Quách Thị Mai và chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ VN Hà Thị Khiết tại cuộc mít tinh nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS 1-12-2004. |
Hơn 20 người có HIV, là thành viên nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” đã đến tham dự buổi họp báo thật đặc biệt về nhóm vừa được Dự án Policy và Báo Lao Động tổ chức tại Hà Nội. Có người trong số này ở ngay Hà Nội, người đến từ Hải phòng, người từ Bắc Ninh và có người ở tận Vân Đồn, Quảng Ninh. Có cô gái da rất trắng, cặp mắt tuyệt đẹp, có chàng trai cao và rất đẹp trai… Họ là những người hiếm hoi trong số hơn 80 ngàn người nhiễm HIV ở VN dám công khai tình trạng có HIV, và họ còn khác 80 ngàn người đồng cảnh ngộ ở chỗ đang phấn đấu vượt qua hoàn cảnh, tìm lại chính mình.
Hội “mồ côi chồng”
Không đẹp nhưng khá thông minh, nói năng lưu loát như một MC chính hiệu, Quách Thị Mai, một người có HIV đến từ Hải Phòng đã khiến nhiều nhà báo ngạc nhiên về khả năng ứng xử của cô. Sinh năm 1978, tuổi mà nhiều cô gái thành phố như Mai vẫn lo bay nhảy, chưa chịu lấy chồng thì Mai đã kịp có một con gái hơn 4 tuổi và chồng cô đã mất hơn 2 năm nay vì căn bệnh AIDS. Là một trong những người Hải Phòng đầu tiên “dám” công khai tình trạng của mình, nhưng Mai cũng phải thú nhận: “Phản ứng của mọi người khi biết tôi nhiễm HIV đã vượt mọi sự kiểm soát”.
Mồ côi cha mẹ từ năm 15 tuổi, cuộc sống bươn chải và sớm phải lo toan đã khiến Mai có tính cách cứng cỏi hơn bạn bè. Năm 1999, Mai quen chồng Mai sau này mà không hề biết anh ấy nghiện ma tuý và đã nhiễm HIV trong một lần dùng chung kim xăm ở trong tù. Cô gái trẻ thiếu thốn tình cảm quyết tâm cải hoá chàng trai, giúp chàng trai cai nghiện được 8 tháng thì họ xây dựng gia đình.
Tháng 7.2000, Mai sinh con gái cùng lúc biết mình đã nhiễm HIV, nhiều người trong gia đình muốn Mai bỏ con, Mai nhất quyết không chịu: “con mình, mình không lo thì ai lo”? Mới sinh, thu nhập chính của 2 vợ chồng và cô con gái nhỏ trông vào đầm rau muống trước nhà, có lúc vừa trông con, vừa lo tiếp tế cho chồng ở tù…
“Cuộc sống khốn khổ mãi đến 2002, nhiều người sợ không dám mua rau, có lúc tôi tưởng như không chịu đựng nổi. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy mình vẫn sướng hơn những người chưa dám công khai tình trạng nhiễnm HIV. Từ kinh nghiệm của mình, tôi biết chưa công khai, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái chết, đến bệnh tật”- Mai tâm sự.
Không được “hạnh phúc” như Mai, mất chồng nhưng còn con gái để chăm nom, chị H ở nhóm Vì ngày mai tươi sáng Vân Đồn (Quảng Ninh) chỉ trong 3 tháng mất cả chồng lẫn con. Chồng chị cũng nghiện, chị gái chồng chị có 4 con thì 3 năm liền chết 3 đứa vì HIV, ở quê chị có nhà sáng ra 2 con trai chết cách nhau chỉ 1g đồng hồ, 2 chiếc quan tài đặt cạnh nhau cha mẹ không còn nước mắt để khóc.
“Nếu còn, con gái tôi năm nay vào lớp 1. Năm 2000, khi bác sỹ thông báo cháu nhiễm HIV, tức là vợ chồng tôi cũng nhiễm HIV, tôi đã sụp đổ. 6 tháng sau con tôi mất, 3 tháng sau nữa thì chồng tôi mất. Trước lúc mất, anh ấy nắm tay tôi ân hận, mong tôi sống đến năm 2005 vì trên báo nói lúc đó có thuốc chữa bệnh AIDS. Chỉ 3 tháng trời tôi đã mất hết trong khi vẫn còn khao khát làm vợ, làm mẹ. Nhiều đêm tôi đi lang thang khắp đảo, nghe tiếng trẻ con khóc cũng giật mình”- Chị buồn bã nói.
