Người thân và gia đình lên chúc mừng những học viên của Trung tâm Bình Triệu được tuyên dương lần đầu tiên trong buổi ra mắt chi hội thanh niên học viên của Đoàn Sở LĐ-TB&XH TP.HCM - Ảnh: Kim Anh |
Sao mẹ chẳng tin con?
Chị Nguyễn Thị Ngọc H. (P.An Khánh, Q.2, TP.HCM) đã lăn dài những giọt nước mắt hạnh phúc - sau gần ba năm nay chị được trở về bên mái nhà thân yêu, được ôm ấp đứa con gái côi cút đang sống với bà ngoại.
Nhưng chỉ ngủ ở nhà một đêm, hôm sau chị đã đón xe lên thẳng trung tâm, để lại vài dòng nhắn gửi cho riêng mẹ: “Mẹ ơi, hãy tin con. Lần này lên trung tâm con sẽ xin ở lại đây để lập nghiệp luôn, sẽ không bao giờ quay về con đường cũ”.
Gặp lại chị H. ở trung tâm, chị nghẹn ngào: “Mới ngày đầu về nhà, mẹ đã dằn vặt: mày đừng có mà đi chích nữa à nha. Rồi bà còn lạnh lùng nói: mẹ nào con nấy, thôi mày dắt con mày lên trung tâm ở luôn đi. Tôi cảm thấy mặc cảm và có lỗi nhiều với mẹ khi để lại cho bà gánh nặng. Tôi đã cố gắng rất nhiều để bây giờ đã hoàn toàn cai nghiện và lao động kiếm sống được rồi. Nhưng mẹ vẫn không tin tôi...”.
Với anh Đăng H., khi trở về gia đình lại phải ra ngủ ở... khách sạn chỉ vì anh cảm thấy một khoảng cách quá xa giữa người chị dâu và các cháu. Cha mất, mẹ định cư bên Mỹ, anh chỉ còn người anh trai và cô em gái đang hấp hối vì căn bệnh hiểm nghèo.
Anh nói: “Lần thưởng phép này là vinh dự và cũng là hạnh phúc của tôi khi được về nhìn mặt em gái lần cuối. Còn chuyện bị chị dâu và các cháu nghi ngờ tôi biết làm sao đây khi mình đã từng là một con nghiện. Về thành phố sau ba năm đi cai nghiện, tôi ngỡ ngàng với nhiều đổi thay nhưng cũng rùng mình khi nghe tin bạn bè chơi chung đã chết hết vì bị AIDS. Giờ đây tâm nguyện của tôi là được ở lại trung tâm để lập nghiệp luôn”.
Sáng sủa hơn, anh Khiêm kể: “Về nhà được đến bên bàn thờ thắp nén nhang cho cha, gặp mẹ và vợ con mừng rơi nước mắt. Điều mà tôi an tâm cho những đứa con là khi thấy trong xóm không còn kẻ nghiện như mình trước đây, không còn bóng dáng của những kẻ lên cơn chạy ngoài đường mắt láo liên xem ai hở gì là chôm chỉa nữa... Tôi khuyên con rằng bố đã hư hỏng và đang sửa chữa lỗi lầm, nhưng con phải cố gắng học và nghe lời mẹ và bà nội”.
Đa số những người được thưởng phép lần này đều hạnh phúc khi được về gia đình, người thân. Ngày trao phép, họ được địa phương và người thân lên đón về trong không khí vui mừng, hình ảnh đó sẽ mãi là động lực động viên họ trên con đường tìm lại chính mình. Nhưng đâu đó cũng còn những gia đình đã “đóng cửa” đối với người thân yêu của mình .
Hãy giúp họ gõ cửa cuộc đời lần nữa
“Như con chim đã trúng tên sợ cành cây cong, người sau cai nghiện thường có thái độ tự vệ cao. Họ muốn xa lánh cảnh cũ, người cũ đã khiến họ vướng vào ma túy. Họ chưa xóa hết mặc cảm và ngại nhắc lại quá khứ, do vậy họ cần được chuẩn bị một tâm lý thật vững trước khi hòa nhập cộng đồng” - thạc sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng cho biết.
Cùng trăn trở với việc phải làm sao để chuẩn bị tâm lý “miễn nhiễm” ma túy cho người sau cai nghiện, anh Nguyễn Tấn Dân - Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ - cho rằng: “Tại các trường, trung tâm cai nghiện cần thiết phải có người phụ trách thường xuyên tư vấn tâm lý cho học viên. Ngoài ra gia đình, người thân của người sau cai nghiện đừng nhắc lại những lỗi lầm của họ để họ vững tin tiếp bước cuộc sống mới”.
Tại buổi tọa đàm “Con đường trở về hội nhập cộng đồng của thanh niên sau cai nghiện” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức cuối tháng sáu vừa qua, bà Hoàng Thị Diễm Trang, phó chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP, cho biết: “Việc trước tiên chúng tôi quan tâm là đào tạo văn hóa cho học viên cai nghiện, sau đó tập trung đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Tuy nhiên điều không thể thiếu là sự giúp đỡ cho người sau cai nghiện có tâm lý tự tin làm lại cuộc đời. Tôi tin sự yêu thương của gia đình và những hoạt động đoàn thể của địa phương sẽ giúp họ yêu đời hơn”.
Anh Trần Quang Khải - đội viên ưu tú thuộc đội lao động tình nguyện số 1, Trung tâm chữa bệnh Nhị Xuân - cho biết: “Tôi từng đắm chìm vào những cuộc chơi vô nghĩa, cứ ngỡ mình sẽ trượt dài trong bóng tối. Tôi trốn chạy tương lai, thế mà giờ đây bằng nghị lực bản thân và được sự giúp đỡ của gia đình, mọi người, tôi đã khám phá được giá trị của bản thân. Tôi đã lấy lại niềm tin trong cuộc sống, đã có công việc giảm bớt gánh nặng cho gia đình.”
Ông Nguyễn Thành Tài - Phó chủ tịch UBND TP - cho biết: “Khi thực hiện đề án tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, xã hội đặt niềm tin rằng các bạn sau khi cai nghiện sẽ trở lại với cuộc sống như bao người bình thường khác. Nhưng để chuẩn bị tâm lý cho người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng, ngoài việc toàn xã hội cùng nỗ lực, tạo mọi điều kiện thì trước hết gia đình phải dang rộng vòng tay nâng đỡ những đứa con của mình. Lẽ nào chúng ta lại đánh mất niềm tin nơi họ?”.
KIM ANH
▪ Anh và tôi (04/06/2004)
▪ Câu chuyện của một ông bố 19 tuổi (03/06/2004)
▪ Bạn tôi mới ra đi vì AIDS (03/06/2004)
▪ Câu chuyện của một người đồng tính đã lấy vợ (03/06/2004)
▪ Nghệ thuật chống lại HIV - AIDS (17/07/2004)
▪ Ben và trò chơi của khát vọng (15/07/2004)
▪ Thảm cảnh của những cô gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan (12/07/2004)
▪ Thời trang bao cao su (10/07/2004)
▪ Bà Susan: Bé Lan là phần đời còn lại của tôi (06/07/2004)
▪ Giải pháp nào cho người nghiện ma túy ở Thọ Xuân? (26/06/2004)