Cổ tích của "người mẹ da cam"
Các Website khác - 24/07/2008
 
Nụ cười hạnh phúc của mẹ Tuyết.
12 giờ trưa, khi các con đã ngon giấc, đôi bàn tay gầy gò của mẹ Tuyết lại cần mẫn vá từng chiếc áo cũ. Chốc chốc, quay sang nhìn lũ trẻ, ánh mắt âu yếm của mẹ vẫn không giấu nổi những lo toan.

Niềm lo toan ấy, có lẽ gấp đôi, gấp ba những người mẹ bình thường khác. Mỗi "thiên thần nhỏ" của mẹ là một số phận éo le. Nhiều em đã trưởng thành từ bàn tay mẹ, nhưng vẫn còn đó hàng chục em mới bập bẹ biết nói...

Tuổi xuân gửi lại chiến trường
Chúng tôi ngồi với mẹ Tuyết trong căn phòng nhỏ tầm 8m2 đơn sơ tại Làng trẻ em mồi côi Hà Tĩnh. Câu chuyện của mẹ Tuyết chùng xuống, rồi nghẹn ngào đứt quãng khi nhớ lại những năm tháng chiến trường. Cố giấu niềm xúc động, vậy mà những giọt nước mắt của mẹ vẫn cứ trào ra. Quá khứ hiện về trên gương mặt người phụ nữ khắc khổ hằn nhiều vết chân chim...

Mười tám tuổi, cô gái nhỏ nhắn đất rừng Hương Khê (Hà Tĩnh) Nguyễn Thị Tuyết gia nhập quân ngũ. Năm 1971 là thời điểm chiến tranh ác liệt tại miền Trung. Tuyết được điều vào Khe Sanh - Quảng Trị và chiến đấu hai năm trên mảnh đất bom đạn này. Khoảng thời gian không dài, nhưng hậu quả của cuộc chiến thật khôn lường: Toàn bộ trung đoàn đều bị nhiễm chất độc da cam/dioxin mà không ai hay biết. Tuyết cũng vậy. Hai mươi tuổi, hoàn thành nhiệm vụ, Tuyết trở về Hà Tĩnh, cùng đồng đội tìm hạnh phúc riêng mình.

Đồng đội lần lượt lập gia đình, những tưởng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Thế rồi dần dần, mẹ Tuyết bàng hoàng nhận ra những người con của đồng đội mình, khi sinh ra đều bị nhiễm di chứng dioxin. Tuyệt vọng khi biết mình cũng mang trong người chất độc ấy, mẹ quyết định không lập gia đình. Mẹ nghĩ đến thế hệ tương lai mà mình sẽ sinh ra, sống cuộc sống không phải của con người... Ơ cái tuổi hừng hực sức xuân nhất của cuộc đời, mẹ chấm dứt giấc mơ phụ nữ bình dị: Giấc mơ được làm vợ, làm mẹ, được ấp ủ tổ ấm thân thương của mình. Tuổi xuân của mẹ đã gửi lại chiến trường, gửi lại trong đạn bom rồi...

Bé Kiều May nay đã khỏe mạnh, hồng hào trong vòng tay mẹ Tuyết.
Cổ tích của mẹ
Sống cuộc đời độc thân lặng lẽ, mẹ Tuyết không hề nghĩ rằng đến một ngày mình sẽ được làm mẹ. Và mọi điều thay đổi, khi mẹ nộp đơn tình nguyện làm mẹ nuôi tại Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh vào năm 1994 - sau khi làng thành lập không lâu. Nhắc đến đến làng trẻ và những đứa con thơ dại, ánh mắt mẹ ngời sáng. Giọng nói linh hoạt, mẹ say sưa kể về những người con mà mình chăm sóc từ ngày còn đỏ hỏn. Mẹ bảo, mỗi thiên thần nhỏ của mẹ là một câu chuyện cổ tích. Số phận của mỗi em khi sinh ra trên cõi đời này, như được ông trời ban cho phép thần kỳ vậy...

Đứa bé nhỏ xíu đang ngủ ngon lành trong nôi có cái tên thật hay - Kiều May. Sinh ra nặng đúng 7 lạng, mình đầy lông lá, em bị bỏ rơi tại Trung tâm Y tế huyện Đức Thọ. Người ta giao em cho làng trẻ mồ côi khi em chưa thể mở được mắt. Mẹ Tuyết đã đón em trên tay. Dù chưa một lần mang nặng đẻ đau, nhưng bản năng thiên bẩm của người phụ nữ cho mẹ Tuyết niềm tin rằng em sẽ sống. Cái tên Kiều May gửi gắm mong ước em sẽ xinh đẹp, may mắn. Liên tục nhiều tháng, mẹ ủ ấm May bằng hơi ấm của mình, xoa bóp toàn thân cho em. Ba tháng sau, May đã cân nặng gần 4kg. Em biết bú chóp chép ngon lành bình sữa tự tay mẹ pha, biết nhoẻn miệng cười khi mẹ âu yếm.

Kiều May chỉ là một trong những trang cổ tích cuộc đời mẹ Tuyết. Không hiểu sao những đứa trẻ mẹ nhận nuôi đều có hoàn cảnh éo le đến khó tin. Thuỷ Ngàn là một đứa trẻ như vậy. Cách đây 6 năm, em được một bác nông dân nhặt được bên bờ ruộng, trong một hộp giấy cũ. Mở nắp hộp, người nông dân hoảng hốt khi nhận ra toàn thân của em bị chuột và kiến cắn bầm giập, tím tái. Đưa em vào bệnh viện, các bác sĩ không ai cầm được nước mắt khi cứ sát trùng vết thương của em đến đâu là dòi bò ra đến đấy.

