Những cuộc đời bị "gán nợ"
Các Website khác - 14/03/2002

Những cuộc đời bị "gán nợ"

Thành phố Hạ Long: Trẻ và xốc nổi. Càng ngày các tệ nạn xã hội càng ăn sâu vào, phá ruỗng nhiều gia đình. Về đêm, xe ôm hoạt động không hết việc để cung cấp gái điếm và ma tuý. Với tôi, hình ảnh một người đàn bà hơn 50 tuổi nhưng thân tàn ma dại, mỗi bước đi lại co giật liên hồi, mặt cắm xuống đất đến không nhấc lên nổi luôn luôn là sự ám ảnh.

Thắp hương trên bàn thờ trong túp lều với bà Liệu
chỉ là những dịp hy hữu.
Tam nam.. "bất phúc"
Người xưa nói "tam nam bất phú", nhưng với bà Lê Thị Liệu, ba con trai Nguyễn Mạnh Hiệp, Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Mạnh Hà đủ là một gia tài vô giá rồi. Chính vì thế mà khi ba thằng quỷ sứ - như lời bà nói - lần lượt nghiện ma tuý, đi tù vì buôn bán heroin rồi chết trong tù vì AIDS thì chuyện bà tăng huyết áp đột ngột, cấp cứu ở bệnh viện như cơm bữa không còn là sự phải ngạc nhiên. Tôi đến phường Trần Hưng Đạo hỏi thăm về bà, người bảo đang ở bệnh viện, người bảo nằm nhà, mãi khi mở cửa túp lều trơ vơ trên mé đồi cạnh Trường PTCS Kim Đồng, tôi mới biết chắc người mẹ bất hạnh đang nằm đó, thoi thóp và bất lực. Bằng một giọng ngơ ngác, nặng ngọc, bà kể cho tôi nghe câu chuyện riêng tư, kinh hoàng của chính mình nhưng lại như là kể về một người khác. Vốn là một nhân viên thương nghiệp thời bao cấp, năng động và xông xáo, đủ tuổi bà xin nghỉ mất sức làm nghề buôn chuyến để làm giàu đúng lúc ba đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Móng Cái mở cửa, việc đi lại biên giới cất các chuyến lớn vải vóc, đồ điện, tạp hoá với bà Liệu dễ như trở bàn tay. Bà sắm đủ cả, biến các con trai thành những quý tử giữa một cuộc sống tràn ngập tiện nghi. Bà không ngờ rằng chính đời sống hơn người đó đã tạo điều kiện cho chúng buông thả và bị hút vào tai hoạ lúc nào không biết. Hiệp là đứa đầu tiên nghiện ma tuý. Tin ấy với bà như sét đánh. Âậy là năm 1997. Sau đợt đó bà triền miên cấp cứu, triền miên vật vã. Dáng đi của bà đổ hẳn về phía trước, cúi gập và run rẩy. Bà ra viện với bệnh án huyết áp cao và lời dặn của bác sĩ: "Hãy tạo cho tâm trí luôn an tĩnh". Đối với bà, thứ độc dược mạnh nhất chính là sự thật mà bà không muốn nhưng vẫn phải chấp nhận. Bởi con trai thứ hai của bà tiếp tục nghiện theo anh nó. Và bà dự cảm đúng: Thằng út cũng hỏng nốt. Đến khi ấy, bà Liệu quỵ hẳn. Hằng đêm, sự giằng xé buộc bà phải tăng liều thuốc ngủ. Chưa hết, bà dồn cả lại, những muốn dùng thuốc an thần để chết đi cho đoạn kiếp. Và mặc dù được cứu chữa kịp thời nhưng di chứng của thuốc ngủ quá liều có lẽ còn nặng nề hơn rất nhiều so với cái chết: Huyết áp cao, liệt nửa người, nhũn não, packinson và kèm theo đó là những toa thuốc xa xỉ với đủ thứ đắt tiền. Không còn thứ gì đáng giá trong nhà nữa, bà Liệu chỉ có thể nằm chờ đến đoạn kết không phải do bà quyết định.

