Hanoinet- "Hầu hết SV cứ đăng ký là có lớp học chứ không phải chờ lâu. Học liên tục một môn, sau đó lại thi liền nên chỉ cần học bài kỹ là có thể thi được", mộtSV khoa Cơ khí chế tạo máy trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhận định.
Ngày càng nhiều sinh viên (SV) tranh thủ thời gian hè để lấy thêm một số tín chỉ, nhằm rút ngắn thời gian học ĐH.
Đỡ gánh nặng cho gia đình
Nếu có dịp đến trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, bạn sẽ thấy không khíkhá nhộn nhịp dù năm học mới vẫn chưa bắt đầu. Khắp các khuôn viên, ghế đá, hành lang đến giảng đường, thư viện đều có bóng dáng SV.
Dạo quanh một số trường khác như: ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM... cũng không khí nhộn nhịp không khác trong năm học. Các SV đang tranh thủ thời gian hè để học vượt.
Bạn Văn Công Thi- SV năm hai khoa Công nghệ vật liệu trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: "Em đăng ký học vượt 3 môn, với hy vọng bước vào năm học mới chương trình sẽ nhẹ hơn, có thời gian đầu tư cho các môn khác, rồi còn học thêm cả ngoại ngữ và tin học nữa".
Còn Nguyễn Đức Tuấn - SV năm hai khoa Cơ khí trường ĐH Bách khoa TP.HCM thì đăng ký tới 5 môn, tương đương 12 tín chỉ. Trong đó có 2 môn học vượt, 2 môn học cải thiện và 1 môn học lại. Lịch học của Tuấn kín mít từ thứ hai đến thứ bảy.
Trường hợp của L.K.T - một SV khoa Cơ khí chế tạo máy trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lại khác: "Hè không có điều kiện về quê, em ở lại tối đi làm thêm còn ban ngày đăng ký học vượt. Em nhẩm rồi, nếu cứ học vượt liên tiếp các kỳ hè em sẽ có cơ hội ra trường sớm hơn để đi làm. Dù sớm được một năm hay chỉ một học kỳ, em thấy cũng đỡ nhiều cho gia đình rồi".
Chạy đua với chương trình
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho SV đăng ký tối đa 12 tín chỉ trong chươngtrình học vượt hè. Văn Công Thi đăng ký học vượt 3 môn, tương đương với 7 tín chỉ. Trong 7 tuần phải hoàn tất chương trình học và thi, học xong lại thi ngay, "tốc độ dạy và học nhanh hơn nên cũng hơi vất vả hơn một chút".
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng quy định chương trình học hè tối đa 10 tín chỉ, tương đương 150 tiết.
Ngay giữa học kỳ 2 của năm học, nhà trường tiến hành khảo sát nhu cầu học hè của SV bằng cách cho đăng ký thử. Hết học kỳ 2, nhà trường thông báo lịch học vụ kèm theo mẫu đơn để SV đăng ký trên mạng.
Mỗi lớp có từ 30 SV trở lên sẽ được tổ chức. Nếu đăng ký số lượng đông với thời gian đăng ký khác nhau nhiều, lớp học được chia thành nhiều nhóm dạy vào những thời gian khác nhau, SV có thể linh động trong việc chọn thời gian học.
"Hầu hết SV cứ đăng ký là có lớp học chứ không phải chờ lâu. Học liên tục một môn, sau đó lại thi liền nên chỉ cần học bài kỹ là có thể thi được", mộtSV khoa Cơ khí chế tạo máy trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhận định.
Trong khi đó, việc học vượt hè với nhiều SV trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM lại tỏ ra khá mệt mỏi.
Nguyễn Thị An - SV năm hai khoa Lịch sử than thở: "Em học từ thứ hai đến thứ sáu, cả tuần chỉ có thứ sáu là học một buổi, các buổi còn lại đều học 10 tiết mỗi ngày. Đi về nhiều khi mệt là lăn ra ngủ chứ không học bài gì cả".
Trịnh Văn Hay - SV năm hai khoa Xã hội học cũng đồng tâm sự: "Em đăng ký học vượt 4 môn tương đương với 10 tín chỉ trong mùa hè này. Với số tín chỉ đó nếu như trong năm học sẽ học trong khoảng 8 tuần. Đằng này, học hè chỉ 3 tuần mà vừa học vừa thi. Thực ra chỉ chạy đua với chương trình thôi chứ học gì đâu ạ".
Trong khi đó, Kim Anh - SV năm hai ngành Trung Quốc (khoa Đông Phương học) lại ao ước: "Hè này em đăng ký nhưng chỉ được xếp lịch học 2 môn tương đương với 4 tín chỉ. Cả tuần chỉ lên lớp 2 buổi nên cảm thấy nhàn hạ quá, phí mất cả một mùa hè".
Nhiều lớp, SV đăng ký đông nhưng con số thực đến lớp lại ít. Như khoa Địa lý K27, số lượng SV đăng ký trên 150 người nhưng chỉ khoảng 60 - 70 SV đến lớp thường xuyên.
Nguyễn Hoàng Bách Linh - lớp trưởng lớp Lịch sử K32 cho biết: "Chỉ hôm nào thầy cô điểm danh thì các bạn mới đến đông. Có khi vì trời nắng, học buổi sáng về mệt buổi chiều nhiều bạn cúp tiết luôn. Nhiều bạn than thở vì lớp đông nên chán học. Nhưng ở những môn đại cương thì học lớp với số lượng như vậy em thấy cũng bình thường".
Liên quan đến vấn đề này, TS Phạm Tấn Hạ - Phó phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết: "Thực sự, đây là những lớp học tự nguyện, không bắt buộc với SV, cũng không giới hạn số môn học, nhằm tạo điều kiện cho các SV học theo nguyện vọng. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả học tập thực sự, SV phải tự xem xét thời gian và khả năng của mình trước khi đăng ký môn học".