“Mồ côi” chồng, bị xã hội xa lánh, các chị chỉ biết tìm đến nhau để than thân trách phận. Đầu năm 2003, nhóm Vì ngày mai tươi sáng ra đời ở Hà Nội, nhiều khó khăn có lúc tưởng rã nhóm, 4 người còn lại trong nhóm đã kiên quyết làm mọi việc để nhóm được tồn tại. Nhờ sự cụ chùa Pháp Vân (Hà Nội), nhờ những phụ nữ người nước ngoài ở CLB Phụ nữ Hà Nội, nhóm Vì ngày mai tươi sáng đã tồn tại được, đến nay nhóm đã có 77 thành viên ở các tỉnh phía bắc. Nhiều người trong số này là nạn nhân của HIV, bị nhiễm bệnh qua chồng, nhiễm bệnh sau một lần trót quan hệ với gái mại dâm nhiễm HIV, có người có lúc lỡ lầm dính vào ma tuý… Hôm nay, họ bắt đầu con đường tìm lại chính mình.
Hành trình tìm lại chính mình
Năm 2001, Mai bắt đầu tham dự các hội thảo với tư cách là người nhiễm HIV. Tại thành phố quê hương, cô đã lên truyền hình để nói về căn bệnh thế kỷ này mà không thể tưởng tượng được sự xa lánh của mọi người khi biết cô là người nhiễm HIV. Nhưng cô không trách ai hết, là phụ nữ, đã được làm vợ, làm mẹ, nay không may thì chỉ biết trách… số phận. Và không ai hiểu HIV bằng những người đã nhiễm HIV, từ mấy tháng nay Mai đã trở thành giáo dục viên sức khoẻ của CLB Hải Âu, chuyên tư vấn cho những người nghiện chích ma tuý ở Hải Phòng cách phòng tránh HIV, một dự án do Tổ chức sức khoẻ gia đình quốc tế (FHI) tài trợ. “Rất nhiều người tìm đến chỗ chúng tôi, có hôm tôi bận tư vấn đến 1g sáng. Công việc đã khiến tôi gặp được những người đồng cảnh ngộ, là cơ hội cho tôi nói những gì mình biết cho người khác, giúp họ tránh được nguy cơ nhiễm HIV, đó cũng là nguồn an ủi cho tôi”- Mai nói.
Còn ở Quảng Ninh, tháng 8 vừa qua, chị H và 17 người bạn khác đã lập được nhóm Vì ngày mai tươi sáng Vân Đồn. “Người nhiễm, phụ nữ nhiễm HIV ở chỗ chúng tôi rất nhiều, chúng tôi muốn thành lập một tổ chức để giúp họ. Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… muốn đỡ đầu, nhưng họ nói hoạt đông phải do họ, nếu không lập hội quá 6 người là họ sẽ giải tán, nhưng chúng tôi chỉ muốn giúp đỡ nhau”- Chị H kể.
Mãi rồi nhóm cũng thành lập được với 18 thành viên đầu tiên, chỉ trong mấy tháng, chị H đã đưa được mấy chục lượt người nhiễm từ Vân Đồn về Hà Nội khám bệnh. Công việc khiến chị vui lên nhiều, bắt đầu biết lo cho mình và… bắt đầu muốn sống. Từ công việc của nhóm, chị H đã quen một người đàn ông cũng không may như chị, anh kém chị 1 tuổi, nay đang làm cộng tác viên tư vấn về HIV ở Trung tâm VTC, Bệnh viện Bạch Mai. Không chỉ riêng chị, cả Mai và vài người bạn khác trong nhóm đã tìm thấy tình yêu ở những người cùng cảnh ngộ. Khi nói về “anh ấy”, mắt Mai lấp lánh nước. Mai nói mọi người trong gia đình, kể cả gia đình chồng cũng rất ủng hộ cho 2 người qua lại thăm nom nhau. Thỉnh thoảng anh ấy về Hải Phòng, có lúc Mai lại lên Hà Nội. Có nhau, Mai thấy vui hơn, làm việc hăng say hơn, nhiều mơ ước hơn…
Và hy vọng...