Một lần nữa, mẹ Tuyết lại mở rộng vòng tay yêu thương đón Ngàn. Cả tháng trời, đêm nào mẹ Tuyết cũng thức trắng, ngồi một chỗ trên giường ủ ấm và chăm sóc em. Nhắc lại quãng thời gian ấy, mẹ nói đùa rằng mình không khác gì người "ở cữ". Sức mạnh thần kỳ lại đến với đứa trẻ đáng thương ấy. Sau hai tháng, Ngàn hoàn toàn khoẻ mạnh. Các vết thương liền sẹo rất nhanh, và gương mặt bụ bẫm xinh xắn dần hiện ra. Năm em 4 tuổi, một gia đình người Mỹ đã xin em về nuôi. Đứa bé khóc ngằn ngặt khi rời tay mẹ. Còn mẹ Tuyết, sau lần ấy ốm liệt giường mất hai tháng trời vì nhớ quá đỗi hơi ấm của đứa con thân yêu.

Trong các thiên thần nhỏ, có lẽ Quốc Đạt là trường hợp éo le nhất. Lúc đón Đạt về, khuôn mặt em dị dạng ép thành hình chữ nhật, nằm nghiêng một bề, vòm họng bị dị tật, ăn đằng miệng ra hết đằng mũi. Các mẹ trong làng xác định sẽ nuôi em suốt đời. Mẹ Tuyết một lần nữa quyết tâm chăm bẵm em bằng cách riêng của mình. Ngày ấy, suất ăn một tháng của em chỉ có 150.000 đồng, số tiền không đủ để bồi dưỡng một đứa bé suy dinh dưỡng như em. Thế là ngày nào mẹ Tuyết cũng lặn lội ra đồng bắt từng con cua đồng, xay bột ngũ cốc, kiếm thêm lạc, vừng, đậu và các thứ rau làm thức ăn cho em. Mẹ bỏ tiền ra mua một loạt các sách và tạp chí nuôi dạy trẻ suy dinh dưỡng. Không hôm nào là mẹ thôi xoa bóp đầu cho em. Hai tuổi, đầu em dần hết dị dạng, trở lại bình thường và có trí thông minh tốt. Giờ đây em đã có tổ ấm mới.

Câu chuyện của mẹ Tuyết cứ tiếp nối, tiếp nối mãi... Mẹ cười tự hào: "Cứ đến 6 giờ chiều là "dàn đồng ca" nổi lên, đứa nào cũng hét toáng đòi bế khiến mẹ trở tay không kịp". Con của mẹ đủ mọi lứa tuổi. Nhiều em mồ côi, khi vào làng trẻ thì trộm cắp, thiếu lễ phép. Không dễ gì để quản lý và uốn nắn tất cả các em. Thế nhưng lúc nào mẹ Tuyết cũng tâm niệm một điều: Không bao giờ mẹ mắng chửi các em. Trong mọi hoàn cảnh, mẹ đều khuyên dạy các em bằng những lời nói nhẹ nhàng, chia sẻ. Mẹ bảo: "Các em đã không được sống trong sự yêu thương đùm bọc ngay từ khi mới lọt lòng, mẹ phải bù đắp được điều ấy".

"Mẹ mong mình ốm ít thôi!"
Hơn mười bốn năm gắn bó với làng trẻ không một ngày biết mệt mỏi, giờ đây đã sang tuổi 56 xế chiều, mẹ Tuyết lo lắng không còn nhiều sức khoẻ để tiếp tục công việc. Sát cánh bên mẹ còn có các mẹ, các chị trong làng, và cả bố Đạo. Bố Đạo chính là giám đốc của làng trẻ. Chứng kiến quãng thời gian thăng trầm của mẹ Tuyết tại đây, ông Dương Quỹ Đạo chia sẻ: "Các thế hệ đã qua bàn tay chăm sóc của mẹ đều khoẻ mạnh, được nhận nuôi chu đáo. Nhiều cháu thành đạt trong công việc. Điều kiện sinh hoạt còn rất nhiều hạn chế, nhưng mẹ Tuyết đã biết khắc phục và vượt lên hoàn cảnh để chăm sóc các cháu".

Hiện tại, cả làng đã có 17 người con lập gia đình, ai cũng có việc làm ổn định. Bố Đạo và mẹ Tuyết luôn có mặt trong lễ cưới các con. Mỗi khi có dịp, các con lại về thăm mẹ, mua cho mẹ bao nhiêu thuốc bổ. Những đứa con ở xa, gọi điện về cho mẹ Tuyết lúc nào cũng hỏi ngay là mẹ có khoẻ không, rồi dặn dò mẹ giữ sức khoẻ để còn bế cháu.

Có một điều mà ông Đạo tiết lộ với chúng tôi, đó là tất tật trẻ con trong làng đều gọi mẹ Tuyết là "mẹ". Chỉ duy nhất mẹ Tuyết có được niềm hạnh phúc này. Có lẽ, với những em nhỏ mồ côi nơi đây, được cất tiếng gọi mẹ là một điều rất thiêng liêng mà không phải ai cũng có thể tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của từ ấy. Tôi  hiểu, hơi ấm của mẹ Tuyết đã sưởi ủ các em từ những ngày thơ dại. Bằng hơi ấm ấy, các em đã cất tiếng gọi "mẹ" như một lẽ tự nhiên nhất trên cuộc đời này.

Với người phụ nữ bình dị này, mong muốn lớn nhất là có đủ sức khoẻ để tiếp tục chăm sóc nhiều em nhỏ khác. Chia tay với chúng tôi, mẹ  cứ  canh cánh mãi một điều: "Tui chỉ mong là có ốm thì ốm ít thôi, phải khoẻ mạnh để còn chăm sóc các thiên thần nhỏ của tui chứ".

Dương Hà