho đi cắm trại. Dần dà quân số lên đến 120 em, phải chia tổ ra hoạt động”. Cách thức tập hợp thanh, thiếu niên như vậy các em học sinh rất khoái. Kết quả: 70% trong nhóm tốt nghiệp đại học và đang học đại học; 10% tốt nghiệp cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; số còn lại xong tú tài đi làm ngoài. Điều đáng nói là trong số này không có em nào hư hỏng.
Mỗi năm, cứ em nào trong nhóm đậu đại học điểm cao là Tuấn bỏ tiền túi và huy động thêm từ phụ huynh, bạn bè tổ chức tiệc khao tân khoa. “Tiệc xoàng thôi nhưng các em dự đông lắm, có hẳn phụ huynh đến dự nữa. Em nào cũng cố gắng để năm sau mình được vinh dự thầy Tuấn tổ chức cho buổi tiệc khao...”.
…Chủ hộ†
Nhà Hy vọng
Khi Tuấn bỏ ngang phòng mạch, anh Hai của Tuấn mắng: “Mày là thằng dở trăng dở đèn, cái gì cũng biết một chút, cũng muốn nhúng tay vào”. Tuấn cãi: “Mỗi người có quan niệm sống riêng. Anh thích làm kinh tế, tôi thích làm từ thiện. Mục đích học của tôi không phải để kiếm tiền”.
Mục đích của anh là muốn “giúp người có hoàn cảnh không may biết ngẩng cao đầu vượt qua mặc cảm để sống có ích, dù thời gian sống còn lại chẳng là bao”. Thôi thúc mãnh liệt ấy khiến Tuấn mạnh dạn lăn xe vào ngôi nhà Hy vọng - nơi trú ngụ của những người hầu như không còn chút hy vọng nào. Khi đến đây, “vốn liếng” của Tuấn chỉ là sự cảm thông, một vài tài vặt (chữ dùng khiêm tốn của Tuấn), chút ít kiến thức ngành y và ít kinh nghiệm từ những ngày làm thủ lĩnh “Vòng tay thân thương”. Mọi việc ban đầu không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Thằng Tâm mới vào vẫn chưa được cắt “ken” hẳn; thằng Sửu nhà ở ngay Cầu Muối nên lúc nào cũng ngong ngóng muốn về; thằng Hùng chẳng chịu ăn uống, chỉ muốn chết; thằng Hải giấu nhẹm chuyện lở lói ở vùng kín... Chúng né tránh và “nhạt” với sự quan tâm, chăm sóc của anh.
Tuấn buồn nhưng không nản. Anh nhờ các anh trong chương trình Thảo Đàn hướng dẫn thêm. Hàng loạt sách về công tác xã hội, phát triển cộng đồng, tâm sinh lý trẻ đường phố... được anh cố gắng “tiêu hóa”. Có điều gì không hiểu, anh tìm đến cô Oanh (thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh) nhờ giải thích. Anh lên mạng tìm kiếm những kiến thức liên quan. “Tấm lòng không chưa đủ, phải có phương pháp khoa học mới mong thay đổi được cách nghĩ rồi mới tính đến thay đổi hành vi của bọn trẻ” - Tuấn tâm sự. Ngày một ngày hai, bọn trẻ thân thiện với anh dần. Ở cùng nhà, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường với những người nhiễm bệnh khả năng lây nhiễm rất cao, vậy mà Tuấn không sợ. Có sự cảm thông, chia sẻ nào hơn thế! Cảm nhận điều đó, bọn trẻ bị thuyết phục hoàn toàn.
Trước anh là một bác sĩ đảm trách chuyện khám bệnh, chẩn đoán và chăm sóc bọn trẻ. Từ khi nhận việc, anh lo luôn khâu này, chỉ khi nào ngoài tầm với anh mới nhờ đến người bác sĩ nọ. Mấy năm qua, anh như một người cha, người anh trong ngôi nhà này. Anh dạy đàn, dạy vi tính, chụp ảnh và cả vẽ tranh cho bọn trẻ. Anh hướng dẫn chúng biết cách tự bảo vệ mình trước cái nhìn có phần miệt thị của một số người, biết phòng tránh lây lan cho người khác... Bọn trẻ biết nghe lời, biết yêu thương, chăm lo học hành và giữ gìn sức khỏe tốt.
…Hiệp sĩ Công nghệ thông tin†
Công việc tại Nhà Hy vọng bù đầu bù óc nhưng Tuấn vẫn sắp xếp thời gian để vẽ tranh, viết truyện và sáng tác nhạc. Nhiều bức tranh của anh được người trong giới đánh giá khá, thực tế anh cũng bán được nhiều bức lấy tiền làm quỹ học bổng. Hơn một chục truyện ngắn của anh được đăng trên các báo. Với truyện dài Cây thông xanh in trong tủ sách Tuổi mới lớn, bạn đọc tuổi xanh tỏ ra yêu thích phong cách kể chuyện hồn nhiên, dí dỏm của Tuấn. Người lớn cũng học được từ truyện những bài học giá trị về cuộc sống, về cách ứng xử ở đời. Điều thú vị là bối cảnh trong truyện lại “quay” ở Hà Nội nhưng trước đó anh chưa từng đặt chân đến! Vậy mà đúng, mà chính xác đến không ngờ. Từ Bệnh viện Bạch Mai đến hồ Gươm, hồ Tây, từ phong tục tập quán đến lời ăn tiếng nói hàng ngày, cứ y như tác giả từng “ăn dầm nằm dề” ở đấy.
