Bài văn điểm 0 và mong muốn tìm được người học học trò cũ của một thầy giáo già được đăng tải trên Edu.net.vn. |
Ngày 12/8/2008, hơn một năm sau khi đăng tải bài viết “Đi tìm tác giả bài văn điểm 0”, một lá thư được gửi đến Dân trí với tựa đề “Tôi đã tìm ra tác giả bài văn điểm 0”: “Bất ngờ buổi tối lên mạng tìm một tài liệu liên quan đến từ khóa “bài văn”, một tựa đề đập vào mắt tôi: “Đi tìm tác giả bài văn điểm 0” đăng trên Dân trí ngày 19/3/2007. Đọc xong bài viết này, tôi vui hết sức vì phát hiện ra tác giả bài viết chính là thầy giáo dạy văn của mình ngày xưa. Tôi còn nhớ năm học 76-77, tôi thi đậu vào lớp 10 D2 trường trung học TNA, Hố Nai, Biên Hòa. Hết năm học, tôi lên lớp 11D2. Nhưng năm học mới khai giảng hai tháng thì cô dạy văn đổi đi. Một thầy giáo dạy văn thay thế cô. Tuần sau đó, thầy giáo mới đến lớp cùng ông hiệu trưởng. Ông giới thiệu với lớp tôi thầy Th sẽ là giáo viên văn kiêm chủ nhiệm lớp. Thầy Th chiếm được cảm tình của học sinh ngay từ tiết đầu. Không đi vào chương trình, thầy dành hết thời gian để làm quen với học trò. Chúng tôi rất thích thái độ gần gũi, cởi mở của thầy. Những ngày tiếp theo, học sinh ngày càng tâm phục vì thầy giảng bài hấp dẫn và có phương pháp giáo dục hay. Khi học sinh có lỗi, thầy nặng về cảm hóa hơn là hình phạt. Khi được thầy Th dạy, lớp tôi tiến bộ trông thấy về nhiều mặt. Nhưng cuối học kỳ II, trong lớp đã xẩy ra một việc mà tất cả lớp không ai ngờ. Đó là khi cho học sinh làm bài viết số 5, thầy Th ra một đề văn mang tính khái quát để kiểm tra đánh giá việc học sinh ôn tập. Trong lớp ai cũng làm bài đến hết giờ mới ra, nhưng bạn Lê Tuấn ra khỏi lớp chỉ 15 phút sau khi trống báo hiệu viết đề. Không biết nội dung bài làm của bạn thế nào, nhưng qua thái độ, chúng tôi đoán thầy Th bực dọc lắm. Thầy cầm bài của Lê Tuấn đọc đi đọc lại rồi ngồi khoanh tay, vẻ đăm chiêu trên nét mặt. Hôm trả bài, Lê Tuấn vắng mặt. Lúc đọc bài văn hay, thầy đã chọn bài của bạn. Cả lớp nghe xong ai cũng sửng sốt không tin được. Một tuần sau, văn phòng nhà trường cho hay Lê Tuấn đã xin nghỉ học. Sau sự cố của Lê Tuấn, không khí sinh hoạt lớp tôi phải mất vài tuần mới trở lại bình thường. Riêng thầy Th khi lên lớp, lời giảng vẫn thu hút học sinh nhưng nét mặt có chút gì buồn. Cuối năm học đó, tất cả học sinh 11D2 đều lên lớp thẳng. Chúng tôi ai cũng bảo đó là công lao của thầy Th. Đầu năm học sau, thầy Th được thuyên chuyển về TPHCM trong sự ngỡ ngàng tiếc nuối của lớp chúng tôi. Hôm chia tay, thầy Th chúc lớp đậu tốt nghiệp 100%. Thầy không quên dặn chúng tôi bao giờ vào thành phố thi đại học nhớ ghé nhà chơi. Nhưng không phải mọi sự trên đời hễ “muốn là được”. Hè năm đó, tôi và các bạn sau thi đại học kiếm mỏi mắt không ra địa chỉ của thầy vì khu vực đó đã được đền bù giải toả. Ba chục năm trôi qua, tôi không gặp thầy Th. Mỗi lần đến ngày 20 tháng 11, tôi vẫn thầm cảm ơn người thầy đã tận tụy dạy dỗ mình nên người. “Bài văn điểm không” soi sáng tính trung thực, tinh thần trách nhiệm của một người thầy. Càng đọc, tôi càng thấy tấm lòng thầy Th cao quý. Thầy nghiêm khắc với học trò nhưng cũng nghiêm khắc với cả chính bản