HỖ TRỢ NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS
Các Website khác - 03/12/2004

Câu chuyện của Angela

Angela bị nhiễm HIV. Cô nói: "Bây giờ tôi không muốn sống vì đã nhiễm HIV"

Cùng đối mặt với những thách thức

Không phải tự nhiên mà cô Angela muốn chết bởi vì thực tế cho thấy nhiễm HIV là cô lập. Nói một cách khác người nhiễm HIV chịu sự kỳ thị hoặc xa lánh của những người xung quanh do tâm lý sợ bị lây và chưa hiểu nhiều về HIV.
Hỗ trợ người nhiễm HIV do đó là một việc hết sức cần thiết để giúp nâng đỡ về mặt cảm xúc và tạo sự dễ chịu về mặt thể chất cho người nhiễm HIV/AIDS. Người nhiễm có thể buồn rầu, sợ hãi, giận dữ, lo âu. Họ có thể mất hy vọng vào tương lai. Do đó họ rất cần có người ở bên cạnh để chia sẻ, an ủi. Người nhiễm HIV là người giúp đỡ người nhiễm HIV rất tốt. Nhiều người nhiễm HIV đã vượt trên số phận và tham gia giúp đỡ người nhiễm HIV khác cũng như truyền thông cho cộng đồng về HIV/AIDS.

Chối bỏ và các cảm xúc khác

Nhiều người không tin rằng họ đã nhiễm ngay cả khi nhân viên sức khỏe bảo họ. Chối bỏ có thể nguy hiểm vì có thể khiến sự lây nhiễm HIV xảy ra vì họ không tin rằng họ nhiễm. Người nhiễm HIV còn có nhiều cảm xúc khác: có người cảm thấy tội lỗi, có người sợ bị xa lánh, có người không muốn sống v.v... Cần hỏi thăm để biết về những cảm xúc của người nhiễm và giải thích đó là điều tự nhiên, sau đó dần dần từng bước tìm cách giải quyết phù hợp.

Tham vấn gia đình

Gia đình là một phần tử quan trọng của xã hội. Các thành viên trong gia đình tác động rất lớn đến người nhiễm. Cần tham vấn cho gia đình nếu họ còn có những lo âu, e ngại, băn khoăn. Ta có thể nói chuyện về những vấn đề họ gặp phải, giúp giải quyết các xung đột, giúp họ biết cách hỗ trợ lẫn nhau và tìm những nguồn lực hỗ trợ khác trong cộng đồng.

Nhóm hỗ trợ

"Nhóm hỗ trợ" là nhóm những người cùng hoàn cảnh, cùng vấn đề tập hợp lại với nhau và nói chuyện, giúp nhau sống tốt hơn. Người nhiễm HIV rất cần những nhóm hỗ trợ để học cách đương đầu với những vấn đề họ thường gặp trong cuộc sống. Người nhiễm HIV được thêm sức mạnh từ nhóm vì họ biết rằng họ không đấu tranh đơn độc. Nhóm hỗ trợ cũng cần thiết trong những người thân của người nhiễm HIV.
Có nhiều loại nhóm hỗ trợ. Có nhóm gặp nhau đều đặn, có nhóm mà người nhiễm HIV đến khi họ có một vấn đề cần hỗ trợ. Nhóm duy trì lâu dài và đều đặn đặc biệt hữu ích vì mọi người quen biết nhau và hiểu nhau nhiều.

Hỗ trợ xã hội

Người nhiễm HIV còn cần được những hỗ trợ về xã hội như chăm sóc tại nhà, chương trình trao đổi kim ống sạch, hỗ trợ về thực phẩm, nhà ở, phương tiện đi lại. Có nơi người nhiễm nhận được sự hỗ trợ từ gia đình, có nơi từ cộng đồng và nhà nước. Cần tìm hiểu các dịch vụ hỗ trợ nào có sẳn và hướng dẫn người nhiễm đến đấy khi họ cần.

Chăm sóc tại nhà

Đa số người nhiễm được chăm sóc tại nhà vì đây là cách tốt nhất. Người thân trong gia đình cần được tham vấn để vượt qua nỗi sợ và hướng dẫn họ cách chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS. Chăm sóc tại nhà cần đảm bảo để HIV không lây lan và bản thân người nhiễm không bị lây thêm những bệnh nhiễm trùng cơ hội. Do đó cần đảm bảo các nguyên tắc vệ sinh và phòng lây nhiễm.

Hỗ trợ nhân viên sức khỏe làm việc với người nhiễm

Nhân viên sức khỏe làm tham vấn hoặc chăm sóc người nhiễm đôi khi cũng buồn rầu và mệt mõi. Tình trạng "kiệt sức" này có thể xảy ra nếu họ không đủ thời gian nghỉ ngơi và trao đổi về cảm xúc riêng của mình. Kiệt sức có thể về cảm xúc, trí lực hoặc thể lực. Nó khiến người đó cảm thấy mệt mõi, không có ai giúp đỡ và tuyệt vọng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công việc. Cần nhận thức về điều này và tìm cách phòng tránh nó.

Một đôi điều có thể là để ngăn ngừa “kiệt sức":

1. Giữ một đầu óc hài hước

2. Làm nhiều việc đa dạng để duy trì sự hứng thú

3. Bảo đảm lượng thời gian làm việc hợp lý, không kéo dài quá sức

4. Khuyến khích bằng các buổi họp mặt vui chơi và quà tặng

5. Nhận biết và khen ngợi những việc làm tốt

6. Nhìn đến những điều lớn lao trong cuộc sống để không cảm thấy mất phương huớng trong cuộc đấu tranh hàng ngày

7. Mời gọi người nhiệt tâm và sống trong cộng đồng. Họ sẽ tận tụy và cảm thấy dễ chịu hơn trong công việc

8. Cho họ những ngày nghỉ để phục hồi khỏi những căng thẳng và cảm xúc mạnh trong công việc

9. Ai cũng có thể kiệt sức kể cả người điều hành. Nhận thức về các dấu hiệu kiệt sức ở mình và người khác và cùng nhau tránh nó