Sợ bà chìm lỉm trong mớ hồi ức đang cố quên đi đó, tôi dìu bà ra ngoài lều, nơi hoa lau liếm vào tận bậc cửa. Trái với ý muốn của tôi là để thư dãn, bà Liệu chợt chảy nước mắt khi nhìn thấy con đường mòn thân thuộc, nơi các con bà không khi nào trở về được nữa. Tháng 6.2001, Nguyễn Mạnh Hùng chưa chịu xong án đã chết trong trại giam số 5 Nghệ An vì AIDS giai đoạn cuối. Tháng 12.2001, Nguyễn Mạnh Hiệp chết trong trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh. Còn Nguyễn Mạnh Hà, mắt bà như vụt có hồn, bà mong được nhìn thấy thằng út trước khi nó đi theo các anh nó. Nhưng nó đang lĩnh án 3 năm rưỡi tù giam ở trại Hang Son chưa biết ngày nào ra, ngày nào chết. Nghe đâu nó cũng yếu rồi, tử thần đã chầu chực. Ba "quý tử" đến nay mới chỉ sống bằng nửa cuộc đời của bà: Hiệp chết năm 30 tuổi; Hùng chết khi 28 tuổi... Còn bà, mọi sự khuyên bảo đều vô hiệu. Bà đã chứng kiến tới 15 lần cả ba thằng đi cai nghiện. Nhưng tất cả chỉ là trò đùa cợt. Bà bảo: "Xin đừng nói với tôi rằng có thể từ bỏ ma tuý một khi đã ngập ngụa rồi. Tôi sống để mang án thay chúng nó vậy thôi". Đến đây tôi chợt nghĩ đến một sự thật mà cả tôi và bà ít nhắc đến. Đó là xưa bà rất giàu có, của cải từ những chuyến buôn dài sang tận đất Trung Quốc đủ để xếp gia đình bà vào hạng trung lưu. Nhưng không hiểu có phải do trào lưu hay không, bà đốt khá nhiều vào số đề và hụi họ. Vào lúc bà suy sụp và biết con trai nghiện cũng là lúc gia cảnh lâm vào lụn bại. Chủ đề ôm tiền chạy mất dạng. Còn gì đáng tiền trong nhà, "tam nam" của bà tranh nhau quơ cắp để nướng vào heroin. Bà gom góp chỗ còn lại, bán nhà để cai nghiện cho con và trang trải nợ nần. Có lẽ cái án bà đang mang là của cả gia đình: Một gia đình xấu số. Bà nấc lên: "Có lẽ khi thằng Hà đem nốt bộ quần áo mưa của bố nó đi bán, nó cũng biết chắc rằng bố nó sẽ bị ướt và lạnh. Nhưng nó vẫn len lén mang đi". Lúc đó bà biết. Nhưng không hiểu sao bà im lặng.

Chút ân huệ trời cho
Túp lều nơi hai vợ chồng bà Liệu dựng lên vốn là một bãi rác cũ của Trường PTCS Kim Đồng. Đã ba lần UBND phường Trần Hưng Đạo đến thông báo phải tháo dỡ công trình trái phép, song rồi họ cũng lờ đi để bà nương náu qua ngày. Bà Liệu bảo với họ, chờ khi bà chết, chồng bà cũng sẽ dạt về quê để trả mảnh đất này lại cho phường. Ông Nguyễn Văn Hường, quê An Lão (Hải Phòng) tóc bạc xơ trước tuổi, mặt đầy những nếp nhăn mệt mỏi. So với bà Liệu ông cứng cỏi hơn sau mỗi biến động của gia đình. Đến bây giờ ông vẫn chỉ có nghề xe ôm để kiếm mỗi ngày vài chục nghìn thuốc thang cho vợ. Cái xe Tàu ông vay mượn mua được để chạy xe ôm cũng đã bị các con cầm bán vài lần và lần nào ông cũng phải đích thân gò lưng chạy chuộc. Giờ đây, vì còn có chiếc xe máy, gia đình ông vẫn còn kiếm được nắm gạo bỏ vào nồi. "Trưa hôm nay - bà Liệu kể tiếp - ông ấy về sớm hơn mọi ngày, kêu có cơn đau tim tưởng ngã quỵ giữa đường. Mãi ông mới bò được lên đỉnh đồi. Cả tôi và ông ấy đều sợ khi một trong hai còn trơ trọi lại trên đời này".