thân mình. Căn cứ vào xuất xứ bài văn và tấm hình tôi suy nghĩ và tìm cách liên lạc với thầy Th qua các thông tin trên edu.net.May mắn thầy đã nhận được mail của tôi và gửi hồi âm. Nếu báo Dân trí tiếp tục muốn tìm hiểu về “tác giả bài văn điểm không”, tôi sẵn sàng làm cầu nối. Đ.V.N - Một học trò cũ của thầy Th”. Đề bài viết số 5 mà thầy Th đã ra: “Hãy phát biểu cảm tưởng về một trong những tác phẩm văn học nước ngoài mà em đã học”. Bài làm của L.T chỉ vẻn vẹn có mấy dòng: “Trong những tác phẩm văn học nước ngoài đã học, tuy có những tác phẩm nổi tiếng như “Hăm-lét” của Sếc-pia, “Những người khốn khổ” của Vich-to Huy-gô, “A.Q chính truyện” của Lỗ Tấn v.v… Nhưng em nhận thấy những tác phẩm nước ngoài không làm em chú ý và ưa thích vì nó hoàn toàn xa lạ với em. Nếu em có hiểu những tác phẩm này thì sự suy nghĩ và tưởng tượng của em cũng khác hẳn vì nó phụ thuộc theo hình thức mỗi nước. Mong thầy thông cảm vì em đã có những cảm tưởng không giống thầy. Nhưng mỗi người có một tư trưởng khác nhau, thưa thầy”.
Tác giả lá thư là một “người vô hình”
Tác giả lá thư có để lại địa chỉ email. Chúng tôi liên hệ và nhận được hồi âm cung cấp thông tin về số điện thoại, tên thật của mình là Đặng Văn Ninh và cả số điện thoại của nhà người thầy đó.
Tuy nhiên, khi chúng tôi gọi điện đến số máy được cung cấp là số điện thoại của người thầy giáo đó, thì tiếng trả lời rành rọt của tổng đài bưu điện thông báo: “Số máy quý khách vừa gọi hiện chưa có”.
Càng bất ngờ hơn khi gọi điện đến số máy của anh Đặng Văn Ninh thì tuy không phải nhận được thông báo như trên nữa, nhưng chủ nhân của số điện thoại đã hết sức ngạc nhiên vì anh không gửi lá thư nào đến tòa soạn, cũng không trả lời email để cung cấp số điện thoại nào cả!
Nhưng anh cũng chỉ cười và không hề truy cứu xem ai là tác giả của lá thư đó. Anh hỏi chúng tôi cần thông tin gì từ anh? Và anh có trần tình: “Khổ quá, tôi cũng là học trò của lớp thầy Thăng ngày ấy (Thầy Thăng là tên thật của thầy giáo Th. đã cho bài văn điểm 0 - PV), tôi thấy bài văn bị cho điểm 0 đó cũng có gì là quá đáng đâu mà hàng chục năm nay, thầy luôn phải dằn vặt, buồn bã như vậy”.
Chúng tôi có đề nghị anh có thể tìm giúp người bạn cũ ngày xưa cho thầy giáo của mình. Anh hứa sẽ cố gắng tìm. “Cũng đã hàng chục năm trôi qua rồi, công việc bận rộn, mỗi người mỗi ngả, tôi không hề gặp lại Lê Tuấn (là tác giả bài văn bị điểm 0 đó, có tên tắt là L.T - PV). Tôi cũng không biết giờ anh ấy ở đâu, làm gì nhưng tôi sẽ cố gắng huy động tất cả các kênh thông tin từ bạn bè cũ để tìm anh ấy về cho thầy giáo của chúng tôi trong thời gian nhanh nhất!” Anh Ninh đã hứa như vậy!
M.M
▪ “Siêu” ngoại ngữ đỗ thủ khoa (15/08/2008)
▪ Tập huấn cho “thủ lĩnh thanh niên” các trường học (14/08/2008)
▪ Làng cử nhân ven sông Cầu (14/08/2008)
▪ Chàng thủ khoa nghèo với khát vọng đổi đời (13/08/2008)
▪ Khi lòng ta đã hóa những con tàu (13/08/2008)
▪ Gặp lại chàng trai từng nhận học bổng Bill Gates (11/08/2008)
▪ Nửa triệu thí sinh đã trượt đại học (09/08/2008)
▪ Truyền lửa và gieo chữ (09/08/2008)
▪ Gặp thí sinh có điểm văn cao nhất nước (09/08/2008)
▪ Con đỗ, mẹ lo (07/08/2008)