Nên có cái nhìn cảm thông và yêu thương
Các Website khác - 01/12/2004

TTO - Mỗi năm, Liên hiệp quốc đều lấy ngày 1-12 làm ngày thế giới phòng chống AIDS. Đó không chỉ là là dịp để cảnh tỉnh về mức độ nguy hiểm và tốc độ lây lan đang đến mức báo động của đại dịch HIV/AIDS trên toàn thế giới, mà còn là dịp để nhắc nhở mọi người không nên phân biệt, đối xử với những nạn nhân của căn bệnh thế kỷ này.

Thực tế, tại VN ta, điều này không dễ thực hiện chút nào. Chính phủ VN ta đã cố gắng rất nhiều nhằm giúp phần nào xóa đi nỗi mặc cảm, tự ti nơi những nạn nhân AIDS và giảm thiểu sự kỳ thị không đáng có từ phía cộng đồng. Có thể thấy điển hình nhất là việc thay cụm từ “nhiễm HIV/AIDS” thành “có HIV/AIDS”, tách biệt công tác tuyên truyền vận động phòng chống ma túy-mại dâm ra khỏi phòng chống HIV/AIDS… Và những điều này ít nhiều mang lại hiệu quả thiết thực.

Những người có HIV/AIDS không còn quá mặc cảm về căn bệnh của mình, quay sang giúp nhau và giúp cả những người đang lầm đường lạc lối, những đối tượng có nguy cơ cao trong xã hội. Trong số họ, nhiều người đã trở thành những tấm gương sáng, đáng được xã hội nể trọng. Đó là hai họa sĩ-nạn nhân của AIDS đang triển lãm tranh tại Hà Nội, đó là những người đang ngày đêm miệt mài tiếp cận các cô gái hành nghề mại dâm, cánh tài xế đường dài để giúp họ hiểu thật rõ và có cách phòng chống HIV/AIDS hữu hiệu nhất. Và đó là “Anh hùng châu Á 2004” Phạm Thị Huệ, dù có thể không sống được bao lâu nữa, nhưng những gì cô đã làm thực sự khiến nhiều người cảm phục, nhất là nghị lực sống và vươn lên…

Một thực tế khác đang tồn tại nhức nhối trong xã hội VN chính là sự kỳ thị với các nạn nhân của HIV/AIDS. Không nên đánh đồng rằng hễ người đó đã mang virus HIV trong người thì sẽ là phần tử cá biệt, không có ích cho xã hội; hễ có HIV/AIDS nghĩa là có dính líu đến ma túy, mại dâm… Hãy sống rộng lòng và không phân biệt đối xử với những người không may có HIV ấy. Họ cũng là con người, cũng cần được sống và cần được tôn trọng biết bao…

MINH ĐẠT
(ĐHKHXH&NV TPHCM)