Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Các Website khác - 13/08/2008

Những câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên cứ vang ngân mãi trong lòng đoàn sinh viên tình nguyện chúng tôi trên chặng đường dài đến với một xã miền núi nghèo thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Các em nhỏ vùng cao say mê đón nhận từng trang sách của đoàn tình nguyện
Xã Mỹ Bằng nằm ở phía Tây Nam của huyện Yên Sơn, cách trung tâm thành phố Tuyên Quang 25km; là một trong những xã rộng lớn và đông dân cư nhất của huyện Yên Sơn (gồm 25 thôn với 6 dân tộc anh em chung sống: Kinh, Cao Lan, Dao, Hoa, Tày và Nùng). Toàn xã hiện có 448 hộ nghèo, trong đó có 127 hộ nghèo là thanh niên.

Tháng 4/2006, xã tiếp nhận thêm một thôn tái định cư từ khu vực quy hoạch xây dựng thủy điện Na Hang về và theo kế hoạch  được phân bố ở hai thôn: Mỹ Hoa (56 hộ người Mông) và Giếng Đõ (29 hộ, người Tày).

Theo lời anh Đỗ Trung Kiên - Bí thư Huyện Đoàn Yên Sơn, đồng bào ở đây chưa hiểu thế nào là tái định cư, số người Mông nói tiếng Kinh rất ít. Thực tế rất ít số hộ tái định cư chấp nhận ở lại, còn đa phần trở lại Na Hang sống du canh du cư. Tình trạng này xảy ra với cả đồng bào dân tộc ở khu vực thủy điện Sơn La.

Nhóm sinh viên báo chí chúng tôi (cùng với ba trường: ĐH Điện lực, Ngoại thương và Sân khấu- Điện ảnh) về ở tại thôn Giếng Đõ. Đếm trên đầu ngón tay thì nơi đây có hơn hai chục nóc nhà gỗ, nhưng chỉ một nửa số đó là có người ở (ngay cả chỗ để đi vệ sinh cũng chưa có).

Chúng tôi bắt đầu công việc của mình bằng việc đào hố để làm chuồng lợn và nhà vệ sinh cho các gia đình. Công việc này chiếm khá nhiều thời gian và sức lực nhất đối với các tình nguyện viên. Mồ hôi ướt đẫm những lưng áo xanh; những bàn tay chỉ quen cầm bút nổi chai và trầy xước… Song, tất cả đều cố gắng hết mình với công việc.

Anh Trần Thống Nhất - cán bộ huyện Yên Sơn, cho biết, khó khăn hiện tại với các hộ tái định cư là cần trồng nhiều cây xanh. Các hộ ở đây chỉ trồng keo nên không có thu nhập.

Dọn cỏ ở Nghĩa trang liệt sĩ
Và  thế là 100 cây sấu (mua từ số tiền ủng hộ của các tình nguyện viên) hôm sau được trồng tại vùng đất tái định cư (cùng các vườn rau xanh) như; gửi gắm ở đó hy vọng người dân nơi đây sẽ như những màu xanh kia – bám đất mẹ, vượt qua gian khó, vươn lên.

Bên cạnh những hoạt động tình nguyện theo chức năng riêng của từng trường (ĐH Điện lực lắp đặt các thiết bị điện cho các hộ gia đình; ĐH Sư phạm, CĐ Sư phạm Hà Nội, CĐ Mẫu giáo T.Ư dạy chữ, bổ túc cho các em nhỏ…) thì những hoạt động chung như dọn cỏ và viếng nghĩa trang liệt sĩ; thăm và tặng quà các gia đình chính sách; tặng quà cho trường tiểu học; đi hái chè giúp bà con hay giao lưu văn nghệ với thanh niên của thôn, xã… đã để lại nhiều kỷ niệm và ấn tượng khó quên trong lòng mỗi tình nguyện viên chúng tôi.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói với ca sĩ Khánh Ly rằng: “Sông vẫn chảy đời sông, suối vẫn chảy đời suối… Nhưng sống trong đời cần phải có một tấm lòng”.

Thông điệp từ chuyến đi trở về từ Tuyên Quang của chúng tôi, từ mỗi mùa hè tình nguyện của Đoàn Thanh niên trong cả nước là mỗi chúng ta hãy có cho mình “một tấm lòng”, sống cho cộng đồng và vì cộng đồng nhiều hơn nữa…

Lương Đình Khoa