Trong các Trung tâm GDLĐXH của Hà Nội, chỉ có Trung tâm GDLĐXH số 2 (Ba Vì, Hà Tây) là có học viên nữ. Tiếp xúc với những người đẹp đang cải tạo tại đây, cô nào cũng tỏ ra ngoan ngoãn và bày tỏ nguyện vọng sẽ tìm công việc tử tế để làm lại cuộc đời.
![]() |
Các học viên trở về sau giờ lao động. Ảnh : CAND |
Nhưng con đường trở thành người lương thiện khi trở về xã hội với các cô gái, xem ra còn nhiều chông gai…
Tôi đến Trung tâm GDLĐXH số 2 đúng lúc các cán bộ của Trại Lộc Hà, đưa gần chục cô gái mại dâm lên bàn giao cho trung tâm. Cô thì mặt mũi rầu rĩ, cô mặt tỉnh bơ, lấc láo nhìn xung quanh.
Đối với các cô gái hành nghề "đứng đường" thì sợ nhất là việc bị bắt đưa vào đây. Thế nhưng khi đã đến đây rồi, họ hiểu không còn con đường nào khác và chấp hành một cách ngoan ngoãn, khác hẳn sự ngang tàng, bất cần… khi họ ở ngoài xã hội.
Chị Nguyễn Thị Thanh - Phó phòng Y tế của trung tâm cho biết, hầu hết các cô gái vào đây đều tìm cách giấu tiền và ma tuý để mang vào trại sử dụng. Cách giấu phổ biến mà các cô chọn là ngậm trong miệng hoặc nhét vào chỗ kín.
Có lần, cán bộ y tế lôi ra được một cục tiền lên đến mấy triệu đồng. Mà phần lớn các cô gái vào đây đều mắc bệnh xã hội nên tìm được "tang vật" của các cô cất giấu, cán bộ y tế không khỏi ghê tay.
Ma tuý + mại dâm = HIV:
Với 700 học viên nữ hiện ở trung tâm, có 90% là học viên 2 trong 1 (tức là vừa nghiện ma tuý, vừa hành nghề mại dâm), 30% trong số đó thuộc dạng 3 trong 1 (nghiện ma tuý, mại dâm và có HIV).
Thế nên việc khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ ban đầu cho các người đẹp rất quan trọng. Mỗi cô được lập một hồ sơ bệnh án, sau đó xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, xét nghiệm HIV… để quản lý, chữa bệnh và tư vấn cho họ các phòng chống lây nhiễm.
Ma tuý và mại dâm là con đường ngắn nhất dẫn tới HIV. Bản thân các cô gái ở đây đều hiểu được điều đó nhưng ngay cả khi phát hiện mình có HIV, các cô cũng không nhớ nổi người đã truyền nhiễm bệnh cho mình.
Một cán bộ của trung tâm giải thích: Ma tuý và mại dâm luôn đi liền nhau. Các cô gái nghiện ma tuý, ắt tìm đến con đường bán dâm để có tiền thoả mãn cơn nghiện. Còn các cô gái bán dâm rất dễ bị lôi kéo vào ma tuý.
Ban đầu, khi còn trẻ trung xinh đẹp, các cô được nhà hàng, karaoke tuyển chọn phục vụ khách. Một thời gian, khi nhan sắc tàn phai, cũng là lúc các cô trở thành những con nghiện ma tuý nặng, các chủ nhà hàng sẽ hất cẳng các cô ra đường.
Không có cách nào khác, tối tối, các cô chọn các khu vực công cộng để bắt khách. Và một ngày nào đó, các cô sẽ bị bắt giữ về hành vi bán dâm, hoặc bị bắt trong các đợt quét vét tệ nạn xã hội.
Đường về chông gai…
Trong số các cô gái đang cải tạo tại trung tâm, Phượng, 23 tuổi, ở Hà Nội được đánh giá là người đẹp có học nhất với trình độ năm thứ 2 ĐH Ngoại ngữ.
Cán bộ trung tâm cho biết, Phượng không chỉ là người nổi tiếng trong trại mà còn nổi tiếng ở ngoài xã hội. Xinh xắn, lại có học thức, Phượng nằm trong đường dây "gái gọi" thuộc loại cao cấp. Những cuộc chơi bời trác táng, Phượng được bạn bè cho sử dụng "thuốc lắc".
Tôi hỏi: "Em đã sử dụng loại tim lồng chưa?", Phượng gật đầu và còn khoe dùng thêm cả "ke" (ketamin) - loại ma tuý thời thượng của giới ăn chơi. Phượng bảo mỗi cuộc chơi như vậy, sơ sơ cũng vài triệu đồng. Một là được bao, hai là phải góp tiền. Mà sinh viên như cô thì kiếm đâu ra tiền, ngoài con đường bán mình cho quỷ dữ.
