 Cộng đồng các nhà tài trợ, Đoàn Ngoại giao cùng đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa xem xét báo cáo quốc gia đầu tiên của Việt Nam về quá trình thực hiện Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Bản báo cáo với tiêu đề “Giành được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ”, đánh giá tiến bộ Việt Nam đã đạt được trong tám mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, bao gồm xoá đói và giảm nghèo; phổ cập giáo dục; đẩy mạnh bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em; tăng cường sức khoẻ cho bà mẹ; chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; bảo đảm môi trường bền vững; xây dựng quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển. Phó đại diện thường trực của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Subinay Nandy đánh giá, đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện những thành tựu và bài học kinh nghiệm của mình với thế giới tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc từ ngày 14 đến 16-9 tới tại New York, nêu bật những nỗ lực để bảo đảm đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015 cho tất cả người dân Việt Nam. Đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, ngoài việc nỗ lực huy động tối đa các nguồn lực trong nước, Việt Nam còn nhận được sự trợ giúp cả về nguồn lực và kinh nghiệm của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức của LHQ, các tổ chức phi chính phủ giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Báo cáo quốc gia về các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trình bày chi tiết các bước mà Việt Nam đã thực hiện trong các lĩnh vực như giảm nghèo, phổ cập giáo dục, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới năm tuổi và tăng độ che phủ rừng. Báo cáo cũng xác định các thách thức chủ yếu để đạt được các mục tiêu nói trên, như khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữa nông thôn và thành thị, giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số đang gia tăng. Trong lĩnh vực giáo dục, mặc dù tỷ lệ học sinh nhập học tăng, chất lượng giáo dục vẫn là một vấn đề đáng quan tâm. Với tỷ lệ 62% số ca nhiễm HIV mới ảnh hưởng tới dân số Việt Nam trong độ tuổi từ 20-29 tuổi, HIV/AIDS có thể sẽ là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc duy trì tiến bộ. Việc tham khảo ý kiến này là một trong những bước cuối cùng trước khi đại diện Việt Nam trình bày bản báo cáo này trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị cấp cao LHQ sắp tới. Các quyết định then chốt về phát triển, an ninh và các vấn đề nhân quyền, kể cả việc đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của thế giới sẽ được thông qua tại hội nghị. BÍCH HẠNH
|