Giadinh.net - Đó là những đứa trẻ trong xóm núi nhỏ đằng sau khu du lịch Mai Châu, Hòa Bình. Khi sinh ra, chúng đã mang trong mình căn bệnh HIV/ AIDS, cha mẹ ly tán, cuộc sống nghèo khổ. Không được đi học, chúng ở nhà chơi với những cây rừng. Trong tâm trí trẻ thơ, con chữ cũng đẹp như những lá cây rừng xanh mởn- chúng cứ chờ, chờ mãi để được hái.
Lời tâm sự chan nước mắt ấy của chị Khà Thị Hào xã Chiềng Châu, Mai Châu với các con đau như lưỡi dao “cứa” vào tình cảm gia đình thiêng liêng. Nhưng sự thực hoàn cảnh gia đình là như vậy. Kể từ khi chồng chị mất vì căn bệnh HIV/AIDS, cuộc sống của ba mẹ con cứ chìm dần vào bóng đêm của sự lam lũ khổ cực và sự dị nghị, dòm xét của người đời...
Trước đây chồng chị chạy xe ôm, còn có đồng ra đồng vào lo học hành cho thằng cháu lớn. Nhưng từ khi phát hiện ra mình đang mang trong mình virus HIV, anh đâm tâm thần, chán đời, uống rượu suốt ngày rồi đánh đập vợ con.
Năm 2006, anh mất, bỏ lại căn nhà trống huơ trống hoác với ba mẹ con ngày ngày lần từng bữa ăn. Người đàn ông trụ cột trong gia đình mất đi, kinh tế gia đình suy sụp, đứa con lớn đang học dở lớp 5 cũng phải nghỉ học ở nhà phụ giúp mẹ lên rừng kiếm củi nuôi miệng. Nhưng mỗi bó củi cũng chỉ kiếm được 2.000-3.000 đồng.
Ngày nào đi khỏe thì còn được vài bó chứ cứ như bây giờ, nhiều khu rừng cấm không cho lấy củi, phải đi xa và sâu mãi vào trong rừng mới có được đôi bó đem về. Bữa ăn của ba mẹ con thường là một ít rau tự trồng được và nồi cơm móp méo còn lẫn đầy thóc.
Không chỉ khổ vì miếng cơm manh áo mà chị còn một nỗi niềm không dám ngỏ cùng ai. Đó là chuyện thằng Mạnh - đứa con thứ hai của chị có mang trong mình virus HIV hay không. Dù vậy, chị vẫn không dám đưa con đi xét nghiệm, chị không dám đối diện với sự thật.
Chị đã từng chứng kiến hai đứa trẻ, ở cùng xóm chỉ mới 7, 8 tuổi cũng phải rời bỏ thế giới này theo bố mẹ chúng đi xa vì HIV/AIDS. Khổ là vậy, lo là vậy nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn.
Ngày mai, không biết rừng cho mẹ con chị bao nhiêu củi, dưới đồng sâu cho chị được mấy con cá, gạo đã không còn hạt nào, muối cũng hết rồi...! Ngày mai, không biết phải bắt đầu từ đâu, không biết phải sống ra sao?
Đám cưới là sự kiện quan trọng và là ngày vui nhất đời một con người, nhưng oái oăm thay, đám cưới của chị Thu và anh Thọ ở Mai Châu, Hòa Bình lại là ngày thật buồn. Bởi trước ngày vu quy, anh Thọ phát hiện mình có HIV. Tưởng rằng chị Thu sẽ đi tìm hạnh phúc khác nhưng chị vẫn quyết tâm cưới, mặc sự can ngăn, cấm đoán của gia đình, họ tộc.
Rồi chị Thu có thai, rất may đứa trẻ không bị lây AIDS từ bố. Nhưng hạnh phúc đó cũng không tồn tại được bao lâu, anh Thọ đã vội vàng bỏ hai mẹ con chị Thu mà đi xa, chưa kịp lo cho vợ con anh một mái nhà vững chắc lúc trái gió trở trời.