Trong một lần cùng đám bạn thuê nhà nghỉ để lắc, Phượng bị cơ quan Công an bắt giữ và chuyển tới Trung tâm Lộc Hà. Phượng tỏ ra rất ân hận và mong muốn sau khi ra trại sẽ đi học tiếp.
Mặc dù cùng tuổi với Phượng nhưng Loan, người Thanh Trì, xem ra già dặn hơn với đôi mắt sắc như dao đong đưa. Sinh ra trong một gia đình làm nghề nông, chưa hết cấp 2, Loan bỏ học, tìm đường lên thành thị kiếm việc làm. Cô nhanh chóng được tuyển vào một quán karaoke.
Con đường từ tiếp viên tới gái bán dâm đối với cô cũng là điều tất yếu như các cô gái khác đã đưa chân vào chốn này. Để có sức trụ vững hàng ngày tiếp khách làng chơi, Loan được các đàn chị hướng dẫn sử dụng ma tuý. Chỉ một năm sau, khi liều ma tuý sử dụng hàng ngày tăng lên cũng là lúc cô bị sa thải.
Dạt ra khu vực vườn hoa Bác Cổ, Loan thuê nhà nghỉ trú ngụ, tối tối ra bắt khách. Hôm nào đông, một tối cô "chạy sô" đến 4,5 lượt. Nhưng tiền bán dâm cũng chỉ đủ trả tiền thuê nhà và tiền mua heroin lên tới vài trăm nghìn mỗi ngày. Lúc đầu thì hít, sau "rách" quá, cô chuyển sang chích heroin.
Một đợt, thấy sức khoẻ tự nhiên yếu đi, cô lo sợ đi thử máu và biết mình đã nhiễm HIV. Cô cũng không thể biết mình nhiễm căn bệnh thế kỷ từ lúc nào, vì quan hệ với khách làng chơi hay vì chích choác chung kim tiêm.
Lúc đầu, cô cũng lo sợ lắm, mất ăn mất ngủ. Nhưng ma tuý khiến cô dẹp nỗi sợ hãi để hàng ngày lao vào kiếm tiền thoả mãn cơn nghiện. Hỏi bao nhiêu người đàn ông qua tay cô mà không phòng ngừa, cô thản nhiên đáp không nhớ hết…
Những người đẹp mà tôi gặp gỡ trong chuyến công tác ngắn ngủi, đều nhận thức rõ được lỗi lầm của mình và mong muốn làm lại cuộc đời. Tay mân mê những con giống mà các cô học sơn trong xưởng, Loan, Phượng tâm sự với tôi ra trại sẽ mở một cửa hàng nhỏ kinh doanh mặt hàng này do chính tay các cô làm ra. Nhưng khi nhắc đến ma tuý, cô nào mắt cũng sáng rực, trò chuyện sôi nổi và tỏ ra rất thành thạo về từng loại cũng như cách sử dụng.
"Trong trại các cô ấy chấp hành tốt như vậy, nhưng ra trại, nghề nghiệp không có, cám dỗ lại đầy rẫy, không dám chắc sự hoàn lương ở các cô" - lời tâm sự thật lòng của một cán bộ trung tâm khiến tôi càng buồn thêm cho những người đẹp ở đây.
Chiều tắt nắng, các học viên nữ từ xưởng học nghề và các khu vực lao động trong trung tâm xếp hàng về nơi ở khá trật tự. Giá như sự nề nếp, khuôn phép ấy được họ mang theo khi trở về cộng đồng...
Theo H.Vũ
CAND
▪ Đưa trẻ nhiễm HIV đến trường, cần xóa tan sự vô cảm! (25/07/2008)
▪ Đường đến trường của trẻ nhiễm HIV cần sự giúp đỡ (25/07/2008)
▪ Sau một năm thực hiện dự án “CLB Đồng cảm” tại Hà Tây: Cùng người có HIV/AIDS vượt qua định kiến (24/07/2008)
▪ Cổ tích của "người mẹ da cam" (24/07/2008)
▪ Chung sức vì nghĩa cả (23/07/2008)
▪ “Nghị lực sống” vẽ tranh kết nối (23/07/2008)
▪ Bi thương những “cuộc đời HIV” ngắn ngủi (22/07/2008)
▪ 3 mảnh đời HIV “bám” bên quán trà đá (18/07/2008)
▪ Chia sẻ nỗi đau (18/07/2008)
▪ Tuổi thơ cô độc (16/07/2008)