Một chút ân huệ trời cho bà Liệu có lẽ là cô Bích Ngọc. Ngọc đẹp mê hồn: Tóc như mun, cao dong dỏng, da trắng, mắt xếch, gọn ghẽ trong bộ quần áo thời trang và đôi xìbô gộc. Ngọc là người yêu của Hà - thằng út của bà Liệu. Cô tình nguyện đến ở với bà Liệu 3 tháng nay để chăm sóc đỡ đần. Hàng ngày cô ngủ dưới đất. Không màn, cô đắp cái vỏ chăn trùm đầu để tránh muỗi. Cô biết không trông cậy gì được vào người yêu đã mắc bệnh AIDS ở giai đoạn cuối nhưng cô thương bà Liệu. Mỗi đêm, bà Liệu lên cơn co giật vì bệnh packinson, cô cố xua nỗi sợ chết chóc, chạy vụt ra đi tìm gọi láng giềng. Thỉnh thoảng, chắt ra từ chút vốn liếng từng buôn bán ở chợ, Ngọc mua tóp mỡ rắc muối đem vào thăm kẻ trong tù. Ai biết chuyện cũng bảo: Thật là chưa duyên đã nợ. Nhưng Ngọc thì bình thản. Chỉ có chiều nay, cô quên rửa bát bởi quá buồn phiền. Vì bà Liệu đã yếu lắm rồi. Nhìn Ngọc, không thể hiểu một trái tim nhân hậu như cô lại gặp phải số phận tàn nhẫn thế.

Phường Trần Hưng Đạo nằm ngay trung tâm thành phố Hạ Long, như cái tâm của trục bánh xe, càng quay càng cuốn nhiều rác rưởi. Với hơn 8.000 cư dân; 85 tổ dân phố; 2.038 hộ gia đình mà có tới trên 100 người nhiễm HIV theo thống kê chưa đầy đủ. Đã có trên 20 ca AIDS tử vong tất cả đều xuất phát từ tiêm chích ma tuý. Đây còn là nơi giao dịch buôn bán heroin "sầm uất" nhất. Quanh khu vực chân núi Nhà Thờ, bất cứ lúc nào người ta cũng có thể bắt gặp cảnh các con nghiện đánh xóc đĩa bằng 4 mảnh vỏ hạt dưa bé xíu. Đằng sau mỗi cuộc như vậy là hình thức thanh toán bằng ma tuý ngay tại chỗ. Câu lạc bộ "Đồng cảm" do Hội Phụ nữ phường thành lập gồm những người có con hoặc chồng nhiễm HIV cũng hoạt động sôi nổi không kém Câu lạc bộ Thơ phường. Nhưng những nỗ lực đó dường như cũng chẳng răn đe hay an ủi được mấy nhà. Những gia đình khá giả có người bệnh HIV thường kín tiếng hơn. Thậm chí họ đe sẽ kiện nếu nói họ bị bệnh AIDS. Còn những nhà nghèo, mọi túng bấn và tủi hổ phơi ra chẳng biết giấu vào đâu. Khi nghe tôi thuyết phục rằng: Mỗi người sinh ra trên đời đều có phúc phận riêng và xin phép được chụp ảnh, viết về gia cảnh của bà Liệu, bà gật đầu đồng ý. Sâu trong tâm can của một người mẹ, bà vẫn còn nghĩ được rằng sự đày ải mà bà đang gánh chịu xứng đáng để nói lớn cho tất cả mọi người khác. Tôi biết đối với bà mọi lời an ủi giờ đây sáo rỗng. Bà nằm đó mà như đã đi hết cuộc đời, một cuộc đời bị chính những đứa con ruột thịt của mình "gán nợ" cho ma tuý.