Sau một năm thực hiện dự án “CLB Đồng cảm” tại Hà Tây: Cùng người có HIV/AIDS vượt qua định kiến
Các Website khác - 24/07/2008

Được sự hỗ trợ của Trung tâm phòng chống AIDS - Hội LHPN Việt Nam, dự án “Câu lạc bộ Đồng Cảm" triển khai tại tỉnh Hà Tây đã đem lại những kết quả tích cực. Dự án không chỉ làm thay đổi nhận thức của cộng đồng đối với người nhiễm HIV/AIDS mà còn giúp các gia đình đối tượng bước đầu tự tin, ổn định cuộc sống, quan hệ thân thiết hơn với cộng đồng, góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội.

Từ nỗi đau ở vùng “tâm bão”


Dự án có tên đầy đủ là: “Củng cố CLB Đồng cảm; Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử; Nâng cao chất lượng chăm sóc, hỗ trợ cho người sống với HIV”. Dự án sẽ giúp củng cố liên minh các CLB Đồng cảm ở Ba Vì – nơi có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao của tỉnh Hà Tây nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, hỗ trợ cho người sống với HIV. Thuật ngữ “Chăm sóc và hỗ trợ” được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm chăm sóc tại nhà, hỗ trợ tâm lý xã hội, giới thiệu tới các dịch vụ y tế và giáo dục phòng chống HIV.                                .  

Trong gần một năm qua, Hội LHPN tỉnh Hà Tây đã tiến hành rất nhiều nội dung hoạt động cho Dự án. Trong đó, Hội tập trung chủ yếu vào 5 xã của huyện Ba Vì là Tiên Phong, Chu Minh, Phong Vân, Vạn Thắng, thị trấn Tây Đằng và một số các hoạt động được tổ chức tại huyện. Bà Phan Thị Lời – Phó Chủ tịch hội LHPN tỉnh cho biết: “Lý do lựa chọn Ba Vì để triển khai dự án vì đây là địa phương có địa bàn rộng, có đông người nhiễm mới nhất, với 320 ca HIV/AIDS, trong khi nhận thức của người dân còn hạn chế. Qua tuyên truyền cho thấy rất nhiều người dân, thậm chí còn cả một số ít cán bộ, MTTQ ở địa phương, nhận thức chưa đầy đủ những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, nhất là những con đường lây truyền, cách chăm sóc… Nhiều người vẫn mang nặng tâm lý xa lánh, kỳ thị đối với người có HIV”.

Quả thật, trong quá trình thực hiện dự án tại Ba Vì, nhiều cán bộ Hội LHPN tỉnh đã không ít lần “cười ra nước mắt” vì những hiểu biết còn rất ngây thơ và cả nỗi đau vì bị cộng đồng xa lánh của những người có HIV/AIDS cũng như thân nhân của họ. Tại xã Vạn Thắng, khi thảo luận chủ đề “Vệ sinh an toàn thực phẩm với người có HIV/AIDS”, một chị là vợ của đối tượng đang nghiện ma túy, đại diện cho nhóm, đã trình bày rất “lưu loát” rằng: “Tôi nghĩ người có HIV/AIDS khả năng miễn dịch kém nên phải ăn chín uống sôi. Do chồng tôi chỉ nghiện ma túy nhẹ thôi, thỉnh thoảng anh ấy mới chích nên một số món ăn của gia đình tôi vẫn ăn kèm với rau sống. Trước đây khi chưa có dịch cúm gia cầm, gia đình tôi vẫn ăn tiết canh ngan, vịt nhưng bây giờ chỉ dám ăn tiết canh dê thôi?!”. Không những thế, mặc dù chồng chị nghiện chích ma túy từ năm 2004 do đi khai thác than thuê ở Quảng Ninh, hiện anh đã về nhà và chưa đi xét nghiệm máu, nhưng chị khẳng định chồng chị khỏe mạnh nên chắc chắc không bị HIV. Đó chỉ là một trong rất nhiều cách hiểu còn mập mờ về căn bệnh này của người dân tại đây. Trên thực tế, những người có HIV/AIDS và cả người thân của họ còn phải đối diện với sự thật khắc nghiệt là sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng. Trong cuộc thảo luận chủ đề “Chống phân biệt kỳ thị với người có HIV” tại xã Phong Vân, rất nhiều chị em là vợ là mẹ của những người có HIV khi được phát biểu đã không cầm được nước mắt và nghẹn ngào nói về sự khổ tâm khi có người thân mắc bệnh. Một chị cho biết, khi đi khám thai, biết mình bị HIV, chị đã bị sốc nặng. Nhưng điều làm chị đau khổ nhất là khi chị đưa các giấy tờ cho bác sĩ (tại một bệnh viện ở Hà Nội), “họ không cầm bằng tay mà dùng cái banh kẹp hất hất mấy tờ giấy tôi đưa cho họ”, chị nói trong nước mắt.

Còn một người vợ ở xã Tiên Phong kể, chồng chị do nghiện ma túy nên lây nhiễm HIV. Lúc gần chết, toàn thân anh lở loét rất đau đớn. Khi anh mất, những người xung quanh không cho chị được chôn chồng ở nghĩa trang thôn. Phải nhờ đến sự can thiệp và tuyên truyền của chính quyền địa phương, họ mới nhượng bộ.

