Vượt qua sự lo sợ bị lây nhiễm, nhiều người tình nguyện đã đến tận Trung tâm Cai nghiện ma túy Trọng Điểm nằm sâu trong rừng núi Phước Long để chăm sóc cho người bệnh AIDS thời kỳ cuối.
Do người bệnh AIDS giai đoạn cuối không thể tự lực được nên mọi sinh hoạt từ ăn, mặc, vệ sinh... đều phải có người hỗ trợ. Tháng 5-2004, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Y tế tập huấn cho gần 100 người tình nguyện chăm sóc cho người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó gồm 15 sơ, 50 người sau cai và nhân viên y tế của các trung tâm.
Trước đây, qua nhiều kênh thông tin Sở đã kêu gọi, tuyển người điều trị, chăm sóc các bệnh nhân nhiễm HIV. Thế nhưng đã không tuyển được ai ngoài hai bác sĩ mới lên cùng với các sơ và những người học viên sau cai tình nguyện. Phải nói rằng những người tình nguyện chăm sóc người nhiễm HIV làm rất tận tình, chu đáo, hết mình vì người bệnh.
Khoảng cuối tháng 9 tới, khu AIDS Trọng Điểm sẽ được đưa vào hoạt động với khoảng 300 giường, sẽ cần ít nhất 150 người chăm sóc, điều trị... Chúng tôi dự kiến nhờ Sở Y tế hỗ trợ thêm người và sẽ tuyển thêm những người sau cai tình nguyện.
Sơ làm con nhớ mẹ quá!
Mới 8 giờ 30 ngày 13-8 đã có ba bệnh nhân được đưa đến phòng cấp cứu của trạm xá Trung tâm Cai nghiện Trọng Điểm: một bị zona (da bị phồng mụn nước), một suy hô hấp, một hạ thân nhiệt; cả ba đều là bệnh nhân AIDS. Chị D., người bị zona, đau đớn oằn oại trên giường, được sơ Tố Nga dìu lên băng ca, cho uống thuốc và rửa vùng da bị viêm nhiễm. Giường bên cạnh, sơ Kim Hương thoa thuốc vào vết loét của người suy hô hấp. Một sơ khác lau mặt, xoa dầu cho anh H. đang bị sốt. Mỗi người vừa làm vừa nhỏ nhẹ hỏi chuyện bệnh nhân như một liệu pháp giúp giảm cơn đau. Tôi nghe lỏm được câu chuyện giữa họ với giọt nước mắt của anh H. lăn dài xuống gối: “Chườm đá hả sơ? Sơ làm con nhớ nhà, nhớ mẹ quá!”... “Mẹ con cũng bằng tuổi sơ”... “Việc con làm con chịu, chỉ thương mẹ, thương anh”...
Sau buổi sáng tất bật, các sơ về phòng riêng làm yaourt cho bệnh nhân ăn nhằm tăng thêm sức đề kháng. Yaourt làm bằng sữa hộp, còn năm con bò sữa mà các linh mục mang lên tặng cho Trung tâm phải đợi đến vài tháng nữa mới cho sữa được. Họ gồm 14 sơ và một nam tu sĩ, đa phần là y sĩ, điều dưỡng đã có kinh nghiệm chăm sóc người nhiễm HIV. Khi nghe tin Trung tâm Cai nghiện Trọng Điểm mở khu AIDS dành cho người nhiễm HIV giai đoạn cuối, họ đã đăng ký đến tình nguyện phục vụ. Sơ Thúy Nga, trưởng nhóm, tâm sự: “Chúng tôi muốn những ngày cuối đời, các em được bình an. Chính những lúc này, các em cần sự thương yêu, chăm sóc. Nếu cho bệnh nhân viên thuốc mà không có sự động viên về tinh thần thì nỗi đau khó giảm”. Sơ Tố Nga kể: “Những em bị nấm lưỡi không ăn được, chúng tôi rửa thuốc rồi cho ăn yaourt, trò chuyện. Có vậy thôi mà khi khỏe lại đôi chút, các em cứ nhắc hoài”. Nghe các sơ kể về thực trạng người bệnh AIDS ở đây đang cần chăm sóc, hai bác sĩ cũng đã tình nguyện lên công tác. Trong đó, bác sĩ Sơn đã có mười năm gắn bó với bệnh nhân HIV ở Thái Lan và Ấn Độ.