Tuấn còn có thể “múa” trên bàn phím vi tính. Với những kiến thức sơ đẳng từ khóa học sơ cấp, anh mua sách về tự mày mò, rồi làm quen với các phần mềm ứng dụng. Bây giờ anh đã có thể vẽ tranh, viết nhạc trên máy tính. Phần lớn thời gian trong ngày anh dành dạy vi tính cho bọn trẻ.
Những đóng góp thầm lặng, đầy ý nghĩa của Tuấn đã được Tuần tin e-Chip trao tặng biểu tượng “Hiệp sĩ Công nghệ thông tin 2004”. “Mấy anh chị khuyết tật gợi ý nên lập câu lạc bộ tin học dành cho người khuyết tật. Sắp tới tôi sẽ làm, cũng là để đáp lại sự tin tưởng của anh em.” - Tuấn thổ lộ.
Tuấn nói người bình thường gặp chuyện buồn đau có khi còn tuyệt vọng, chán chường, huống chi là người khuyết tật. “Không ít người nhìn chúng tôi bằng con mắt không mấy thiện cảm. Tôi muốn mọi người sẻ chia, cảm thông hơn và quan trọng nhất là chính những người khuyết tật phải thay đổi cách nghĩ, phải thật sự lạc quan”.
San sẻ ước mơ
Gần nhà Tuấn ở Biên Hòa có em Mỹ Hương cũng ngồi xe lăn nhưng năm nào cũng đạt học sinh khá giỏi. Nhà nghèo, Mỹ Hương là chị cả, đôi lần cô bé định bỏ học. “Bỏ học thì giúp gia đình được gì?” - nghe chuyện, Tuấn tìm đến “giũa” cho một trận. Cô bé Mỹ Hương nghe lời, tiếp tục vượt khó đến trường, nay sắp vào đại học. “Mỗi lần về nhà, tôi hay đến động viên, kiểm tra bài cô bé. Cô bé thích ngành xã hội học, ý định sau sẽ làm công tác xã hội”. Không chỉ động viên tinh thần, Tuấn còn thường xuyên bỏ tiền túi ra giúp đỡ Mỹ Hương khi em cần. Anh nói nếu Mỹ Hương đậu đại học, anh sẽ tặng chiếc xe máy ba bánh của anh để Mỹ Hương đi học cho tiện.
sss
Khó có thể hình dung một tập thể những con người nhiễm HIV đầy mặc cảm, chán chường, thậm chí “hận đời” lại có thể sống hòa thuận, yêu thương và trật tự như một gia đình chuẩn mực. Vậy mà Mái ấm Hy vọng lúc nào cũng tràn đầy tiếng nói cười, tiếng đàn ca vang vọng. Tuấn đã giúp họ nhận rõ phải làm gì trong phần đời còn lại. Thằng Tâm bây giờ hàng ngày đạp xe đến trung tâm giáo dục thường xuyên học văn hóa. Thằng Hùng lúc nào cũng kè kè chiếc máy ảnh đời “cũ hung rồi” mà vẫn có ảnh nghệ thuật triển lãm ở khách sạn Sofitel khiến người xem phải sững sờ. Thằng Sửu thỉnh thoảng được về thăm nhà nhưng không còn ý định trốn “đi bụi” để được chơi “ken” thỏa thê rồi chết cũng được...
Hết giờ học chính khóa ở trường, đám trẻ lại ôm ghi-ta ngồi quanh Tuấn bập bùng những khúc nhạc yêu đời mà hôm qua chúng vừa mới học. Thằng Sơn coi bộ sướng nhất, nó vung tay hào hứng gõ trên bộ trống thầy nó tự chế... Tuấn ngồi trên xe lăn gật gù khen đứa này tiếp thu nhanh, đứa kia đánh có hồn. Gương mặt anh bừng sáng như phản chiếu niềm vui từ trong lòng, như vừa vẽ xong bức tranh để đời.
Với tay lấy cây đàn, đôi chân teo tóp của Tuấn ngo ngoe sửa thế ngồi trên chiếc xe lăn. Những ngón tay ngoặt ngoẹo của anh bắt đầu khua lên phím. Anh cất tiếng, bọn trẻ hòa theo. Bỗng chốc, ngôi nhà Hy vọng tràn những thanh âm rộn rã. Tác giả: NGÔ THÁI BÌNH
▪ Những người tình nguyện Lên rừng chăm sóc người nhiễm HIV (16/11/2004)
▪ TP HỒ CHÍ MINH:Hạn chế tạm giam quá hạn; Phạm nhân nhiễm HIV được về nhà điều trị? (16/11/2004)
▪ Học viên cai nghiện được học gì để tái hòa nhập cộng đồng? (15/11/2004)
▪ Truyền thông HIV đã đi lệch hướng (13/11/2004)
▪ Giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử với người bị HIV/AIDS (11/11/2004)
▪ TPHCM hỗ trợ dự án việc làm cho người sau cai nghiện (10/11/2004)
▪ Đúng! Anh bị nhiễm HIV (09/11/2004)
▪ Người nhiễm HIV/AIDS thường xuyên bị từ chối làm việc (10/11/2004)
▪ Kỳ thị làm tăng số người nhiễm HIV (06/11/2004)
▪ Hoạt động phòng chống ma tuý - Rất cần những tấm lòng như thế! (02/11/2004)