Cũng trường hợp khác ở xã Tiên Phong, khi người chồng bị nhiễm HIV/AIDS chết, người vợ đi xét nghiệm máu và kết quả cũng bị lây nhiễm HIV từ chồng. Khó khăn từ đó cũng đổ ập xuống gia đình chị. Bởi từ khi nghe tin chị bị nhiễm HIV/AIDS, chị xin việc ở đâu cũng không được nhận. Đi theo chị em làm ăn xa thì chị em trong đoàn không ai dám nằm chung hay ăn chung. Chị quay lại quê thì không có việc làm… Đó chỉ là một vài nỗi đau trong vô số nỗi đau của những gia đình có người bị HIV/AIDS tại Ba Vì.

Trong tình hình đại dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, hiệu quả hoạt động của Dự án “Củng cố CLB Đồng cảm” được xem là “liều thuốc” hỗ trợ về tinh thần cho những người HIV/AIDS cũng như người dân Ba Vì.

Những tín hiệu vui

Sau một năm triển khai dự án, những người thường xuyên quan tâm đến công tác phòng chống HIV/AIDS đã thấy sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và cả cuộc sống của gia đình những người có HIV/AIDS. Ở hoạt động “Duyệt vay vốn, phân phối vốn vay”, tuy số tiền cho một lần vay chưa nhiều (3 triệu đồng/hộ), song với sự rà soát, thận trọng và cân nhắc của ban điều hành dự án khi duyệt cho các đối tượng vay nhằm bảo đảm an toàn vốn cũng như cho vay đúng đối tượng, hoạt động này đã đem lại những hiệu quả thiết thực.

Bước đầu, đã có 55 thành viên tại 10 CLB Đồng cảm, trong tổng số 275 người có đơn đề nghị vay vốn, được xét duyệt. Những người nhiễm HIV/AIDS vay vốn chủ yếu để chăn nuôi, trồng rau và buôn bán nhỏ. Theo báo cáo của các CLB, của Hội LHPN các xã, những người nhiễm HIV/AIDS đang sử dụng vốn vay đảm bảo mục đích và đạt hiệu quả. Họ cảm thấy bớt đi những bức xúc, căng thẳng, khó khăn trong cuộc sống. Như khi cầm số vốn vừa được giải ngân, chị H ở xã Vạn Thắng đã khóc và nói: “Gia đình em rất khó khăn, vì chồng em nghiện ma túy nên không ai dám cho vay. Hôm nay được vay số vốn 3 triệu này của Hội phụ nữ, em cảm động lắm. Em hứa sẽ mua đôi lợn giống để nuôi. Em sẽ trả vốn đầy đủ và đúng hạn để lần sau các chị lại cho vay…”.

Qua theo dõi tại lớp tập huấn “Tín dụng vi mô” và tìm hiểu thực tế tại địa phương, có thể khẳng định: 35/50 người sau khi được tập huấn đã có kế hoạch kinh doanh phù hợp, ý tưởng kinh doanh tốt, quản lý được vốn vay và tự khẳng định vai trò của mình và gia đình với bà con, cộng đồng rằng người có HIV không phải là những người bỏ đi, họ cũng như bao người khác, cũng biết làm kinh tế.

Diễn đàn “Phòng chống HIV/AIDS” cũng là một trong rất nhiều hình thức góp phần vào sự chuyển biến trong nhận thức của các thành viên CLB Đồng cảm, người thân và bản thân những người nhiễm HIV/AIDS, là dịp để những người nhiễm HIV/AIDS có cơ hội chia sẻ; giúp cho những thành viên trong CLB và người dân địa phương hiểu kỹ hơn về HIV/AIDS, các con đường lây truyền, cách phòng chống, kỹ năng chăm sóc người nhiễm HIV và kỹ năng tuyên truyền cho cộng đồng hiểu và có sự đồng cảm với những người HIV.

Trong các hoạt động, Hội LHPN Hà Tây đã tập trung tổ chức vận động chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia vào công tác tuyên truyền để giảm thiểu và phân biệt đối xử với người có HIV/AIDS cùng gia đình của họ. Ngoài ra, Hội còn tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên những bệnh nhân HIV/AIDS gặp khó khăn trong cuộc sống.

Với nội dung phù hợp, tài liệu dễ hiểu cùng phương pháp tuyên truyền, thảo luận sôi nổi, những hoạt động về “Tập huấn kiến thức HIV/AIDS cho cán bộ y tế”, “Tập huấn kỹ năng chăm sóc người có HIV/AIDS”, “Tập huấn kỹ năng thông tin giáo dục truyền thông”… cũng góp phần rất lớn trong việc chuyển biến nhận thức của lãnh đạo, cán bộ tuyên truyền và người dân tại địa phương về căn bệnh thế kỷ này. Do đó, trong tháng 5 – 6/2008, đã có thêm nhiều phụ nữ, trẻ em được giúp đỡ đi xét nghiệm, đã có thêm một số người vượt qua mặc cảm thừa nhận mình là người có HIV/AIDS và trở thành tuyên truyền viên tích cực của Hội.

Mặc dù thời gian triển khai dự án còn ngắn, trong quá trình thực hiện dự án vẫn còn nhiều hạn chế nhất định, chưa thể đánh giá hết hiệu quả nhưng bước đầu đã khẳng định dự án thực sự là chỗ dựa tinh thần giúp người dân và gia đình những người có có HIV/AIDS thêm nghị lực, niềm tin để vượt qua định kiến, ổn định cuộc sống và góp phần ngăn chặn, đẩy lùi HIV/AIDS./.

Nguyễn Ngọc – Hội LHPN Hà Tây