Muốn sống có ích
8 giờ 30 sáng hôm sau, các sơ cùng 15 người sau cai tình nguyện đã đi đến các phân trại C, D chăm sóc các học viên bị bệnh và nhiễm HIV. Những người ngày nào còn vật vã trong thời gian cắt cơn giờ đã khỏe mạnh, phổng phao hẳn ra. Trần Công Thành đĩnh đạc trong bộ áo bluese đang gỡ mủ và sát trùng da của một người bị nhiễm HIV. Thao tác của Thành rất thuần thục, tay làm miệng hỏi: “Rát không? Chút nữa nhớ nhắc tui cắt móng tay cho nghe, để dài quá sẽ nhiễm trùng đó!”. Xong một bệnh nhân, Thành thoa thuốc sát trùng cho một người bị nấm da đầu. Hai người vừa bôi thuốc vừa thủ thỉ nhỏ to như thân thiết lắm. Thành quay qua tôi, nhe răng cười hồn nhiên khoe: “Ảnh nói coi em vậy mà cũng có ích kìa chị!”. Ở băng ghế kế bên, Tâm tỉ mỉ gỡ từng mảng vảy da và sát trùng ghẻ cho một bệnh nhân khác. Trong một góc khuất bên cạnh, Minh, Dũng... dùng thuốc rửa những chỗ kín của các bạn. Giữa họ không hề có khoảng cách, sự ái ngại khi chăm sóc cho người bệnh AIDS. Tâm và các bạn nói họ xem người nhiễm HIV như bạn thân, nếu ai xem người nhiễm HIV như bệnh nhân thì không thể làm tốt được.
Xoa dịu cơn đau
Những người sau cai tình nguyện đến đã sống chung, chứng kiến những cơn đau dày vò cả thể xác lẫn tinh thần, đều có những kỷ niệm đau buồn với người thân bị nhiễm HIV nên ai cũng muốn: “Chia sẻ với những người kém may mắn vướng vào cái chết trắng”. Lúc còn cai nghiện tại Trung tâm Thanh thiếu niên 2, Nguyễn Quang Minh đã từng có một người bạn thân cùng phòng bị nhiễm HIV. Suốt những ngày cuối đời của bạn, Minh đã kề cận để lo cho bạn từng muỗng cháo, giặt áo quần, đánh răng, vệ sinh, dìu bạn ra đi tới lui để ngắm cảnh. Trường hợp của Nguyễn Thanh Tâm cũng vậy, khi còn ở Trung tâm Cai nghiện Bình Triệu, L., bạn thân Tâm, bị nổi zona. Mỗi khi gia đình đến thăm hỏi về những vạt mụn nước, L. nói dối bị giời leo. Suốt ngày L. chỉ nằm một xó, không màng tới ai. Càng giấu bệnh, tinh thần L. càng suy sụp và đã mất sau đó một tháng. Tâm tâm sự: “Theo kinh nghiệm, người bệnh có thể sống vài năm sau khi nổi zona. Vậy mà L. đi nhanh quá! Sau này mình mới hiểu L. mất nhanh là do tinh thần suy sụp. Mình ân hận vì đã không gần gũi, động viên bạn trong những ngày cuối đời”.
Tác giả: THANH MẬN
▪ TP HỒ CHÍ MINH:Hạn chế tạm giam quá hạn; Phạm nhân nhiễm HIV được về nhà điều trị? (16/11/2004)
▪ Tuấn xe lăn (16/11/2004)
▪ Học viên cai nghiện được học gì để tái hòa nhập cộng đồng? (15/11/2004)
▪ Truyền thông HIV đã đi lệch hướng (13/11/2004)
▪ Giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử với người bị HIV/AIDS (11/11/2004)
▪ TPHCM hỗ trợ dự án việc làm cho người sau cai nghiện (10/11/2004)
▪ Đúng! Anh bị nhiễm HIV (09/11/2004)
▪ Người nhiễm HIV/AIDS thường xuyên bị từ chối làm việc (10/11/2004)
▪ Kỳ thị làm tăng số người nhiễm HIV (06/11/2004)
▪ Hoạt động phòng chống ma tuý - Rất cần những tấm lòng như thế! (02/11/2004)