Hiện giờ, lương tháng của Mai là hơn 1 triệu đồng. Ngoài khoản chi tiêu cho 2 mẹ con, cô cố gắng dành dụm, gửi tiết kiệm mỗi tháng 200 ngàn đồng để lo cho tương lai của con gái. Con gái Mai tên Q.A, ở nhà gọi là Còi, rất nghịch ngợm hiếu động. Còi đã 4 tuổi rưỡi, nhưng mẹ Mai chưa dám cho đi xét nghiệm vì sợ một lần nữa phải nghe chuyện buồn.
Nhưng lần này thì Mai quyết tâm lắm: “Vài ngày nữa tôi sẽ cho cháu đi Hà Nội xét nghiệm. Trong nhóm (nhóm Hoa Phượng đỏ ở Hải Phòng, trong đó có anh hùng Châu á 2004 Phạm Thị Huệ) đã có 3-4 người đưa con đi xét nghiệm và tất cả đều âm tính với HIV”- Mai hồi hộp kể. Và Mai cũng rất hy vọng, bởi ngay từ khi sinh bé Còi, cô đã nuôi bộ, có ý thức phòng tránh cho con, đến nay Còi vẫn khoẻ, vẫn rất hiếu động…
Cũng trong buổi sáng ấy, chúng tôi gặp một cô gái thật xinh đẹp quê ở Bắc Ninh. Chồng cô nghiện ma tuý rồi nhiễm HIV, anh chồng cô cũng nghiện và cả 2 vợ chồng anh chị ấy cũng nhiễm HIV. Cả buổi sáng, cô chỉ mong tìm gặp được ông Trần Tiến Đức, GĐ Dự án Policy để bảy tỏ tâm sự rằng làm sao thành lập được nhóm ở Bắc Ninh, làm sao có thể kể được cho mọi người dân ở đây cách phòng chống HIV, bởi cả ở Bắc Ninh chỉ có vợ chồng cô và vợ chồng chị L dám “đứng lên”. Vợ chồng cô muốn nói thật nhiều bởi vẫn còn rất nhiều thanh niên sa chân vào con đường nghiện ngập, có quan hệ tình dục không an toàn và có thể nhiễm bệnh.
Theo ông Trần Tiến Đức, hiện rất nhiều cơ quan, tổ chức sẵn sàng tiếp nhận người nhiễm HIV vào làm việc. Ngay ở dự án Policy, rất nhiều nhân viên là người nhiễm HIV. Chỉ một ngày gặp gỡ, những người nhiễm HIV đã bắt tôi phải nghĩ mãi về họ. Nhưng lần này không phải là những ý nghĩ sợ sệt khi bắt gặp những người bệnh gày guộc nằm thở trên giường bệnh, mà là nghĩ về những hy vọng mới của họ. Chị L, một thành viên chủ chốt của nhóm đã nói với chúng tôi rằng họ đặt tên nhóm như một lời ước nguyện cuộc sống sẽ tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn. Và dù cuộc sống còn ngắn ngủi, nhưng họ vẫn muốn “sống có ích, sống như những bông hoa, mỗi buổi sáng thức giấc để đón nhận ánh sáng mặt trời và nghĩ về những điều tốt đẹp…”
LAN ANH
▪ Màu tình yêu - những giấc mơ về cuộc sống (30/11/2004)
▪ Người lao động nhiễm HIV bị kỳ thị (29/11/2004)
▪ Đằng sau nụ cười của những người sống chung với HIV... (29/11/2004)
▪ Một tấm gương phòng, chống HIV/AIDS (29/11/2004)
▪ Những người sống cùng "ết" (28/11/2004)
▪ Chị Huệ 'AIDS' (27/11/2004)
▪ 42 người sau cai nghiện được ký hợp đồng lao động (26/11/2004)
▪ Đi ươm tình người (26/11/2004)
▪ Ðem lại niềm tin cho những con người bất hạnh (24/11/2004)
▪ Ngày hội của hơn 100 người nhiễm HIV/AIDS (23/11/2004)