TP - Theo chỉ dẫn, qua cầu Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu tôi rẽ vào con đường lô nhô đất đá, lên dốc, xuống suối chừng hơn một giờ sau thì đến bản Định Tiến.
Là bản người dân tộc Thái mà ở đây nhà sàn hầu như biến mất, phần lớn nhà gỗ như ở xuôi.
Chợt thấy có một nhóm người đang luộc thịt vớt ra bàn khói nghi ngút, tôi hỏi thì một người dân bản cho biết đó là nhà ông Huế, hôm qua có đứa con trai Lim Văn Ỏn 27 tuổi bị chết vì bệnh “ếch” (AIDS).
Gia đình luộc thịt làm ma cho con. Cuối năm ngoái anh của Ỏn là Tân cũng bị chết bệnh này. “Tội thằng Ỏn nhà nghèo mới lấy vợ có chửa ra ở riêng, nay chết bố mẹ đưa về nhà để ma chay” – Người đó nói. Tôi hỏi “Sao biết anh Tân, anh Ỏn chết vì bệnh ếch?”. “Chúng nó đi gỗ rủ nhau tiêm chích kim chung. Bản Định Tiến này con trai chết trẻ hàng chục người rồi, còn nhiều đứa nữa sắp chết”...
Để kiểm chứng những thông tin trên, tôi tìm đến nhà trưởng bản ông Lim Văn Nghĩa. Ông Nghĩa lặng im một lúc như có một nỗi đau nào đó vừa bị chạm phải. Đến chén rượu thứ ba, ông Nghĩa mới hé mở nỗi đau: “Bản Định Tiến từ năm ngoái đến nay đã có hàng chục trai bản ra đi vì căn bệnh xã hội. Mới hôm qua thằng Lim Văn Ỏn cháu tôi cũng đã chết”.
Thêm một chén rượu nữa rót ra cùng lời mời khách: “Chia buồn với bản ta đi” rồi ông Nghĩa lấy quyển sổ ghi chép tên tuổi những người chết của bản. Chỉ tính từ năm 2007 đến nay đã có 10 người ra đi, riêng từ đầu năm 2008 đến nay đã có 3 người chết.
Cứ theo dân bản và ông Nghĩa dự báo thì năm 2008 chắc cũng phải có chục người nữa ra đi vì “con ếch”. Tôi hỏi “Vì sao biết họ chết vì HIV/AIDS?” “Sáng ra bụi bờ, khe suối thấy kim tiêm, có đứa còn tiêm chích trước mặt. Bao đời rồi dân bản có bị chết trẻ thế này đâu.
Có người trước khi chết cũng đã nói ra sự thật là mình tiêm chích kim chung nhiều lần. Có tổ chức nào vào đây tuyên truyền động viên những con nghiện đi xét nghiệm chứa á? Chưa, mà có vào thì con nghiện cũng trốn hết, khó lắm. Chỉ có gia đình, bạn bè làng bản gần gũi động viên, bản thân họ tự nguyện may ra mới xét nghiệm được”.
Tôi chào ông trưởng bản chợt thấy đôi mắt ông đỏ hoe chẳng biết do rượu hay một nỗi đau đâu đó đang dâng lên. Ông bắt tay tôi rồi hỏi “Có giúp được gì cho con trai bản ta không?”. Không trả lời được ông trưởng bản nhưng câu hỏi của ông như thôi thúc tôi đi tìm đến những gia đình có bi kịch.
Tôi leo xe máy lên một cái dốc cao để tìm đến nhà anh Lim Văn Ỏn. Dọc đường tôi gặp 2 người già (trong đó có mẹ anh Ỏn) đang gánh chăn màn của anh Ỏn. Anh Ỏn đã ra ở riêng trong 2 gian nhà phên nứa, mái cọ, xung quanh có một mảnh vườn hoang cỏ mọc đầy. Bây giờ anh chết trông nhà thật lạnh lẽo.
Thấy tôi giơ máy ảnh lên chụp ngôi nhà, có người đứng phía sau nói: “Thằng Ỏn mới chết vì bệnh si đa chiều qua, mà đã biết”. Tôi quay lại hỏi tên, anh giới thiệu là Lim Văn Mậu ở sát nhà anh Ỏn. Anh Mậu và những dân bản tôi gặp kể tên những người mà theo họ là đã chết vì “ếch”: Vi Thị Hồng chết năm 2007 khi chưa đầy 30 tuổi; Hoàng Văn Đúng, Lim Văn Phương chết; Vi Văn Ố, Mạc Vượng cũng chết năm 2007. Các anh Hoàng Liêm, Lim Tân, Lim Ỏn chết 2008...
Sấm đì đùng, mây đen nổi lên, tôi lo có một trận mưa chắc khó lòng ra khỏi vùng heo hút này. Nhưng ông trời chỉ hù doạ một chốc mây tan, nắng nóng trở lại. Qua cầu xi măng vượt lên một con dốc, tôi đến ngay bản Kẻ Ninh mà tôi nghe nói có nhiều cô gái đi làm tiếp viên nhà hàng, karaoke... Chọn ngôi nhà khang trang đầu tiên tôi vào.
