Làng cử nhân ven sông Cầu
Các Website khác - 14/08/2008

Nằm ven sông Cầu thơ mộng, thôn Vọng Nguyệt (xã Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh) nổi tiếng là vùng đất hiếu học của vùng Kinh Bắc được mọi người gọi với cái tên trìu mến: Làng đại học.

Trường THCS Tam Giang (Yên Phong) đạt chuẩn quốc gia

Ba tiếng trống học ban đêm

Thôn Vọng Nguyệt vốn là nơi có truyền thống hiếu học, trước đây đã có 8 người đỗ khoa bảng, 23 người đỗ cử nhân. Đắc biệt, đền thờ cụ Nguyễn Duy Thức được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

Giai đoạn 1991- 1994 là những năm làng nghề phát triển. Nhưng phong trào học tập của làng lại đi xuống. Vào thời điểm đó, mỗi năm có từ 25 - 30 em bỏ học. Tinh thần học tập của các em bị sa sút. Mỗi năm cả thôn chỉ có 2 - 3 em đỗ đại học.

Trước tình trạng đau lòng đó, không nỡ để con em trong thôn thất học, sau nhiều đêm trăn trở, một số giáo viên trong thôn đã nghỉ hưu như bác Lê Văn Thanh, Nguyễn Văn Lê... quyết định thành lập Hội Khuyến học và phát động phong trào ba tiếng trống học ban đêm.

Bác Nguyễn Văn Lê - hội viên Hội Khuyến học của thôn, thường trực Hội Khuyến học huyện Yên Phong cho biết: “Chúng tôi nhận thức được đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Phong trào ba tiếng trống học ban đêm nhằm giúp các cháu học tốt trong ba giờ vàng ngọc. Phong trào này tạo sự chuyển biến tốt trong học tập, phát huy truyền thống hiếu học của ông cha”.

Phong trào ba tiếng trống học ban đêm bắt đầu thực hiện từ năm 1997. Cứ 7 giờ tối hàng ngày, khi loa truyền thanh của thôn phát đi ba tiếng trống thì con em trong thôn ngồi vào bàn học.

Những gia đình nào có con đi học vào giờ đó đều tắt hết tivi, loa đài, tạo môi trường yên tĩnh cho các em học tập. Để đảm bảo hiệu quả của phong trào, vào mỗi buổi tối các thành viên của Hội Khuyến học không quản ngại mưa gió đến tận nhà kiểm tra tinh thần học tập, sách vở, cơ sở vật chất học tập của các em.

Qua kiểm tra, những em nào thực hiện chưa tốt, học tập lơ là, hội sẽ đưa lên loa phát thanh của thôn nhắc nhở. Đồng thời, thông báo đến nhà trường để kịp thời chấn chỉnh và đề ra biện pháp khắc phục. Bên cạch đó, Hội cũng tuyên dương những em, gia đình có tinh thần học tập tốt. Từ đó, các em đã tự giác ngồi vào bàn học.

Vượt qua những ngày đầu khó khăn đó, phong trào ba tiếng trống học ban đêm đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Nếu vào những năm 1991,1993, cả thôn chỉ có vài em đỗ đại học, thậm chí chỉ có một em, thì đến những năm gần đây số em đỗ đại học tăng vọt.

Năm học 2007 cả thôn có 75 em dự thi có 34 em đỗ đại học và 23 em đỗ cao đẳng. Cũng năm 2007, thôn có 5 em đạt giải cấp tỉnh và 12 em đạt giải cấp huyện, số học sinh tiên tiến, học sinh giỏi các cấp gần 100 em. Đến nay, cả thôn có 65% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình hiếu học.

“Có được kết quả trên là do chúng tôi rất coi trọng công tác xã hội hoá giáo dục. Cùng với Hội Khuyến học, chúng tôi còn kết hợp Hội Thanh niên, Hội Phụ nữ, tham gia vào phong trào ba tiếng trống học ban đêm.

