Nỗi niềm bệnh nhân AIDS
Các Website khác - 28/05/2008

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với những bệnh nhân tại Trung tâm điều trị người bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối (huyện Thanh Trì, Hà Nội) diễn ra trong nước mắt. Lời của những người bị nhiễm HIV thì thào, giống như từ thế giới khác vọng về. Có ai đó trong chúng ta đã tự hỏi, những người sắp chết vì HIV/AIDS muốn nói gì và chúng ta đã biết gì, đã đối xử thế nào với họ?

Những số phận AIDS

 

 
 

Họ đang sống những ngày cuối đời trong cô đơn

Tôi không nghĩ người phụ nữ ngồi đối diện với tôi lại đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh thế kỷ, mặc dù trên người chị, ở hai cánh tay và trên khuôn mặt trái xoan xinh xắn, những vết lở loét đã làm chị già đi rất nhiều. Người phụ nữ trẻ này có cái tên thật đẹp: Vũ Phương A., nhà ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.

So với những bệnh nhân đang điều trị ở đây thì chị là một người đặc biệt. Chị đặc biệt không chỉ vì là người sống vào loại “thọ” nhất ở trung tâm, mà còn vì cho đến lúc này, sau mấy lần đối diện với cái chết, chị vẫn là người phụ nữ biết làm đẹp. Mỗi sớm thức dậy, chị vẫn không quên kẻ lông mày, không quên thoa một ít phấn lên khuôn mặt loang lổ vì mụn nhọt đã khô thành những vết sẹo tím bầm. Chị giải thích: “Không phải mình kiểu cách gì đâu. Chỉ là để cho đỡ sợ khi đứng trước gương thôi mà”.

“Người chết thì đâu còn biết gì nữa, chỉ có người sống thì mới biết và mới khổ thôi anh ạ. Ở trung tâm này, cứ 10 đám tang thì có đến 8, 9 đám không có người nhà tới dự. Chúng em cũng là con người, cũng có bố mẹ, gia đình, anh em. Vậy tại sao khi chết lại không có ai bên cạnh?”, chị nói trong những giọt nước mắt.

Đã mấy tháng rồi, người phụ nữ này vẫn chưa thấy có người nào trong gia đình mình vào thăm. Cuộc sống của những bệnh nhân đang điều trị ở đây dường như chỉ được tính từng ngày, từng giờ và có thể ra đi bất cứ lúc nào. Bây giờ, chị chỉ còn đủ sức để loanh quanh trong gian phòng mà chị vẫn ví nó như một cái tổ tò vò. Mới ngày hôm qua thôi, cũng tại gian phòng này, một người bạn của chị đã qua đời sau một đêm vật vã với bệnh tật.

Tại khu điều trị dành cho những bệnh nhân nam, không khí nồng nặc mùi thuốc sộc vào mũi chúng tôi, mặc dù ai nấy đều đã đeo khẩu trang kín mít. Một bệnh nhân nằm ở ngay lối vào, với thân hình gầy còm, khuôn mặt hốc hác và tím tái thở nhẹ đến nỗi tôi và một y tá đi cùng tưởng anh đã chết.

Thấy mọi người có vẻ hoang mang, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh, Giám đốc Trung tâm, trấn an bằng cách hơi cúi xuống bảo bệnh nhân rằng, có khách. Chỉ đến lúc này, đôi mắt người bệnh mới từ từ mở và trả lời rằng, anh vẫn có thể trò chuyện được, nhưng sẽ không nói được nhiều.

Phải đến rất gần và gióng tai nghe, tôi mới nghe được tiếng thì thào. Anh tự giới thiệu mình tên là Tùng, 30 tuổi, ở quận Đống Đa (Hà Nội), nghiện hút từ năm 1986. Người vợ vì không chịu đựng được người chồng nghiện ngập nên đã bỏ đi, để lại cho anh một đứa con nhỏ. Cũng may đứa con 11 tuổi của anh chưa bị bệnh và đang sống cùng ông bà nội. Nói đến đây, nước mắt từ hai hốc mắt trũng sâu của Tùng cứ trào ra.