Đó là nhà anh Vi Văn Hoan, 40 tuổi. Vợ anh là Lim Thị Xuyên đang đi làm nương. Tôi khen nhà anh cao to ti vi xe máy đầy đủ. Anh Hoan nói đó là tiền làm gỗ mà có”. Tôi hỏi: “Nghe nói ở bản ta có nhiều cô gái đi làm ở các nhà hàng, bãi biển, phòng karaoke?” “Bản ta con gái đi làm xa rất nhiều, chị rủ em, bạn bè rủ nhau. Mỗi lần về thấy chúng mặc mốt đẹp, mặt mũi son phấn, còn có làm ca ve không thì chúng không nói. Ta cũng như nhiều bố mẹ ở bản Kẻ Ninh này con nói sao thì nghe vậy, chưa có ai đến nơi để tìm hiểu con làm việc gì”.
Trên đường tìm đến trưởng bản Kẻ Ninh tôi bất chợt gặp một cô gái son phấn từ trong nhà nhìn ra tươi cười chào khách lạ. Tôi định vào “điểm” này để lấy thông tin nhưng nhớ câu nói của một cán bộ xã “Vào Kẻ Ninh nhớ đường mà về nhé”, tôi từ bỏ ý định. Cô gái kia nheo mắt cười, vẫy tay với khách. Đúng lúc này có một người đàn ông đi tới hỏi: “Anh tìm nhà ai, cho tôi đi nhờ với”.
Anh ta trèo lên xe tôi rồi mách chuyện: “Bản này nhiều gái đi làm nhà hàng, quán karaoke lắm, nhưng lại nói đi làm công ty nọ, nhà máy kia. Cái chị hồi nãy mắt xanh mỏ đỏ đó trước đây cũng nói đi làm công ty, bây giờ mang bệnh về nhà mới lộ ra. Ở đây một số nhà có hai, ba chị em rủ nhau đi làm tiếp viên.
Tôi đến nhà ông Hà Linh trưởng bản. Ông trưởng bản Hà Linh, nghe tôi giới thiệu là đi tìm hiểu sự thật về lời đồn đại nhiều gái bản đi làm “ca ve”, đầu tiên ông Linh ngần ngại. Mãi hồi lâu sau ông mới thú nhận dè dặt: “Cũng có chuyện gái bản đi làm “ca ve” nhưng ít thôi, trong đó có nhà có 3 đứa con gái đi làm “ca ve” là nhiều nhất bản.
Cũng có gia đình can ngăn con đừng đi, nhưng ở nhà thì không có việc gì làm, ruộng nương ít, nhà lại đông con, càng lớn ăn mặc, chi tiêu càng nhiều. Đầu tiên 4 – 5 đứa nghe ai đó vào đây rủ rê đi bán hàng ăn, bán cà phê, công việc khỏe lương tháng hàng triệu đồng, thế là theo thời gian chúng nó rủ nhau đi.
Thỉnh thoảng có đứa về thăm nhà, tai, tay đeo vàng có điện thoại di động, và ăn mặc rất mốt... Bản ta định tổ chức một cuộc tìm hiểu, đến nơi con em mình làm việc gì, nếu việc không chính đáng thì đưa về, nhưng không có kinh phí, ai cũng nghèo”.
Còn nhớ mùa hè năm ngoái, tôi có chuyến đi dọc bờ biển: Diễn Thành, Hòn Câu (huyện Diễn Châu), bãi biển Xuân Quỳnh, Quỳnh Bảng, Quỳnh Phương (huyện Quỳnh Lưu) để viết về tiềm năng du lịch. Chiều đến và đặc biệt là ban đêm, bãi biển, nhà khách, nhà trọ nào cũng có “hoa rừng”. Các cô bảo quê ở Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương... Liệu trong số các cô gái tuổi đời còn rất trẻ ấy có ai ở bản Kẻ Ninh, Định Tiến của xã Châu Hạnh?
Hơn 6 giờ chiều mặt trời đã lặn xuống sau Pù Trọng Cha, tôi rời bản Kẻ Ninh, Định Tiến mà không nghe thấy tiếng giã gạo thậm thình của các cô gái Thái để lo bữa tối.
Trên vài con đường mòn nhỏ, dọc khe suối có mấy cụ già lưng còng người đi rẫy về, có người đi bắt con cua con nhái để nấu canh. Nhìn bề ngoài hai bản vùng sâu này xem ra kinh tế đã khá lên và bình yên trong cuộc sống. Nhưng từ sâu xa một nỗi đau đang lớn dần và hậu hoạ cũng khôn lường vì các tệ nạn xã hội đang từng ngày len vào các bản vùng sâu heo hút này.
Hồ Hồng Tuyến
▪ 450 phần quà tặng bệnh nhi ung thư (30/05/2008)
▪ Nỗi niềm bệnh nhân AIDS (28/05/2008)
▪ Chuyện người đàn ông... AIDS (26/05/2008)
▪ Người mẹ già lượm ve chai nuôi đứa con tàn tật (26/05/2008)
▪ Vì ngày mai tươi sáng cho người khuyết tật (23/05/2008)
▪ Những nạn nhân nhí của tục “cướp vợ” (23/05/2008)
▪ Bé gái 10 năm chống chọi với bệnh tim (22/05/2008)
▪ Hà Nội: Đốt nến cầu nguyện cho người nhiễm HIV (21/05/2008)
▪ Cảnh cơ hàn của gia đình có 4 người mù (21/05/2008)
▪ Có nỗi khổ nào hơn thế! (21/05/2008)