Cuộc sống nghèo túng, chủ yếu sống nhờ vào đồng ruộng không đủ sinh hoạt cho hai mẹ con. Chị Thu phần vì không được bố mẹ đồng ý nên cũng chẳng có tài sản gì đáng giá để làm tư liệu sản xuất, phần vì cũng đau yếu luôn. Cuộc sống chật vật, lần từng bữa khó nhọc với bó củi trên rừng, con ốc con cá dưới ao.
Mỗi ngày có được bữa cơm có thịt đã là khó, nói chi đến ước mơ cho con được một ngày đi học. Đáng lẽ cháu bé con chị Thu năm nay sẽ vào lớp 1. Hôm trước, nhìn cháu dõi theo đám bạn lên trường tập trung, chuẩn bị cho năm học mới, chị Thu cũng gạt nước mắt dắt con lên trường xin các thầy cô cho cháu đi học.
Nhà trường cũng khó khăn, biết bao hoàn cảnh đang rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ, tiền học phí thì có thể miễn giảm theo quy định hộ nghèo của Nhà nước. Nhưng các khoản của trường, của lớp, tiền sách vở, tiền đồng phục, tiền ăn trưa... thì chị lấy đâu mà nộp cho cháu.
Những đứa trẻ mơ “hái chữ”
Hai anh em Cường, Mạnh – con trai chị Khà Thị Hào đều đang trong độ tuổi đi học. Bạn bè cùng tuổi với Cường năm nay vào lớp 7, còn nó vẫn chưa tốt nghiệp tiểu học. Bỏ học đã lâu nên kiến thức của năm học lớp 5 giờ cũng rơi rụng hết. Đứa em năm nay cũng vào lớp 1. Vậy nhưng khi nói đến chuyện này chị Hào rơm rớm nước mắt: “Phải cho cháu ở nhà thôi, cô ạ!”.
Chị Hào tâm sự: “Hôm rồi, ông bác bên nhà anh Nghiệp thương tình, hứa giúp cho thằng Cường mỗi tháng 100.000 đồng để đi học, cộng với nhà trường tạo điều kiện giúp đỡ, may ra thì vừa đủ tiền ăn học, tôi sẽ cố động viên cháu, được ngày nào hay ngày ấy. Nhưng còn thằng nhỏ, để nó ở nhà với tôi thôi”.
Cuộc sống lam lũ của Chị Hà Thị E xã Chiềng Châu, Mai Châu với hai đứa con tuổi ăn tuổi lớn quả là quá sức chịu đựng của chị, chứ nói gì đến việc học hành của con cái. Thằng cháu lớn nhà chị E rất thông minh.
Năm nay Khâm đã 18 tuổi, bạn học của nó ngày xưa đã lên thành phố chuẩn bị nhập học đại học, cao đẳng hết rồi, cả xóm chỉ còn lại mình nó. Hôm tôi lên, nó mang tập giấy khen của trường ra cho chúng tôi xem. Tập giấy khen chỉ dừng lại ở thành tích năm học lớp 8. Nó bảo: “Không biết bao giờ em mới được nhận giấy khen ghi năm học lớp 9, chị nhỉ? Mẹ em hứa là cho em tiếp tục đến trường nhưng các bạn đã đi học được cả tháng rồi, chẳng thấy mẹ em bảo gì cả, sách vở em cũng chưa mua!”.
Thằng bé làm tôi nghẹn ngào. Còn đứa em gái của Khâm, con bé Khuyên, đã lên 11 tuổi nhưng nhỏ thó trông rất tội. Lâu lắm rồi nó cũng chưa được đến trường, chưa cầm bút để làm tính, viết chữ... chẳng biết con chữ có ở lại trong tâm trí nó nữa không?!
Những ước mơ xanh!
Cái chữ với bọn trẻ dân tộc vùng cao này còn phải vượt qua bao nhiêu suối, đèo, bao nhiêu thóc lúa của cha mẹ chúng mới đến được với chúng. Với lũ trẻ bình thường, cha mẹ có ruộng để làm, có con trâu con gà mà tăng gia, gia đình có đồng ra đồng vào, cuộc sống không đến mức lần từng bữa đã khó, đã khổ.
