SAVY do Tổng cục Thống kê, Bộ Y tế, Quỹ nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp thực hiện. Gần 7.600 thanh, thiếu niên từ 42 tỉnh, thành đã tham gia vào cuộc điều tra này. Tại buổi công bố, Thứ trưởng Y tế Trần Chí Liêm cho biết: "Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức cuộc điều tra quy mô Quốc gia về thanh, thiếu niên (TTN). Thông tin từ cuộc điều tra này nhằm góp phần định hướng và xây dựng các chính sách về TTN".
SAVY đã tiếp cận khá toàn diện về đời sống của TTN ở tất cả các lĩnh vực giáo dục, y tế, việc làm, tình bạn, tình dục, gia đình... Có những con số hết sức cụ thể gây bất ngờ: 95% TTN có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với gia đình. 2/3 trong số thanh niên nông thôn (TNNT) chọn bạn đời có sự tham dự của gia đình và tới 89% sau khi cưới sống chung với đại gia đình nhà chồng hoặc nhà vợ). Điều tra này kết luận, gia đình là yếu tố bảo vệ quan trọng đối với TTN.
Đặc biệt, với những hành vi có hại cho sức khỏe, trái với mọi dự đoán: tỷ lệ thanh niên nam bị bạo hành lớn hơn nữ (nam 2,9%, nữ 1,5%), trong khi đó nữ thanh niên có ý định tự tử nhiều hơn nam nữ 7,8% so với tỷ lệ trung bình là 3,4%). Nam TNNT dễ ốm hơn nam thanh niên ở thành phố (tỷ lệ 40,9% so với 30,5%). Gần 50% nam thanh niên có uống rượu (16,7% TTN cho biết có cha bị nghiện rượu).
Về sức khoẻ sinh sản, điều tra này cho thấy TTN đã thoải mái hơn khi nói về những vấn đề được coi là thầm kín (ở khu vực nông thôn, trung bình hơn 70% TTN có tâm sự về vấn đề này). Độ tuổi có quan hệ tình dục đầu tiên là 19 tuổi, muộn hơn so với nhiều nước châu Âu và châu Á khác. Kết quả điều tra cũng cho thấy, thanh niên có vẻ cởi mở hơn với tình dục trước hôn nhân (57,3% nam và 35,6% nữ đồng tình). 97% TTN biết về HIV/AIDS, tăng 27% so với một cuộc điều tra năm 1999.
Về tiếp cận công nghệ thông tin: TTN nông thôn sử dụng Internet ít hơn bốn lần so với TTN thành thị (12,8% so với 50,2%). Có việc làm được coi là ưu tiên hàng đầu và là ước vọng chính của cả TNNT và thành thị. TNNT đi làm sớm hơn (tuổi đi làm trung bình là 16,1), 64,1% TTN cho rằng khó tìm việc làm. Hơn 50% TTN làm các công việc giản đơn. Tương ứng, tỷ lệ thanh niên được đào tạo nghề còn quá thấp: 18,9%.
Nói chung, kết quả cuộc điều tra cho thấy một bức tranh tích cực về TTN Việt Nam: năng động, chăm chỉ, có nhiều hoài bão và tự tin. Ông Christian Salazar - Phó đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng: "SAVY đã nhìn vào sâu hơn bản chất của những con số".
Về chính sách SAVY đã đưa ra các khuyến nghị chính: Ưu tiên những vấn đề tạo công ăn việc làm, cơ hội được giáo dục; giảm những nguy cơ liên quan tới việc sử dụng các chất kích thích; nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Chính sách cần tập trung vào nhóm thanh niên dễ bị tổn thương đặc biệt là TTN dân tộc thiểu số. Củng cố khung chính sách pháp lý để bảo vệ và tăng cường sự phát triển của thanh niên...
|