Người bạn đường cùng tôi trong chuyến đi công tác có nói rằng: ''Nếu có một nơi nào đó dồn tụ hết mọi nỗi đau nhân gian thì nhà trẻ này là một nơi như vậy''.
Bước qua cách cổng sắt nặng nề của Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội (GDLĐXH) số 2, nơi chăm sóc, chữa trị, giáo dục cho những đối tượng gái mại dâm hoạt động ở Hà Nội, con đường bê tông thoải mình theo triền đồi dẫn chúng tôi đến nhà trẻ dành cho những đứa trẻ nhiễm HIV/AIDS bị bỏ rơi. Đó là căn nhà mái bằng nằm ngay trong khu ăn, ở của các đối tượng 05. Sự khác biệt đầu tiên của nhà trẻ này với muôn ngàn nhà trẻ khác là sự nồng nặc mùi thuốc sát trùng. Tôi lắng nghe chỉ thấy những tiếng khóc ri rỉ mà chẳng thấy tiếng hát, tiếng cười. 17 đứa, lớn nhất lên 6, bé thì mới vài tháng tuổi đang chạy, bò lổm ngổm.
VN đã phát hiện 373 trường hợp trẻ dưới 5 tuổi nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con. Hàng năm, cả nước có trên 2 triệu phụ nữ mang thai. Theo thống kê, giám sát: tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này là 0,39%, như vậy mỗi năm có hàng nghìn phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV. Theo các nghiên cứu, tỷ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con vào khoảng 30-40%, như vậy, số lượng trẻ đẻ ra bị nhiễm HIV cũng ngày một tăng cao. Hệ thống về tư vấn, xét nghiệm, điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con đã được hình thành và triển khai các hoạt động. Số lượng phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm và điều trị dự phòng cũng tăng lên hàng năm, đạt 100% ở các bệnh viện phụ sản lớn như Bệnh viện phụ sản Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). (Theo Uỷ ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm) |
Thấy người lạ, những đôi mắt đẫm nước xoe tròn nhìn đầy lạ lẫm. Sự ngạc nhiên này chỉ thoáng qua giây lát, ngay lập tức xúm lại rờ rẫm, lục lọi mọi đồ đạc của những vị khách lạ. Cả đám trẻ như hỗn chiến tranh giành nhau từ sách bút đến điện thoại, chúng không ngừng tay lấy một phút.
Nhìn đám trẻ, đứa chóc lở đầy người, đứa có tóc chỉ lơ thơ vài sợi do hệ thống miễn dịch suy giảm toét miệng, như thể bắt thân, tự nhiên cảm giác lo lắng biến mất, tôi xót xa khi thấy sự sống mong manh sắp lìa đời trong tâm hồn thơ dại. Cúi xuống, tôi bế thằng bé có cái tên Nguyễn Quang G vào lòng. Nó chẳng tỏ vẻ sợ hãi, cứ nhe hàm răng sún ra cười. Tôi có cảm tưởng hình như đám trẻ biết số phận đang chờ đợi mình hay sao mà đứa nào đứa nấy mắt đều đen và sáng như thể cố thu nhận tất cả những gì đang diễn ra xung quanh.
Nỗi đau khôn nguôi
Tạo hóa trớ trêu khéo véo nặn cho đám trẻ những số phận chát đắng. Trong số 17 đứa trẻ đang ở trung tâm thì chỉ có 3 cháu biết rõ nguồn gốc, các cháu còn lại thì cha, mẹ chúng nhẫn tâm vứt bỏ núm ruột của mình ngay khi chúng vừa chào đời. Đám trẻ chẳng bao giờ được nghe tiếng ru ầu ơ của mẹ, tiếng khóc của chúng còn có cái gì cứ nghèn nghẹn, tức tưởi.
Có thể bây giờ con số 17 đứa trẻ bị nhiễm HIV/AIDS ở Trung tâm GĐLĐXH số 2 không còn chính xác, có thể một linh hồn nào đó đã trút bỏ được nỗi đau nơi trần thế bay về chốn thiên đường và tất nhiên lại thêm những sinh linh tội nghiệp gia nhập nhà trẻ. Bóng chiều chạng vạng loang dần trên những đỉnh núi Ba Vì, cuộc sống những đứa trẻ kia đang dịch dần về phía bóng tối...
Nhân Chính
▪ Campuchia: Nhà sư và việc hỗ trợ những người sống chung với HIV/AIDS (26/07/2004)
▪ Anh và tôi (04/06/2004)
▪ Câu chuyện của một ông bố 19 tuổi (03/06/2004)
▪ Bạn tôi mới ra đi vì AIDS (03/06/2004)
▪ Câu chuyện của một người đồng tính đã lấy vợ (03/06/2004)
▪ Cửa thiền tham vấn HIV/AIDS (28/07/2004)
▪ Thế giới đồng tính nữ (27/07/2004)
▪ "Cánh đồng chết" (23/07/2004)
▪ Hai mươi bốn điều bạn nên ghi nhớ (23/07/2004)
▪ Tiên Lương tan hoang vì AIDS (21/07/2004)