Ở Vọng Nguyệt có 10 dòng họ thì có 8 dọng họ có quỹ khuyến học để kịp thời động viên,khen thưởng những em có thành tích học tập tốt, giúp đỡ những em học giỏi có hoàn cảnh khó khăn. Bởi vậy, phong trào ba tiếng học ban đêm vừa có chiều rộng lại có chiều sâu.

Từ thôn Như Nguyệt, phong trào ba tiếng trống học ban đêm được phát động ra toàn xã nhà, rồi toàn huyện Yên Phong, trở thành điểm sáng về phong trào học tập của tỉnh Bắc Ninh” - Bác Lê nói với giọng đầy phấn khởi.

Gánh chuối nuôi 4 con vào đại học

Bà Nguyễn Thị Thoa, gánh chuối  nuôi 4 con đỗ đại học

Chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Thoa ở thôn Vọng Nguyệt. Nhắc đến bà, mọi người trong thôn đều hết lòng cảm phục, bà đã bền bỉ cả đời không quản ngại sương gió nơi đồng ruộng, buôn bán khắp nơi để nuôi bốn con vào đại học.

Khi chúng tôi đến bà đang chuẩn bị bữa cơm trưa. Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ, bà mở đầu câu chuyện: “Mình chỉ nghĩ, đời mình thất học, khổ đã đành. Còn con mình dù khó kăn đến đâu mình cũng phải cho chúng nó học đến nơi, đến chốn”.

Với ý nghĩ đó, mặc dù nhà nghèo, nhưng bà vẫn tìm mọi cách khắc phục thiếu thốn, khó khăn để nuôi các con ăn học.

Để có thêm tiền nuôi các con học hành, ngoài một mẫu ruộng bà còn làm thêm nghề buôn chuối. Năm nay, bà đã hơn 60 tuổi nhưng có đến 35 năm lặn lội với nghề bán chuối.

Vì nhà nghèo, không có xe làm phương tiện đi lại, nên bà phải gánh bộ. Hàng ngày, bà phải thức dậy từ bốn giờ sáng, đi bộ hơn 10 cây số sang chợ Bầu (Bắc Giang) để mua chuối xanh về nhà dấm. Đến khi chuối chín, bà lại gánh bộ gần 10 cây số lên chợ huyện bán.

Cứ như vậy, không kể trời nắng cũng như trời mưa, suốt 35 năm ròng bà gánh chuối để có tiền nuôi các con ăn học. “Khổ nhất là những hôm trời mưa, đường trơn lại gánh nặng, nên trên đường đi, có lúc ngã đến hai, ba lần. Còn vào những ngày chợ Tết, vì gánh bộ, nên phải dậy từ 2 giờ sáng cho kịp phiên chợ. “Những hôm đi chợ về sớm, tôi lại tranh thủ ra đồng làm đến tám, chín giờ tối mới về nhà” - Bà Thoa kể.

Không phụ công mẹ, cả bốn con của bà đều học giỏi và lần lượt đỗ vào đại học. Năm 1997, con trai đầu Nguyễn Văn Bình đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Đến năm 1999, con gái thứ hai Nguyễn Thị Thao đỗ Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 2002, con trai thứ ba Nguyễn Văn An đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2003, con trai thứ tư Nguyễn Văn Thêm cũng đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội. Cô con gái Nguyễn Thị Thao tốt nghiệp đại học với bằng loại giỏi.

Cả bốn con đều đỗ đại học, với bà là niềm vui lớn, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc, bà phải làm việc nhiều hơn nữa, để có tiền nuôi các con ăn học.

“Có nhiều lúc, tôi tưởng không vượt qua nổi giai đoạn khó khăn đó nhưng thấy các con học giỏi, tôi lại thêm quyết tâm. Đó cũng là động lực để tôi vượt qua gian khổ nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn”.

Nguyễn Thắng