Tôi đã không nghĩ rằng, người đàn ông gầy còm chỉ còn da bọc xương này lại có nhiều nước mắt đến thế. “Tôi bị thế này, chết cũng không trách ai cả - Tùng nói. Nhưng cứ nghĩ đến con, lại thấy mình có tội với nó quá”. Nói đến đây, Tùng lại khóc. Người ta thường bảo “đừng nghe người nghiện trình bày”, nhưng tôi vẫn tin lời của Tùng, một kẻ đã gần đất xa trời, là những lời chân thật nhất trên thế gian này.

Tùng bảo, 20 năm làm bạn với ma túy, đến lúc sắp chết, tự nhiên lại thấy mình tỉnh táo. Tự nhiên lại thấy cần những người thân luôn ở bên cạnh, trò chuyện. Nhưng, cũng giống như những bệnh nhân khác, Tùng làm gì có người thân đến thăm nom và trò chuyện.

Nỗi trăn trở của ông giám đốc Trung tâm AIDS

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh, Giám đốc Trung tâm điều trị người bị HIV/Aids giai đoạn cuối Hà Nội cho biết: ở Trung tâm này, tìm được một bác sĩ chịu gắn bó làm việc lâu dài thật khó. Mặc dù mỗi cán bộ làm việc ở đây, ngoài lương chính thì hàng tháng vẫn được UBNDTP trợ cấp 500.000đ và thêm 50% lương. Tuy vậy, không phải ai cũng đủ can đảm làm cái công việc mà chỉ cần sơ suất, tai nạn nghề nghiệp cũng gây nguy hiểm đến tính mạng của mình.

Khi vào đây, các bệnh nhân đều đã ở giai đoạn cuối và mắc rất nhiều các bệnh truyền nhiễm. Khi bệnh nhân qua đời, UBND thành phố lo kinh phí từ A đến Z, từ việc mua quan tài, chi phí vận chuyển cho tới việc hỏa táng. Thế nhưng, cũng theo bác sĩ Khanh, một điều rất đau lòng là có đến 80% bệnh nhân bị gia đình bỏ mặc, không quan tâm chăm sóc. Không có gia đình, người thân vào thăm nom nên một số bệnh nhân tỏ ra rất tiêu cực.

Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm đã xảy ra hàng chục vụ bệnh nhân tự cắt tĩnh mạch và thắt cổ tự tử, rất may đều được phát hiện kịp thời. Lại có những bệnh nhân tỏ thái độ tiêu cực theo hình thức khác như đập phá, gây gổ hoặc không tuân thủ các chỉ định của bác sĩ.

Khoan bàn đến việc vì sao họ mắc phải căn bệnh thế kỷ này và quá khứ của họ ra sao, người bị HIV, dù sao cũng là những người bất hạnh, rất cần được cảm thông và chia sẻ. Chỉ có như thế mới khiến họ bình thản trước bệnh tật và không có những hành động tiêu cực, gây thương tổn cho gia đình và cho cộng đồng.

Rời Trung tâm, những điều giám đốc Nguyễn Văn Khanh đã nói trước lúc tiễn khách luôn ám ảnh tôi: “Nhà báo viết thế nào để ngày càng có nhiều người đến trung tâm nhận người nhà thì chúng tôi rất mừng. Chứ ở đây, ngay cả khi bệnh nhân chết mà việc liên hệ với gia đình khó quá. Hầu hết họ đều bỏ mặc người thân cho Trung tâm lo liệu. Hiện nay, Trung tâm vẫn còn mười lọ hài cốt gửi ở nghĩa trang Văn Điển, mà lâu lắm rồi, không thấy có người đến nhận. Mỗi lúc nhìn thấy, lại thấy thật đau lòng cho họ quá!”.


Thành Văn
(Báo SGGP 12 giờ)