Nhưng sẽ là khó khăn gấp bao nhiêu lần, sẽ là bao nhiêu giấc mơ để có được cái chữ, sẽ là bao nhiêu bó củi để có được tập sách thơm phức mùi mực, sẽ là bao nhiêu buổi lặn lội dưới đồng sâu để có được tiếng gọi rủ đi học của lũ bạn cùng xóm? Phép tính ấy biết bao giờ mới có đáp số? Biết bao giờ ước mơ tập giấy khen mới được hoàn chỉnh và đầy đủ?
Lũ trẻ con em các gia đình có người chết vì AIDS lại còn phải chịu ánh mắt kỳ thị. Lũ bạn xa lánh, hắt hủi, người dân trong xóm dè bỉu, cấm không cho con cái họ chơi cùng. Tuổi thơ của những đứa bé ấy quẩn quanh, ngột ngạt.
Chúng không có được hạnh phúc nhỏ bé nhất là được tự do, vô tư chơi đùa như những đứa trẻ khác, vì bọn trẻ kia chỉ bắt chước người lớn mà vè rằng: “Đồ Sida, tránh xa bọn tao ra!” (Tiếng Thái là “bá Sia, nhà mà khớ cu”). Có lẽ suốt cuộc đời này, ánh mắt ghẻ lạnh của đám bạn cùng xóm sẽ theo chúng, dằn vặt và đau đáu mỗi lúc một sâu, một ám ảnh!
Tôi cứ bị ám ảnh mãi ánh mắt đứa con út nhà chị E khi nó lỏn lẻn xin tôi cho đi học. Chắc nó đã từng bị chị E từ chối nên khi nói với tôi, nó ngập ngừng và e dè. Ánh nhìn đau đáu của đứa trẻ như xoáy vào tâm can tôi, như cầu xin, như van nài một phép mầu kì diệu! Một phép mầu của những con chữ kì diệu có thể đến được và ở lại với chúng. Ở đó, có thầy cô giáo và các bạn đồng trang lứa, có quyển sách, tập vở còn thơm mùi mực mới...
Tôi nghe bọn trẻ rỉ tai nhau: “Không được đi học thì với tay lên cây mà bắt con chữ về!”. Một ý tưởng táo bạo, không thực nhưng rất đáng yếu của lũ trẻ xóm núi. Giá mà được như thế thì hay quá.
Giá như con chữ được treo trên cây thì tốt quá. Bởi ở vùng này, cây cối nhiều không kể xiết, xung quanh nhà chúng là bạt ngàn màu xanh mướt của núi rừng. Biết bao giờ, cái chữ mới thật gần gũi, thật dễ và dành cho tất cả lũ trẻ nơi này như tán lá rừng ngày ngày chúng vẫn với tay là chạm được, hái được?
Với tay hái một cành lá, tôi ao ước theo giấc mơ của lũ trẻ! Nhưng cành lá sao mà xa quá, sao mà cao thế, tầm tay không vươn tới...
Anh Ngọc
▪ Một hành trình cảm động (23/10/2008)
▪ Lời tâm sự của một tình nguyện viên GIPA tại Hà Nội (22/10/2008)
▪ Trái tim nhân hậu thắp sáng mảnh đời tăm tối (21/10/2008)
▪ Trại phong Sóc Sơn (21/10/2008)
▪ Oằn mình lột xác trong trường cai nghiện (14/10/2008)
▪ Đối mặt với cám dỗ (09/10/2008)
▪ Nơi họ tìm đến những khi tuyệt vọng (03/10/2008)
▪ Hôn nhân của họa sĩ nhiễm HIV đã đổ vỡ (29/09/2008)
▪ Tự sự của một cô gái nhiễm HIV:Bản án tử hình (26/09/2008)
▪ Tự sự của một cô gái nhiễm HIV:Chia tay và sa đọa (22/09/2008)