![]() |
Hanoinet - Các tiểu phẩm dự thi đã sân khấu hoá thực tế cuộc sống những người đang bị nhiễm và bị tác động bởi HIV/AIDS một cách súc tích, dễ hiểu, có tính tuyên truyền và gây xúc động đến mọi người. Mỗi câu chuyện là một nỗi đau.
"Bà mẹ đau đớn như đứt từng khúc ruột khi nhìn đứa con vật vã vì ma tuý, HIV/AIDS trong những ngày cuối đời; ước mong cháy bỏng được đi học, được vui chơi cùng các bạn của những đứa trẻ có bố mẹ chết vì AIDS... là những tiết mục chào của các đội diễn khiến những người có mặt vô cùng xúc động và càng hiểu rõ hơn về căn bệnh này". Đó là lời nhận xét của nhiều khán giả về cuộc thi tiểu phẩm "Người cao tuổi và HIV/AIDS" mới diễn ra tại Hà Nội do Hội LHPN Việt Nam, Hội Người cao tuổi và dự án VIEO11 phối hợp tổ chức.
Nỗi đau lòng mẹ
Các tiểu phẩm dự thi đã sân khấu hoá thực tế cuộc sống những người đang bị nhiễm và bị tác động bởi HIV/AIDS một cách súc tích, dễ hiểu, có tính tuyên truyền và gây xúc động đến mọi người. Mỗi câu chuyện là một nỗi đau.
Có những chuyện là cuộc đời thực của những thành viên trong Câu lạc bộ. Đó là cuộc đời bà Nguyễn Thị L, phường Trần Hưng Đạo, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - một câu chuyện chứa chan nước mắt khiến người nghe không khỏi rơi lệ. Hơn 30 năm về trước, về nhà chồng chưa được bao lâu, bà Nguyễn Thị L đã phải nén lòng tiễn chồng đi chiến đấu tận chiến trường Tây Nam bộ. Chiến tranh kết thúc, ông trở về mang theo căn bệnh ung thư do di chứng chất độc da cam dioxin rồi mất sớm. Một mình bà thay chồng nuôi ba đứa con, hai trai một gái. Giờ đây, bà lại thay hai con nuôi cháu nhỏ mồ côi cha.
![]() |
Học viên tại một trung tâm dạy nghề |
Nỗi đau chồng chất nỗi đau, bất hạnh lại một lần nữa đến với bà. Đứa con trai thứ hai của bà lại ăn chơi đua đòi rồi lao vào con đường nghiện ngập, lại bị nhiễm HIV và bỏ bà ra đi. Tiếp đó, con dâu bà cũng bỏ đi biệt xứ, để lại cho bà hai đứa trẻ thơ ngây. Hai con trai chết vì AIDS, bà không khóc được nữa. Nước mắt của người mẹ bất hạnh ấy đã thấm ướt đường đời...
Trong lúc bi quan nhất thì bà L được chị em trong Câu lạc bộ Đồng cảm người cao tuổi, Hội Phụ nữ phường Trần Hưng Đạo, Thành phố Hạ Long đến động viên, tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn. Có vốn, bà mở quán vá xe, con dâu mở quán nước. Cuộc sống của gia đình bà đã tạm ổn, các cháu đã được đến trường. Bà L tham gia Câu lạc bộ Đồng cảm của phường và là thành viên tích cực luôn động viên, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.
Nơi được chia sẻ...
![]() |
Rèn luyện thể lực là rất quan trọng đối với các học viên |
Anh Trần Anh Kiên ở phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội nhận xét: "Qua các cuộc thi như thế này, giúp mọi người sống tốt hơn và xóa đi thái độ kỳ thị với những người nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, cuộc thi cũng là nơi các đội có thể giao lưu, học tập kinh nghiệm hoạt động của nhau".
Theo bà H’Ngăm Niê KĐăm, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Thực tế cho thấy, trước sự tiến công của đại dịch HIV/AIDS, những người bà, người mẹ không được an hưởng tuổi già. Không ít phụ nữ đang gặp khó khăn về kinh tế, sức khoẻ giảm sút mà vẫn phải lam lũ kiếm sống, phải chăm sóc cho người thân với sự mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần. Bà KĐăm cũng đánh giá cao vai trò của người cao tuổi trong các hoạt động tuyên truyền và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng.
Theo ĐS&PL
▪ 3 mảnh đời HIV “bám” bên quán trà đá (18/07/2008)
▪ Tuổi thơ cô độc (16/07/2008)
▪ Và để rồi càng đạp thấy càng hăng… (15/07/2008)
▪ Đằng sau nụ cười (14/07/2008)
▪ “Hành trình xanh” đến Huế (12/07/2008)
▪ ấn tượng về hoạt động cộng đồng của giới trẻ Mỹ (12/07/2008)
▪ Nơi ma túy đi qua (07/07/2008)
▪ Kỳ thị-nhức nhối hơn nỗi đau về bệnh tật (04/07/2008)
▪ “Thay vì mình đi chơi…” (04/07/2008)
▪ Quà tặng cuộc sống của "Cô gái thủy tinh" (04/07/2008)